Chung Hoàng (Vietnamnet) - Thủ tướng mong các trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch các xã nghèo phấn đấu trở thành đảng viên: "Vào Đảng không phải để lên chức mà để thực hiện lý tưởng cao đẹp, xây dựng đất nước".
Ở xã phải nói được, làm được
Về dự hội nghị sơ kết dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ ĐH tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 63 huyện nghèo hôm nay (26/6) tại Hà Nội là 580 bạn trẻ, tuổi đời 23-32.
Chia sẻ về 1 năm làm việc, các trí thức trẻ đều thống nhất tinh thần "làm mà nghĩ đến tiền thì không làm được".
Phó CT sinh năm 1989 của xã Trung Đồng, Tân Uyên, Lai Châu, Trương Thị Trang, phụ trách văn hóa xã hội phải đối mặt với thách thức "người Mông nói tiếng Việt còn chưa sõi, làm sao hát được"; trong khi Đặng Phúc Long, sinh năm 1986, tốt nghiệp ĐH Văn hóa lại được giao phụ trách kinh tế, nông nghiệp của xã Phình Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái.
Về các xã nghèo là biết chắc khó khăn, nhưng nhiều trí thức trẻ đã cố gắng để lại dấu ấn riêng.
Lê Tiên Tiến, Phó CT xã Hóa Phúc, Đakrông, Quảng Trị đã cùng dân trồng 10ha cao su; đề án phát triển du lịch cộng đồng của Nguyễn Thị Huyền, Phó CT xã Xuân Cầm, Thường Xuân, Thanh Hóa được huyện cấp kinh phí 20 tỷ đồng; Nguyễn Thành Phong, Phó CT xã Tuấn Đạo, Sơn Động, Bắc Giang hướng dẫn dân trồng khoai tây đạt giá trị 44,5 triệu đồng/ha..
Sau một năm cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với dân, các trí thức trẻ rút ra nhiều kinh nghiệm.
Trương Thị Trang khẳng định phải thường xuyên xuống thôn để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, học hỏi từ những cán bộ xã nhiều kinh nghiệm và từ chính người dân.
Phó CT xã Đặng Phúc Long: Muốn làm việc ở xã phải tạo được niềm tin
Đặng Phúc Long thì nhấn mạnh: "Muốn làm việc ở xã phải tạo được niềm tin ở tất cả cơ quan, đơn vị và người dân, trên cơ sở tôn trọng, khiêm tốn, thật thà, cầu thị, ham học hỏi, không được phép nói dối, dám nghĩ, dám làm, nói được làm được".
Từ thực tiễn công tác, họ kiến nghị đến lãnh đạo trung ương và tỉnh, huyện những vấn đề rất cụ thể như đầu tư làm đường giao thông, kéo điện thắp sáng, xây dựng tủ sách cho thanh niên...
Bên cạnh nguyện vọng được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý và kiến thức về lĩnh vực được phân công, các Phó CT xã trẻ cũng tự đặt ra nhiệm vụ cho bản thân.
"Tôi sẽ tích cực, chủ động học tiếng đồng bào Hre và phong tục tập quán địa phương", Nguyễn Anh Khoa, sinh năm 1985, Phó CT xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi, cho biết.
Có năng lực bổ nhiệm luôn
Ông Cứ A Dạng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Muôn, Mường La, Sơn La, chia sẻ "từng là Phó CT xã nên biết lấy được niềm tin của dân là rất khó". Do đó, sự hoài nghi của chính quyền và nhân dân địa phương đối với các trí thức trẻ là không tránh khỏi.
Ông Giàng A Tính, Bí thư huyện ủy Sìn Hồ, Lai Châu cho biết huyện đã tham gia nhiều dự án đưa trí thức trẻ, sinh viên về cơ sở, song chưa thấy những chuyển biến thực sự.
Họ giúp địa phương nhận ra có những việc làm được mà chưa làm
"Thế nên với các Phó CT xã thuộc dự án này, có sự kỳ vọng và đòi hỏi lớn", ông Tính nói. "Nhưng họ đã bước đầu làm được, giúp địa phương nhận ra lâu nay có những việc đáng nhẽ làm được mà chưa làm".
Thừa nhận một số trí thức trẻ còn mờ nhạt, ngại va chạm, ông Tính cho rằng "thời gian mới một năm, họ cũng chưa được quyết định những việc lớn".
Bí thư Sìn Hồ nêu lên vấn đề mà cả các trí thức trẻ và chính quyền địa phương đều băn khoăn: Có cần chờ hết 5 năm dự án mới xem xét, hay những người làm tốt có thể được cất nhắc trước thời hạn?
Như đại diện UBND tỉnh Cao Bằng nói: "Về xã là làm thật, không phải làm thử, không thể chờ đợi 5 năm mà phải đánh giá ngay bây giờ, nếu phát hiện người có năng lực sẽ bổ nhiệm vào vị trí thích hợp ở huyện và tỉnh, để sau 5 năm thì họ già mất".
Chưa thành công cũng không nản chí
Lắng nghe các trí thức trẻ và các lãnh đạo huyện, tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tâm sự có những kinh nghiệm tốt mà ông có được là từ thời gian làm ở cơ sở.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải khiêm tốn, lắng nghe, tôn trọng và thương dân
Thủ tướng nhấn mạnh mục đích của dự án 600 Phó CT xã: Tăng cường nguồn nhân lực trẻ có trình độ ĐH về các xã khó khăn thuộc các huyện nghèo, để cùng cấp ủy, chính quyền, mặt trận và nhân dân nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói thoát nghèo.
"Các bạn là những người có trình độ, ưu tú, có lòng nhiệt tình, tinh thần tình nguyện", Thủ tướng nói.
Thứ hai là "tạo đất dụng võ", môi trường, điều kiện để trí thức trẻ khẳng định mình, cống hiến và trưởng thành. "Xã là một môi trường thực tiễn toàn diện để rèn luyện, là 'trường đời' về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền...", Thủ tướng nhận định.
"Qua đó đào tạo cho Đảng và Nhà nước những cán bộ tốt, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách về luân chuyển, tạo nguồn cán bộ".
Thủ tướng đề nghị các trí thức trẻ "chịu khó, nắm sâu và chắc nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương để đề xuất và thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nghiên cứu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực được phân công".
"Phải khiêm tốn, lắng nghe, tôn trọng và thương dân, gắn bó với chính quyền và nhân dân, đề xuất những việc cụ thể, thiết thực", Thủ tướng khuyên. "Phấn đấu vượt qua khó khăn, có ý chí lớn nhưng hoàn thành tốt từng việc nhỏ, từng nhiệm vụ cụ thể để có niềm tin, uy tín với dân, chưa thành công cũng không nản chí".
Thủ tướng cũng mong các trí thức trẻ phấn đấu trở thành đảng viên: "Vào Đảng không phải để lên quan, lên chức mà để thực hiện lý tưởng cao đẹp, đóng góp xây dựng đất nước".
Thủ tướng nhắc Bộ Nội vụ hoàn thiện chế độ, chính sách cho đối tượng này. "Phó CT xã là biên chế nhà nước, không phải là bổ sung", Thủ tướng nói. "Là cán bộ nhà nước thì không cần chờ đợi hay ràng buộc thời gian, tùy người, tùy yêu cầu, chưa đến 5 năm vẫn có thể được bổ nhiệm cao hơn".
* "Tít" do Danlambao thêm... chút chút.
No comments:
Post a Comment