Mục lục nỗi đau dan tôi

Saturday, June 29, 2013

Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ thông qua luật nhân quyền VN


BBC - Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897 kêu gọi siết chặt chế tài với Hà Nội vừa được Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ thông qua, nhưng còn phải qua nhiều bước nữa. Thông cáo từ Hạ viện Mỹ cho hay dự luật này được các dân biểu thuộc Ủy ban Đối ngoại nhất trí thông qua.

Đây là dự luật do hai nghị sỹ Ed Royce, đảng Cộng hòa, bang California; và Chris Smith, đảng Cộng hòa, bang New Jersey, khởi xướng.

Dự luật HR 1897 đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam thông qua ràng buộc điều kiện nhân quyền và dân chủ vào các khoản viện trợ phi nhân đạo dành cho chính phủ Việt Nam, đồng thời cổ súy thái độ cứng rắn hơn đối với Hà Nội trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo.

Dự luật này sẽ phải được đưa ra bỏ phiếu thông qua tại phiên họp chung của Hạ viện vào tháng 10/2013, sau đó chuyển qua cho Thượng viện xem xét.

Nếu được thông qua tại Thượng viện, dự luật sẽ được chuyển lên trình Tổng thống để ông Barack Obama phê chuẩn thành luật. Chỉ khi đó, nó mới có hiệu lực.

Tuy nhiên các dự luật tương tự đã nhiều lần bị chặn lại tại Thượng viện.

Những người chủ xướng cho rằng dự luậ́t này sẽ giúp cải thiện tình hình nhân quyền trong nước Việt Nam, thúc đẩy nhà nước cộng sản tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và các quyền dân chủ, lao động khác, đồng thời giải quyết nạn buôn người.

Dân biểu Chris Smith nói trong một thông cáo gửi tới BBC rằng phiên điều trần về nhân quyền mới đây tại Hạ viện, với các nhân chứng người Việt, cho thấy tình trạng vi phạm "rất nghiêm trọng".

"Việt Nam tiếp tục là một trong các nước vi phạm nhiều nhất về tự do tôn giáo trên thế giới", ông Chris Smith cáo buộc.

Ngược lại, chính phủ Việt Nam nhiều lần gọi dự luật nói trên là "sai trái" và khẳng định "những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận".


*

Phỏng vấn DB Ed Royce

Thanh Trúc (RFA) - Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam H.R.1897, đồng soạn thảo bởi dân biểu Christopher Smith và dân biểu Ed Royce, được Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ đồng loạt thông qua trưa thứ Năm 27 tháng Sáu vừa qua.

Thông qua với đa số áp đảo

Ngay sau buổi điều trần kết thúc, dân biểu Ed Royce trả lời phần phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, trước tiên ông cho biết:

DB Ed Royce: Trong bao năm qua Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện đã mở nhiều cuộc điều trần về Việt Nam. Nếu những cuộc điều trần ấy có cùng một tiếng nói chung thì đó là nhân quyền tại Việt Nam càng ngày càng giảm sút. Những kẻ thừa hành trong chính phủ đó đã mạnh tay đàn áp người bất đồng chính kiến. Những ai dám dưa lên trang blog hoặc loan tải những tài liệu liên quan đến dân chủ, hoặc bất cứ điều gì có tính cách phê bình chỉ trích đảng cộng sản đương quyền, đều phải đối diện những năm tù giam và bị hành hạ đánh đập. Dự Thảo Luật Về Nhân Quyền Cho Việt  Nam được Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện thông qua hôm nay là một thông điệp dứt khoát đối với đảng cộng sản Việt Nam là phải thay đổi phải cải thiện nếu muốn nhận thêm những nguồn viện trợ nằm ngoài tính cách nhân đạo từ Hoa Kỳ.

Thanh Trúc: Thưa ông dân biểu ED Royce, khi trình bày những điều này có phải ý ông muốn nói đó là lý do khiến Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, mà ông là chủ tịch, đã đồng loạt thông qua H.R.1897 với đa số áp đảo như thế? 

DB Ed Royce: Là vì ai cũng phải sửng sốt và quan ngại trước cách hành xử của chính phủ Việt Nam. Chỉ trong vòng sáu tuần lễ đầu năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ 40 người bất đồng chính kiến, buộc tội họ bằng những phiên tòa nặng phần trình diễn hơn là công lý. Chỉ hơn sáu tuần lễ thôi mà số người bất đồng chính kiến bị bắt giữ đã ngang bằng con số toàn năm ngoái. Nhà nước cộng sản Việt Nam đánh đập hành hung những ai dám lên tiếng bảo vệ nhân quyền.

Dân biểu Chris Smith phát biểu tại buổi đệ trình lên Quốc Hội bản dự thảo “Đạo luật Nhân Quyền VN năm 2013” ở tòa nhà Hạ viện Rayburn hôm 8/5. RFA PHOTO. 

Một lý do nữa mà tôi muốn trình bày là dự luật phải được thông qua bởi vì ở Việt Nam đề cập đến tự do tôn giáo là một cái tội, nói những gì nhà nước không thích cũng là phạm tội mà hậu quả là nhiều năm bị giam cầm. Đã có nhiều buổi điều trần tại quốc hội Mỹ về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, bằng chứng, hình ảnh và danh sách tên tuổi những người bị hành hạ bị đánh đập được trưng lên cho các vị dân biểu thấy.

Cộng đồng thế giới từng nói về những điều tệ hại này, và bây giờ chúng tôi cảm thấy đến lượt quốc hội phải lên tiếng, bước tiếp nữa là trình dự luật, đã được Ủy Ban Đối Ngoại nhất trí thông qua hôm nay, ra trước hạ viện để biểu quyết.

Thanh Trúc: Thưa ông, bao giờ thì H.R.1897 sẽ được đưa ra trước toàn thể hạ viện để biểu quyết? 

DB Ed Royce: Tôi nghĩ vài tuần lễ nữa thì dự luật, vừa được Ủy Ban Đối Ngoại chúng tôi thông qua hôm nay, phải được trình ra trước toàn thể hạ viện để biểu quyết. Theo tôi có thể khoảng cuối tháng Bảy chứ không lâu hơn.

Thanh Trúc: Vậy ông có tiên liệu những khó khăn hay trở ngại có thể xảy ra khi Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam được mang ra trước toàn thể hạ viện sắp tới?

DB Ed Royce: Việc Dự Luật được Ủy Ban Đối Ngoại có các dân biểu lưỡng đảng thông qua hôm nay với đa số áp đảo tôi thấy không có sự khó khăn nào khi nó được đưa ra trước hạ viện lần này. 

Thanh Trúc: Thưa trong quá khứ Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam từng được thông qua hai lần ở hạ viện cũng với đa số áp đảo, nhưng đã bị khựng lại khi lên tới Thượng Viện? Liệu năm nay có điều gì khác hơn? 

DB Ed Royce: Là vì khi đó thượng nghị sĩ John Kerry, trong tư cách chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại trên thượng viện, đã tìm cách ngăn chận Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam lại. Hiện tại ông John Kerry không còn là chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện nữa mà là ngoại trưởng Hoa Kỳ, thay vào chỗ ông ta là thượng nghị sĩ Robert Menendez. 

Ông Robert Menendez cũng là người dễ bất bình về chuyện nhân quyền bị vi phạm. Từ Cuba di cư sang Hoa Kỳ, gia đình thượng nghị sĩ Robett Menendez từng trải nghiệm những hình thức vi phạm chà đạp quyền con người trong chế độ cộng sản Cuba, cũng là kinh nghiệm thực tế mà các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi ở Việt Nam đang nếm trải khi tìm cách phổ biến, liên lạc, nối kết và giao lưu với nhau trên Internet. 

Chính vì vậy tôi tin rằng lần này H.R.1897 sẽ được sự ủng hộ của trước nhất và quan trọng nhất là Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện mà thượng nghị sĩ Robert Menendez đang là chủ tịch như vai trò chủ tịch hiện thời của tôi trong Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện mà đã đồng loạt thông qua Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam hôm nay trước khi đưa ra hạ viện sắp tới. 

Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông dân biểu Ed Royce. 

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/passed-hr-1897-promotes-hr-4-vn-tt-06282013123456.html

*

‘Muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, Hà Nội cần cải thiện nhân quyền’
Ông Yun nói rằng Mỹ sẽ ủng hộ nỗ lực hiện đại hóa quân sự 
của Việt Nam trong lĩnh vực phi sát thương.


VOA - Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Joseph Yun một lần nữa nhấn mạnh như vậy trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho ban Việt Ngữ - Đài VOA.

Các giới chức quân sự cấp cao của chính quyền Hà Nội từng bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm này, nhưng phía Mỹ lại đặt điều kiện về nhân quyền.

Trả lời VOA, ông Jun nói phía Mỹ sẽ xem xét tới vấn đề vũ khí sát thương, nhưng ông nhắc lại rằng việc này dính líu tới vấn đề nhân quyền.

Ông nói: “Chúng tôi muốn chứng kiến một sự cải thiện lớn đối với vấn đề nhân quyền trước khi chúng tôi chuyển sang thương thảo những việc khác”.

Việc Hoa Kỳ cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nằm trong lệnh cấm vận vũ khí năm 1984 của Washington.Hồi đầu tháng này, tại một buổi điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ về mối quan hệ Việt – Mỹ, ông Yun nói rằng người dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc nâng cấp nhanh chóng quan hệ song phương, nếu chưa có sự cải thiện về nhân quyền ở Việt Nam.

Ông nói: “Trong khi chúng ta tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn về mặt an ninh, hiện vẫn còn các giới hạn về mối quan hệ quân sự liên quan tới vấn đề nhân quyền. Phía Mỹ đã nói rõ với các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự của Việt Nam rằng cần có sự cải thiện rõ ràng và lâu bền về tình hình nhân quyền ở nước này thì Mỹ mới cân nhắc dỡ bỏ những hạn chế còn lại về việc xuất khẩu các thiết bị quốc phòng, trong đó có vũ khí sát thương”.

Tuy nhiên, ông Yun nói rằng Mỹ sẽ ủng hộ nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Việt Nam trong lĩnh vực phi sát thương nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Đông Nam Á.

Ông cũng cho hay, Hoa Kỳ hoan nghênh kế hoạch của Việt Nam về việc lần đầu tiên triển khai binh sĩ ra nước ngoài tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc vào năm 2014.

Theo nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, Hoa Kỳ giúp huấn luyện quân sự cho giới chức Việt Nam tham gia nhiệm vụ vừa kể.

Trong bối cảnh Bắc Kinh mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, Việt Nam đã chi hàng tỷ đôla để mua sắm các thiết bị quân sự tối tân.

Khi được hỏi liệu có phải sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến Hà Nội và Washington xích lại gần nhau hơn, ông Yun nói rằng có nhiều lý do dẫn tới sự hợp tác giữa hai nước.

Ông Yun nói: “Hai bên giao thương với nhau nhiều. Chúng tôi cùng làm việc về các vấn đề liên quan tới khu vực Đông Nam Á, vấn đề an ninh biển, các vấn đề phát triển hay vấn đề hạ nguồn sông Mekong. Có nhiều lý do để giải thích vì sao chúng tôi hợp tác với Việt Nam”.

Ông Yun nói thêm rằng nhân quyền luôn là một thành tố quan trọng trong mối quan hệ Việt – Mỹ. Ông cho hay Washington muốn thấy Việt Nam có được tiến bộ về quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tôn giáo và mọi quyền tự do khác.

Mới đây, trong vòng chưa đầy một tháng, Việt Nam tống giam 3 blogger, nâng con số người bị bắt giữ vì chỉ trích chính sách của nhà nước trong năm qua lên tới hàng chục người. Các tổ chức nhân quyền coi đó là hành động bịt miệng những tiếng nói bất đồng. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói với VOA Việt Ngữ rằng ông quan ngại về việc này.

Ông nói: “Dĩ nhiên chúng tôi rất quan ngại bất cứ khi nào quyền tự do ngôn luận bị chà đạp, dù là ở trên không gian mạng, trong lĩnh vực báo in hay các phương tiện phát thanh, truyền hình. Vâng, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi quan ngại và muốn thấy có tự do ngôn luận”.

Trước câu hỏi Việt Nam thường lên án các nước chỉ trích Hà Nội về nhân quyền là can thiệp vào chuyện nội bộ, ông Yun nói rằng nhân quyền là quyền cơ bản của con người trên thế giới, và điều đó đã được nêu rõ trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.

Nhà ngoại giao Mỹ nói thêm rằng nhân quyền là một trong những cột trụ trong chính sách đối ngoại của Mỹ không những đối với Việt Nam mà còn đối với các nước khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ông cho biết rằng Tuyên ngôn đó là tiêu chuẩn mà Mỹ tuân thủ và nó áp dụng đối với tất cả mọi người.

Trong tháng Năm và tháng Sáu, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Joseph Yun đã tham dự các buổi điều trần liên quan tới Việt Nam tại Hạ viện Mỹ.

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, ông Yun từng nói rằng ‘còn nhiều việc cần phải làm ở Việt Nam nhằm bảo đảm rằng tất cả mọi công dân được hưởng quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí’.

http://www.voatiengviet.com/content/muon-do-bo-lenh-cam-van-vu-khi-ha-noi-can-phai-cai-thien-nhan-quyen/1691338.html         

No comments:

Post a Comment