Mục lục nỗi đau dan tôi

Saturday, June 22, 2013

truyện ngắn: Con Vịt Đẹt


- Ông cha ta xưa tài giỏi thật! làm sao mà nghĩ ra được một dĩa tiết canh vịt. Chỉ có vịt thôi à nha, trong đám lông vũ đố có con nào được nhảy vào dĩa tiết canh? Bốn chân như heo kia bén mảng tới đã là thứ kẻ gian hạ tiện! Ăn tiết canh heo là đẳng cấp thấp!

-Đúng thật, ngừơi Tàu đâu có biết ăn tiết canh! Ly xen vào.
-Chính xác. Gả Linh gà tồ, giọng oang oang nói như phán. Ăn uống là văn-hóa, để có một món ăn đâu phải chỉ một ngày một bữa, từ con vuợn người cắn cổ uống máu con vật sống chúng săn được đến một dĩa tiết canh có tiêu thơm, có húng lũi,tía tô,kinh giới, lạc rang dòn … là cả một quá trình hình thành văn hóa . Hahaha, uống máu là văn hóa hang động thời hồng hoang, còn tiết canh là văn hóa nông nghiệp làng xã, hội hè rồi …vậy nên tìm đâu ra ở các nuớc khác chứ!
Tôi ngồi giữa ba thằng bạn, tán gẫu trên trời  dưới đất, còn mấy ngày nữa là Nông Trường ngô rầm rộ tổ chức lễ Ba mươi tháng tư. Đã mươi năm qua rồi, ở Nông Trường ngô hẩm hiu này, lễ tết là dịp mấy thằng bạn chúng tôi tụm nhau lại nơi nhà một thằng trong nhóm, bày ra nấu món gì đó để lai rai , để tán huơu tán vượn. Hôm nay, bọn tôi ghé nhà Ly – cậu ta vừa lái xe cho phòng vật tư vừa là tổ truởng kĩ thuật nông-trường- để chén tiết canh vịt. Điều đặc biệt là đầu bếp cho món tiết canh vịt là một ông cán-bộ bắc-kỳ, cậu của Ly, bí thư Đảng của nông-trường.Thằng Kỳ, trẻ tuổi nhất , ngày Giải-phóng mới hơn hai mươi tuổi thợ sửa xe hai bánh đầu đường , là lính gác phi trường trước kia, bây giờ trở thành tổ phó phụ tá cho Ly, chuyên viên cơ khí nông trường ngô .Tôi và Linh , là tài-xế xe ben chở cát đá cho các công trình thủy lợi, thủy điện Ya-gưi, Bi-gút trong tỉnh . Nghề tài-xế xe chở cát đá, xe nhà nước, ăn lương nhà nước, nhắm mắt chở đầy tính khối, cố thắng, chạy bương bương thả bông-mo để dư chút xăng bán chợ đen cải thiện . Tôi vốn tài-xế xe công binh tiểu khu Quảng-Đức, sau hai tuần cải-tạo tại chỗ được cho về đăng kí lái xe thủy lợi .Linh thì lại khác, cậu ta lớn tuổi hơn mấy đứa chúng tôi, là đại-úy chế độ cũ, dân Bắc di-cư, công giáo nhà nòi . Số phận kể cũng lạ: Là sĩ quan lính Cộng-hòa, lại lại là công-giáo, vậy mà không một ngày học tập, lại còn được lưu dung trong đội lái xe chuyên chở vật tư thủy lợi với chức vụ tổ truởng .Ngày mới giải-phóng, người ta cần bùi nhùi để nhóm lửa dù là lửa thực hay ảo, họ ném hỏa mù tứ phía tạo dư luận . Đai-úy Linh trở thành người cách mạng nằm vùng, sẳn sàng đương đầu đế quốc và bị  lính Mỹ bắn bị thương .Thiếu điều cậu ta được lãnh giấy chứng nhận thương binh. Tôi hỏi, Linh khà khà cười, nói thẳng ruột ngựa :
 -Úi dà! Mấy ổng nói gì, tự ổng nói, chứ tao bao lần đã nói : Tao là tay chơi, con gia đình công giáo Bùi Chu, chống cộng thứ thiệt, năm- năm- tư sợ cộng chạy tóe khói vào nam, giờ gặp lại, hết đuờng chạy thì vui sống, nhà nước cho gì hưởng nấy. Còn chẳng có cái vụ nằm vùng chống Mỹ đâu! Tao là lính kiểng nội thành, coi đại đội gác phi-trường giả chiến, tao với mấy thằng sĩ quan cấp  dưới nhảy đầm suốt đêm, ngà ngà say lấy xe jeep chạy về kho quân tiếp vụ Mỹ ở phi-trường lấy cắp ít đồ bán nhậu tiếp với mấy con ca-ve, bọn MP Mỹ nó bắn, tao bị gãy xương đùi .Rủi mà may, tao giải ngủ sáu năm truớc ngày ba mươi tháng tư, không đi học tập ngày nào, mà lại còn được ghi là có công chống Mỹ cứu nước .Haha. Đời có số!
Linh đúng là tay chơi, to con lớn xác, da ngăm đen, giọng nói to, ồm ồm và ruột để ngòai da .Tính chất Linh như một người miền nam thương hồ, nơi nơi là bạn với chén rượu câu ca .Linh nói thẳng tọat vậy mà không ai mất lòng, người như vậy mà ham đọc sách, ham tán trời tán đất làm cho bữa rượu nào có Linh thì vui như pháo nổ .Linh chẳng dấu diếm gì khi oang oang kể với bạn bè phát đạn MP Mỹ bắn anh gãy giò vì rủ nhau lấy cắp đồ đi nhậu lại trở thành chiến tích chống Mỹ cứu nước . Và chính cậu ta cũng thấy rõ cái chiến-tích người ta gán cho cậu đã dần dần phai màu, trơ mốc bởi người ta không còn cần dùng đến nó nữa. Linh hết thời làm tổ truởng đội xe, hết thời cuộc họp nào trong tập thể cũng được ngồi hàng ghế đầu, được cán-bộ ưu-ái gọi tên là đồng chí, nhắc đến truớc tòan thể, cán-bộ  vừa nói vừa  ra vẻ âu sầu chia sẻ : ‘’Các anh chị có thấy không, đồng chí Linh đã …vì sao? vì ai?…Chỉ vì lòng yêu nước và căm thù đế quốc!’’. Được tâng lên hay đạp xuống cậu Linh vẫn nhe răng cải mã ra cười, là thằng bạn đầy chất nam bộ không thể thiếu vắng trong đám chúng tôi.
Cậu Ly chủ nhà, cũng như thằng Kỳ, là lính trong đại đội bảo vệ sân bay của Linh trước kia. Cả hai vợ chồng đều được làm công nhân nông-trường ngô là nhờ bí-thư đảng-bộ nông-trường là cậu của vợ Ly .Ông cậu lãnh-đạo nông trường hôm nay sẽ đến trổ tài đầu bếp chiêu-đãi Ly và mấy người bạn món tiết canh vịt truyền thống đất Bắc.Từ một binh nhì cầm súng đứng canh ở các chốt gác phi-trường, ngoài giờ thì về nhà ở ngả tư đường đất đỏ hợp tác với thằng Kỳ  làm thêm nghề sửa vá xe hai bánh .Cái nghề tay trái kiếm cháo đó cộng với cây dù ông cậu vợ, Ly nay đã là tổ-trưởng cơ khí  kiêm tài-xế kho- vận nông trường ngô .
Đã mươi năm qua, bao nhiêu là đổi thay. Cánh tài xế chúng tôi, dù lái xe gì cũng có một mức sống khá hơn mọi người vì mọi họat động theo tem, phiếu, kế họach , chỉ tiêu …Hô hào trên loa ở mọi cây cột điện chỉ là mặt nổi của một đời sống thực, cuộc sống chỉ có  sợ hãi và lo âu thực, thập thò dấm dúi bán trước buôn sau mà sống qua ngày. Tài xế là dây xâu chuổi cho mọi trò dấm dúi đó, nên cũng không được là vua, thì cũng là quan ăn mày trên cả đám dân chiến bại ăn mày. Nhiều tài-xế lái xe cho các cán bộ lãnh đạo trở thành chìa khóa vạn năng, để các cán cấp dưới dùng để hiểu ý thủ-trưởng , còn cán cấp cao thì dùng tài-xế chuyển tải ý chỉ của mình bằng cách ‘’ tỏ vẻ vô tình hay hờ hửng mách nước cho thuộc cấp “, mở cánh cửa quan chức bổng lộc .“ Chà, anh Hai mày thích nhất là có căn nhà hay miếng đất chỗ nào đó, rằng này trong nam này cái xe honda của thằng Nhật nó làm vậy mà tốt đấy nhỉ ; rằng chị Hai mày vậy mà mê nuôi heo, lại thích ăn gà mái ghẹ nữa cơ đấy!”. Tài-xế được cả dưới lẫn trên tin dùng như các quan thái-giám trong triều được các cung-phi nuông chìu để công công cầm dây kéo xe dê về phía mà vua cũng ưa mà phi-tần cũng trông ngóng!. Xã hội quan chức mới, tài xế được trân trọng là bác tài!
Trường hợp của cậu Kỳ, tài xế mà không lái xe, làm phó cho Ly, phụ trách kỉ thuật cơ khí nông trường là trường hợp giàu khá hẳn lên mà chẳng ai biết lí-do từ đâu. Trong bốn anh em Kì trẻ nhất, dân Sài Gòn theo vợ về vùng đất đỏ này sống và sung lính nghĩa quân .Hai năm sau năm bảy lăm, mấy máy cày máy kéo nông trường nằm liệt vì không có vật tư thay thế, Giám đốc nông trường đi cùng Kì đến Công-ty vật tư nông nghiệp, được chỉ qua phòng kế hoạch tỉnh, lại được giới- thiệu vê trung tâm thiết-bị miền nam …cứ chạy vòng vòng như thế cả tháng trời, xe máy vẫn nằm dài…Rồi cuối cùng, Kỳ thuật lại cho cả bọn nghe :
-Tôi cùng một nhóm anh em ở đủ mọi đơn vị khác nhau, với tờ giấy giới thiệu trên tay trình ở cổng căn cứ Long-Bình Biên-Hòa .Trời ơi, các anh có biết không, đúng là một lò mổ vĩ đại, từng chiếc xe, từng dãy máy cơ khí lưu kho, từng lớp lớp vật tư cho tất cả các lọai máy móc cơ khí quân dụng cũng như dân dụng …mọi người tùy nghi cần gì mở rã ra, bỏ sang bên thứ không cần, chỉ cần lấy thứ mình cần dùng.Tôi cần mấy cái rét-lơ con heo dầu , mấy sên căm, vậy mà tôi ham quá loay hoay buổi sáng mở lấy được năm heo dầu và hàng lố lỉnh kỉnh các thứ phụ tùng nông trường cần. Ra cổng người ta kí qua loa, kiểm qua loa , quay nhìn lại mênh mông kho bãi vật tư thiết yếu lòng tôi tiếc đứt ruột .Còn nhớ, anh em mình lấy xích siết vòng vòng quanh bánh xe cày đã bóc hết lớp cao su để chạy trên đuờng đất đỏ trơn nhũi như mỡ. Nhìn từng núi lốp xe vă máy móc các lọai được lăn, khuân chất lên từng dăy xe tải mang biển số miền bắc phủ bạc kín và chở tất cả về ngoài ấy…mà thấy tủi thân .
Nhưng khi ra khỏi cổng tổng kho Long – Bình, Kỳ tiếp, tôi mới hiểu rõ hơn mặt trái của cuộc sống này . Tôi vừa ngồi vào quán cơm bên đường, bịch phụ tùng vật tư đựng trong bao cát để dưới chân, thì đã có một hai người sà vào hỏi mua những gì tôi mới lấy ra với giá thỏa thuận , heo dầu giá là, sên cam là …ông ta kê đủ các lọai, lấy ra lọai nào thì có giá lọai đó …rồi lạ hơn là có người hỏi mua giấy giới thiệu của nông trường, của công-ty vật tư tỉnh …dấu lọai nào thì có giá lọai đó .Nhiều lần sau đó, tôi đã quen đuờng đi nhiều kho khác, nơi khác…được cấp có, mua có, bán có …tôi đã đi với anh em bên xí -nghiệp vận- tải tỉnh ra đến kho Nông- Hạ ở Thanh-Hóa, các anh không thể tưởng tượng cái cách người ta xử lý tài sản máy móc thiết bị chở dồn từ Miền nam về Bắc. Cả môt bãi đất trống gần mươi mẫu đất, không mái che, trần trụi phơi giữa nắng mưa chất lổn ngổn đủ loại máy móc thiết bị, từ máy lạnh, tủ lạnh, máy nổ, máy kéo, máy tàu, xe cần cẩu, xe trục, , , nhiều đến ngộp, đến hỏang sợ . Các đám thợ cơ khí trong Nam thuộc xí nghiệp hay nông trường quá sành cách mua chuộc đám cán bộ gà mờ canh giử bãi: chỉ cần một cái đài, vài cái đổng gởi tặng chị và các cháu là vô tư cho xe tải nhỏ vào quần thảo vài ba ngày với tờ giấy giới thiệu sưu tầm vật tư thay thế. Họ xử lý gọn vì mục đích là lấy thứ hiếm, thứ thị trường chợ đen cần mà cơ chế cho họ cơ hội vàng: tay cà lê, mỏ lết, mở khó thì dùng búa tạ phan bể, chỉ cần giử nguyên phần mình cần…Trong Nam đang cần máy tàu, máy di-e-zen để độ chế lại máy tàu vuợt biên, thì nguồn cung ứng và buôn bán thiết bị này cũng có môt phần đóng góp .
Với vị trí của mình, tôi không kiếm được nhiều như bọn ở các xí nghiệp khác, nhưng tôi nghe họ nói bãi máy như Nông Hạ chỉ là một trong cả chục bãi như thế sau các đợt đánh tư sản Miền nam vét hết chở về, và bọn họ cũng chỉ là con thỏ trong đám ngựa vằn, trâu rừng quần thảo trong thảo nguyên tàn sát đó. Hòa bình thống nhất rồi mà  nghiền nát, phơi xác cho nắng mưa  cả một khối lượng thiết bị  sản xuất của cả một đất  nước bại  vong,  chỉ để thỏa mãn lòng cay cú hơn thua ,quả là điều  không hiểu nổi.
Đó là tòan bộ nội-dung  cậu Kỳ lè nhè kể cho bọn tôi nghe trong một cơn say khi mấy anh em tra  hỏi nó về tiền đâu sắm chiếc Simson mới màu cam nó mua ở Saigon về.
 -Nói cho đúng, cho ra lẽ, ông cha ta không phải vô tình mà dành cho vịt vị trí khác gà . Cậu Linh tiếp tục phần “vịt luận” của mình .Gà có tuổi dậu, vịt thì không có tuổi, gà với chỗ cúng kiến, bàn thờ là chỗ quen biết của gà, còn vịt thì hơi xa lạ, gà có vòng nguyệt quế kết bằng thứ rau răm thân thương chứ vịt chẳng có gì ngòai nhánh gừng cục mịch. Đã vậy, trong xử thế, vịt còn mang tai tiếng là thứ “bù trớt” nữa chứ!
 -Ủa, sao vậy anh Linh? Kỳ hỏi xen vào.
 -Nói với ai điều gì mà nó chẳng hiểu ra, nó “bù trớt” là “nước đổ đầu vịt”, là cái thứ trụi lũi, rót không vô tai, đã ngu mà còn bảo thủ,  cứng đầu, cứ ngóac mỏ ra mà ra rả quằm quặp suốt ngày không biết mỏi, không biết chán, chẳng cần nói có ai nghe hay không. Trong bầy vịt có lẽ chỉ có con vịt đẹt là đáng thương nhất .
 - Ủa, sao vậy anh?  Cậu Kỳ lại ngạc nhiên xen vào.
 Ngòai sân, con chó nhà Ly sủa vang, tiếng vợ Ly đon đả vang ngoài cổng :
 -Cậu ạ, nhà con và mấy anh bạn đang ngồi lai rai chờ cậu .
 -Ai dà, ngày lễ lớn mà trời nắng đẹp thế này thì thích cháu nhở.
 -Dạ vâng, mời cậu vào .
Sân sau tiếng vịt kêu vang quặp quặp chen lẩn với tiếng chó sủa oăng oẳng, những tia nắng trắng nhảy múa trên màu lá xanh óng mượt của lá cà phê non, tạo nên một cảm giác thanh bình êm ả của một bình minh nông thôn. Ly đứng dậy ra đón ông cậu, mấy anh em chúng tôi vội sắp xếp dành chiếc ghế xa lông gỗ cho ông cậu cán bộ.
 -Chào cả nhà .Các anh cứ tự nhiên – Ông cậu của Ly buớc vào phòng khách, bắt tay chúng tôi thân tình – Cứ tiếp tục, tiếp tục …
 - Thưa cậu, Ly vẫn đứng, chỉ vào từng anh em bọn tôi giới thiệu , dạ đây là các bạn lâu năm của cháu . Anh Kỳ, phó của cháu ở Nông-Trường thì cậu không lạ gì, còn hai anh này là tài-xế bên đội vận-tải vật tư thủy-lợi Tỉnh. Còn đây là cậu vợ mình, bí thư nông-trường ngô, xin phép cậu cho chúng cháu gọi cậu là cậu Sáu theo cách trong Nam cho thân tình.
 - Hay đấy, gia đình cả mà , ngày lễ lớn mà liên hoan thế này là rất phấn khởi. Các anh đang thảo luận gì mà đi ngoài xa đã nghe hăng hái lắm .
 Cậu Sáu cán-bộ người Bắc tầm thước đậm ngừơi, da ngăm đen, tóc sớm hoa râm, hơn chúng tôi khỏan trên  dưới mươi tuổi . Ông là em cô cậu với mẹ Ly, khi mẹ Ly theo chồng di cư vào nam thì cậu đã là bộ đội Điện-biên-phủ,  năm sáu mươi được đưa về nông trường Thái Nguyên, sau giải-phóng thuộc chi-viện A cho các vùng nông trường ở các tỉnh miền nam thiếu cán bộ quản lí.
 -Thưa Cậu, cậu là cậu của vợ chồng Ly, thì như cậu của tụi này, gọi là cậu Sáu cho thân tình cậu ạ . Linh thoải mái, giọng ồm ồm.
 - Anh là người Bắc à . Quê đâu vậy?. Gia đình cả, gọi thế nào thấy thoải mái thôi…
 - Cậu cho thế là anh em quá vui … Ly lừ mắt nhìn Linh e ngại cái ông ‘’ ruột ngựa ‘’ nói gì thất thố với ông cậu lãnh-đạo.
 -Dạ, gia đình tôi ở Bùi Chu, vào nam từ năm năm tư …Dạ, lúc nãy anh em tôi nói về vịt trong thời gian chờ cậu Sáu đến dạy cho biết cách làm sao để có một dĩa tiết canh thật ngon . Việc đó, với tụi này, khó lắm cậu ạ .
 -Giờ này còn sớm để đánh tiết cho liên hoan trưa, ta hẳn để việc làm thế nào để đánh một dĩa tiết ngon lành đến lúc nữa , vừa lý thuyết thực hành tại chỗ thì các anh sẽ thấy đơn giản thôi. Ta tiếp tục luận về vịt đi, hay đấy, hay đấy!
 -Hihi, Thưa cậu sáu –Linh tiếp tục chiếm nghị trường- tụi này đang thảo luận đến con vịt đẹt, trong Nam ngoài Bắc gì thì trong bầy vịt cũng có một vài con vịt đẹt trong bầy .
 -Đấy, đấy ý ấy hay đấy nhở!-cậu Sáu cán-bộ gật gù nhìn Linh gà tồ.
 -Haha, cậu à, lạ thật chim thì hót, gà thì gáy, mà vịt thì kêu .Hót hay gáy phát xuất từ nguồn cảm hứng có thật. Có hứng, có xúc động chim hót mới hay, còn tự động hàng lọat thì gọi là kêu .Bởi vậy vịt chỉ có kêu mà không gáy! Quạ cũng kêu mà không gáy!  Nhìn chú gà trống, ở nhà quê, đứng bên đụn rơm , ngẩng cao đầu uỡn mình cất tiếng gáy sao mà nó trang trọng, tiếng gáy thấm đượm cả tình làng nghĩa xóm, cả ao bèo, tiếng chuông, cả khói chiều bảng lảng phủ xuống hòang hôn …Còn bầy vịt dưới ao, con đầu đàn, đảo mắt nhìn quanh, quặp quặp đôi tiếng là cả bầy chen nhau quặp quặp , con nào cũng như sợ con đầu đàn không nghe thấy tiếng  mình đang gào  ‘’quặp quặp’’ rất lớn!.Nếu có một chú nào không nhướng cổ kêu theo bầy , thì đó là mấy con vịt đẹt lề mề, lủi thủi ở góc hốc nào đó đơn độc, vui thú với chú giun, cái ốc vừa rỉa được .
- Hay, ý tuởng và nhận xét lạ -cậu Sáu nhấp ngụm trà, trầm ngâm một chốc rồi góp ý – Đúng là vịt có tinh thần bầy đàn hơn gà, chỉ những con gà con là gắn bó với bầy, với mẹ thôi…
 -Nói cậu Sáu bỏ lỗi cho, đây là vui chuyện ‘’trà dư tửu hậu’’, gà xa mẹ là tự bương chải kiếm sống, còn vịt thì theo bầy cứ nhũi đầu dàn hàng ngang ủi tới, xũi tới được chăng hay chớ, may nhờ rủi chịu theo con đầu đàn .Vậy nên dân nhậu tụi cháu có câu ca dao hay đọc cậu nghe, xin cậu đừng mắng :’’thi đua ta cứ thi đua .Tiến lên phía truớc ta nào  tiến mau. Tiến mau chẳng biết về đâu?.Về đâu chẳng biết, hàng đầu tiến lên .’’ . Đấy, cậu thấy cái cách chạy lạch bạch nhắm mắt thi đua đó  giống bầy vịt không?.
 - Anh Linh à, đừng đem ba chuyện tào lao xịt bụp ở quán nhậu về đọc bậy, cậu Sáu mắng cho bây giờ .Ly nhìn Linh, lo sợ anh ta lại nói lở lời khó xử.
 - Không sao, chuyện vui thôi mà, nhưng thi đua là hành vi có ý thức tập thể không là bản năng bầy đàn như đàn vịt được, gán như vậy là cưỡng lý.
 - Cậu Sáu nói có lý, nhưng hôm nay vui chờ liên hoan tiết canh, cậu Sáu cho tụi này bàn dông dài chút cho vui nha cậu Sáu –Linh vẫn như Triệu-tử-Long đơn thương xông xáo bên cầu Trường Bản, đầy ngẫu hứng – Cậu à, bầy đàn là bản năng sống dựa dẩm vào nhau, thành quán tính của một giống nòi như bầy cừu, bầy vịt, bầy chim thiên di. Sống bầy đàn là do bản năng sinh tồn sợ hãi bên ngòai, sợ hãi ngoại cảnh …còn tập-thể là lọai bầy đàn sợ hãi bên trong, sợ hãi chính hệ-thống mà nó sản sinh ra. Vì sợ hổ báo, sư tử thì bầy trâu rừng ngựa vằn sống quần cư, đấu lưng chống chỏi, dốc sức cùng chạy trốn thóat về huớng của con đầu đàn đang chạy …Còn nay, tập thể sợ hãi ‘’lệnh’’, chỉ thị ,đồng loại là mật vụ , chỉ điểm…đang băm băm vây kín, cái con vật nhỏ nhoi trong tập thể đó đang  núp giữa đám đông, ’’ quặp quặp ‘’ theo đám đông, chỉ mong được bình an giữa bầy đàn quần cư đó . Vậy đấy, thế thì chính lòng sợ hăi đã biến cái định nghĩa cao đẹp về tập-thể, mà cậu Sáu nói, thành bầy đàn .Không khéo, lắm khi cả nước thành một bầy đàn quần cư lớn trên đồng cỏ khô khốc, mà  cả bầy vịt cùng “ cặp, cặp “ ca vang  : không nơi nào hạnh phúc bằng nơi đây! Cặp Cặp! Cặp cặp!
- Lại là những ý lạ, chắc anh Linh đọc sách nhiều? Có dịp chúng ta đi sâu vào đề tài này nhá .Cậu Sáu giả lảng để không đưa câu chuyện đi quá xa , còn Ly bực bội nhìn Linh, thiếu điều mong ông tuớng phan ngang nói thẳng này câm miệng.
- Thế theo anh Linh, đây là câu cuối cùng cho vấn đề này thôi nhá, trong ‘’tập thể’’ vịt, con vịt nào có thể đứng ngoài rìa , không cùng xây dựng tập thể?
 -Dạ cậu Sáu à, vấn-đề đó đang được anh em bàn trước khi cậu Sáu đến . Trong Nam, người ta nuôi vịt đàn, lắm khi chạy đồng ngao du đây đó .Bầy vịt có thể có vài thiên, bầy nào cũng có mươi chú vịt đẹt. Bầy nào cũng có một nhóm ‘’đầu đàn’’ lĩnh xướng , đám lĩnh xướng ưỡn đầu ‘’quặp quặp’’ là cả đàn họa lại, đám lĩnh xuớng qua bờ đông, nhũi bờ tây … là cả đàn răm rắp tập tễnh chạy theo. Chỉ có mấy con vịt đẹt thì chậm rãi, một thân, một mình lũi đằng sau với niềm vui ‘’ con giun con dế’’. Vịt đẹt đứng ngoài tập thể.
- Đúng rồi, vì vịt đẹt là loài đẹt trong bầy; nó thoái hóa về thân thể, biến chất về tinh thần, luôn tụt hậu, không có đủ khả năng cùng tiến lên phía trước. Cậu Sáu cừơi xòa kết luận.
-Cứ xem là như vậy đi cậu Sáu à, Linh lừng khừng cười xòa làm không khí trở nên vui nhộn quanh ông cậu cán-bộ bình dân của Ly.
 Ly đi vội ra sau bếp, tiếng vịt kêu rộn rả, tiếng cánh đập gió phầm phập, Ly xách hai tay hai con vịt bầu màu xám rằn ri mập múp, vừa cừoi vừa nói:
-Cậu Sáu xem này, cặp vịt này thì không thể là vịt đẹt được .
-Thế vợ chồng nhà Ly có cho chúng uống nước hay ăn gì không đấy?
-Dạ không đâu cậu, vợ cháu bảo cậu đã dặn kỉ không cho ăn uống gì truớc khi cắt tiết một buổi, chúng cháu kỉ lưởng cho chắc nên  không cho ăn uống từ tối qua kia đấy cậu ạ .
-Thế thì tốt .Chuẩn bị trận địa kỉ bao nhiêu, thì đã đi gần phần ba đường đến chiến thắng. Các anh cũng rõ, cái chính ta ăn là tiết canh, là huyết con vịt . Vậy huyết là điểm, các thứ khác râu ria, như thịt, như xôi là diện .Ta tập trung hỏa lực vào điểm .Thế mà cho vịt uống nhiều nước thì huyết lõang, mà lõang thì khó đông. Tôi vốn là bộ đội chuyển ngành, nên thích lý luận Mác lê, thích biện chứng vận- dụng vào thực tế!
- Hay quá cậu Sáu, .cậu chỉ tụi này cách chắc chắn làm được một dĩa tiết canh bài bản. Linh nhanh nhẩu hỏi khi Ly xách cặp vịt xuống bếp.
 - Trước khi đi vào bài bản, vậy theo anh Linh, trong Nam này người ta làm tiết canh vịt thế nào . Với chúng tôi ,không phải là không có lúc thất bại nhưng lý- luận thực tiễn giúp chúng tôi tìm ra nguyên nhân của thất bại, thế là đã tìm  thấy đường đi tới thành công.
 - Tôi chỉ lo cậu gán  cho  khách quan, cho địch là  gốc của mọi nguyên nhân .Linh khật khừ  không buông.
 -Cậu Sáu hay thiệt à ha, nhỏ lớn gì cậu cũng đưa vào lý luận chuẩn xác hết à ha .Kì với giọng Sài Gòn rải dài ra, trố mắt khâm phục ông cán bộ bí-thư nông-trường.
 - Cậu Sáu hỏi trong này họ làm tiết canh ra sao hả cậu?, Linh từ từ, mạch lạc .Truớc tiên có ba điều mà ở trong này hay ngoài Bắc đều công nhận : một là món tiết canh xuất phát từ làng xã ngoài bắc truyền vào Nam, theo chân các đợt di dân hành phuơng nam ; Hai là :có thể khác nhau về phuơng pháp tam sao thất bổn, nhưng các yếu tố tạo nên dĩa tiết canh thì không đổi như : tiết vịt, nước mắm, lạc rang, húng lũi, hành lá,tía tô,kinh giới … Ba là : tinh hoa và có ý nghĩa nhất cho đời con vịt có lẽ là nó đã tặng cho con người dĩa tiết canh, nó hy sinh sự sống thật có ý nghĩa .Hahaha! Linh cùng cả bọn cừoi vang, cậu Sáu cũng chia vui:
 -Hay thật cái anh Linh này! Nhưng anh vẫn chưa vào trọng tâm câu hỏi .À, này cháu Ly xuống bảo vợ chuẩn bị sẳn cho cậu hai thìa canh nước mắm ngon, bốn thìa nứơc sôi để nguội nhá, lạc rang vàng chà vỏ giả bể đôi bể tư, húng rìu, húng quế, tía tô, kinh giới , hành lá thái nhỏ …tất cả để đấy chờ giờ G. Cháu cứ để vợ làm, lên đây ta thảo luận trên sa bàn trận địa truớc giờ G xuất quân cháu à .Anh Linh tiếp đi nào.
 - Dạ, nguyên tắc vẫn là : mỗi đầu vịt một muỗng canh nước mắm, hai muỗng canh nước dùng hay nước sôi để nguội, đổ hai thứ nước ấy chung vào tô, cắt cho đúng động mạch vịt, tiết chảy vào tô nhẹ tay dùng đôi đủa khuấy đều theo một chiều cho tiết tan trong nước, khi nào thì ngừng lấy tiết, khi nào cho rằng đã đủ một con vịt hai dĩa tiết canh vừa hay bốn dĩa nhỏ cho bốn người … cái này là nghệ thuật cao thấp của đầu bếp.Trong này thì chỉ có vậy nhưng cái diệu dụng thì vô cùng ..
 -Diệu dụng là thế nào?. Cậu Sáu hỏi.
 -Chắc cậu chưa đọc truyện Kim-Dung nên cái này hơi khó giải thích một chút cậu à . Bí kíp võ-thuật chánh phái là như vậy, nhưng tùy nghi lấy tĩnh chế động  hay lấy động chế tĩnh, ung dung tự tại, có có không không, không có điểm không có diện .Tiết canh đôi khi chỉ là cái cớ,cậu gọi là diện , còn ngồi bên nhau mới là chính,là điểm, thế nên chúng tôi sống nhẹ nhàng, tiết có đông cũng tốt , mà không đông cũng chẳng sao cả . Đó là diệu dụng trong cuộc sống . Còn người buôn bán tiết canh vịt lại là chuyện khác .Có khi cho ăn chắc có quán lấy lòng con vịt khác thái sẳn trên dĩa đã trộn lẫn húng, lạc rang ..rồi khi có khách đến cắt cổ vịt rứơi huyết trực tiếp lên dĩa, gọi là một dĩa máu vịt đông mới đúng chứ nào phải đánh tiết canh ; Có quán dùng hàn the đánh sẳn trong nước dùng , có khách  đến là đánh tiết khuấy vào hóa chất ấy để tiết đông ngay …Có người thì dùng chiêu ‘’treo thân vịt bán tiết heo‘’ . Thôi thì lọan xạ bát nháo, chánh phái tà phái lẫn lộn .Trong này, với đám bạn bè chúng tôi thì coi nhẹ truyện đúng sai về phuơng pháp, về nguyên tắc này nọ , cái mưu cầu lớn khi đánh dĩa tiết canh là ta có được bao nhiêu niềm vui khi ngồi bên nhau với sự hy sinh to lớn của con vịt .Linh chợt dừng thuyết giảng, im lặng thở dài .
 Không khí chợt trầm lắng, cậu Sáu trầm ngâm sắp xếp ý tưởng:
-Nói cho đúng, lý luận và quan điểm vẫn là ưu tiên, cái nhỏ là dĩa tiết canh, cái lớn là mưu cầu hạnh-phúc đều là thực tiễn, là kết quả của lý luận đúng,cốt yếu là không được mơ hồ về việc này, nếu thất bại thì chỉ cho ra nguyên nhân để khắc phục . Nguyên tắc làm một dĩa tiết canh ,ngoài ấy vẫn làm  gần gần như những gì anh Linh nói vừa rồi, chẳng khác mấy, có chăng là bám sát thực tế để chỉ đích danh nguyên nhân thành bại, rồi dần dần bại ít dần chỉ có thắng to thôi . Đấy, việc to lớn đầy những khó khăn như đánh thằng Mỹ, ta thua nhiều, chết nhiều không? Có chứ . Nhưng khi ta bám sát thực tiễn, thấy được nguyên tắc ‘’ nắm lấy thắt lưng nó mà đánh ‘’ , thì ta chỉ có thắng cho đến hôm nay. Vấn đề cốt lõi chỉ có vậy!. Này, vợ chồng Ly này, anh em mình đi vào ‘’thực tế’’ nhá , cậu chỉ vẻ một lần rồi từ nay cứ thế mà làm …
 -Chà, có thủ-truởng xuống chỉ đạo sát sao có khác .Cậu Kỳ nhanh nhẩu.
 -Kỳ, mày cầm hộ anh mấy cái cốc và chai đế Bắc Thái.
 Ly thu dọn bàn nhậu, đưa cậu Sáu và anh em xuống nhà sau, chiếc bàn gỗ dài sắp xếp sẳn dứơi tán cây trứng cá .Cạnh chiếc kệ nhỏ, lỉnh kỉnh mấy thứ rau, lạc rang, nước mắm … hai con vịt khàn cổ lí nhí kêu ‘’căm cắp, căm cắp ‘’, lạch bạch chạy quay tròn trong giỏ tre úp bên cạnh kệ . Vợ Ly, từ trong bếp vội ra xởi lởi :
 -Cậu ạ, cháu đã chuẩn bị tất cả các thứ cậu dặn, cháu đã làm sẳn nước chấm gừng, rau sống chuối chát khế, cậu lấy tiết xong là cháu làm thịt ngay, có thịt luộc mời Cậu và các anh lai rai trước chờ tiết canh đông .
 - Đúng cháu gái tôi giống mẹ, con gái thành Nam có khác . Vợ Ly nhớ, gái Nam-Định đều là bà con với bà Tú Xuơng ‘’ Lặn lội thân cò …nuôi đủ năm con với một chồng ‘’ cả đấy . Sắp xếp thế là tươm lắm rồi, hậu cần chuẩn bị tốt thì trận chiến chưa đánh đã xem như thắng một nửa.
 Cậu Sáu xăn tay áo, mài liết con dao díp, tay cầm cổ con vịt lên cừời xuề xòa nói với Linh:
 -Anh Linh xem , con vịt thế này là một cá-thể tốt trong tập thể , không thể là ‘’con vịt đẹt’’ thóai hóa trong đàn vịt, không thể là phần tử ‘’cản mũi kì đà ‘’ làm cản trở bước tiến tất yếu chung  của loại vịt tiến bộ được…Hà hà nó phải cho anh em ta có được dĩa tiết canh ngon lành để  vui liên hoan chứ .
-Dạ, dạ cậu Sáu làm để tụi này học theo.
  Linh lừng khừng, cặp mắt lồi hơi tối sầm trên khuôn mặt đen cháy . Tôi biết tính cậu ta, tôi biết cậu đang cay cú, âm thầm chua chát  điều gì, cậu càng ếm sâu những điều suy nghĩ mà không nói ra được cậu càng khật khừ uống khan, hàm răng trắng to bản cứ nhe ra như cười  mà ta  khó thấy có một niềm vui .
 Cậu Sáu cán-bộ gọn gàng, điêu luyện, chuẩn xác trong các động tác : vặt lông măng cổ vịt, lật nghiêng đầu vịt lộ động mạch thế nào ;cắt chéo và nâng chân vịt lên để tiết chảy ra sao ; cậu chỉ cho Kỳ phụ cầm đôi đủa khuấy tiết vào trong hổn hợp nước mắm và nước dùng pha lõang thế nào ; chén tiết lõang màu đỏ tươi phải được đặt yên trên góc kệ để chờ lòng vịt, rau thơm, chuẩn bị xong thì sẽ rứơi đều chén tiết này theo vòng tròn ra sao …vậy là xong qui trình một dĩa tiết canh lí tuởng .Cậu Sáu tay làm miệng diễn giảng, cẩn thân và điêu- luyện lặp lại bài dạy thực tập ở con vịt thứ hai. Tôi như nghe tiếng rít phì phò của chú vịt bị khứa đứt cổ trong các động tác cắt cổ được lập trình chuẩn xác của cậu Sáu Một con mắt nhèm nhẹp đen uớt của con vịt, nằm gọn trong bàn tay gân guốt, nhìn lên trời xanh, cạnh những tia máu đỏ phọt ra liên hồi theo sống lữơi dao díp chảy vào chén tiết .
 -Xong rồi đấy, cậu Sáu vừa lau tay vừa nói, bây giờ ngồi lai rai chờ cho vợ Ly làm thịt, thái lòng, giả dầm dập lạc rang, thái các lọai rau thơm … là ta có sản-phẩm mong đợi.
 -Bọn chúng cháu trong này cũng làm na ná như thế, Ly nói, nhưng rồi khi cho tiết gặp dĩa lòng thì thứ nào đi riêng thứ ấy cậu ạ.  Mời cậu ngồi lai rai chờ vợ cháu chuẩn bị, cậu thử nhấm đế Bắc Thái làm trong này xem sao .
 -Các anh chờ xem hẳn biết, cậu uống gọn một cốc đế gật gù khen ngon, rồi tiếp : Chúng tôi ngoài ấy sở dĩ kế họach nào cũng vượt, kẻ thù nào cũng thắng là vì biết rõ mục đích mình đến, lãnh hội rõ mọi yếu tố để tạo nên thắng lợi và khi đã có chỉ đạo thống nhất từ trên thì không chùn tay, không do dự .Bởi vậy, ta đã hội đủ yếu tố thì dĩa tiết canh phải tốt thôi, không hòai nghi!. Thôi vào vài cốc cho ấm nào .
 Cậu Sáu uống rượu tầm cỡ, chắc trong đám chỉ có Linh là có khả năng so cựa . Vợ Ly mang ra  một dĩa vịt luộc, rau chuối chát khế và chén nước mắm ớt- tỏi – gừng sền sệt đúng điệu . Cậu sáu trang trọng như tay phù-thủy hay nhà giả-kim-thuật chế tới lui các chất bí mật tạo ra vàng : bốn chiếc dĩa trung trung đã được vợ Ly trải rộng các thức tổng hợp, cậu Sáu chăm chú rưới đều nước tiết đã hảm lên bề mặt, màu đỏ nhạt nhạt rưng rưng chực tràn bên mép dĩa .
 -Không lay động, không rung rinh, đây là giờ G của chiến thắng đấy . Chờ mươi lăm phút nhá ; chờ cho nó kết dính . Hà hà, cái phút chờ lệnh tiến công ngòai chiến trường cũng hồi họp lắm chứ! .Cậu Sáu khoái trá xoa hai tay vào nhau , nhìn Linh mỉa nhẹ nhàng .Anh Linh khi nãy luận về vịt đẹt, anh xem sản phẩm thế này , nhìn ta thắng lợi thế này thì không thể nào là sản phẩm của các con vịt đẹt được .Phải không nào .Thôi, nào cho khí thế, nào!.Cậu ‘’óot’’ một tiếng rõ kêu khi đưa cốc rượu lên, đi sau nụ cừơi khóai họat . Miếng vịt nạc được đôi đủa khéo léo kẹp lát chuối khế với mấy lá kinh giới xanh xanh, cậu Sáu vê nhẹ vào chén nước mắm gừng rồi đưa lên cho nằm gọn trong miệng, tiếng nhai rạo rạo đưa cay như lớp lớp tiếng vổ tay khen thưởng.
Chúng tôi ngất ngư chạy theo tửu lượng khi nhanh khi khoan trong cách uống rượu của cậu Sáu .Cậu không mời ép, cậu biết cách nhìn và cách  chờ đợi.
Rồi cậu Sáu trang trọng đứng lên dở nắp lồng bàn, bốn dĩa tiết canh óng đỏ hồng lộm cộm màu xanh của lá húng, màu vàng của lạc rang …cậu khẻ khàng lẩm bẩm :’’Đấy ..đấy..đấy..’’ như đang xòe bàn tay ra cho đám trẻ mừng vì món quà lạ .Cậu se sẻ nhón hai ngón tay cầm cạnh dĩa tiết nghiêng, nghiêng nhẹ . Và hỡi ơi! chất nước màu hồng lỏng bỏng chảy rễu xuống mặt kệ gỗ . Cả bọn chúng tôi trố mắt cùng ồ lên, lặng lẻ cùng ngồi xuống .Cậu lần luợc thử lắc nhẹ các dĩa, chút màu hồng lỏng bỏng vẫn khư khư có con đường đi của nó không theo ý cậu . Cậu chống hai tay trên kệ gỗ, trầm ngâm :
 -Lạ thật! Thế này là thế nào?.Nguyên lý đúng thì thực tiễn phải đúng chứ nhỉ?.Cậu Sáu nghiêm mặt nhìn Ly hỏi : Này, này anh Ly , anh hỏi xem vợ anh mua nước mắm ở đâu thế hở? .
 Tôi thấy mấy ngón tay cậu như có vuốt bấu vào cốc rượu trắng đang sóng sánh ánh nắng trắng nhạt .Tiếng Ly chạy xuống bếp hỏi vợ, rồi tiếng kêu thằng Cu con trai đầu của vợ chồng Ly :’’ Này Kiển, khi sáng con chạy đi mua nước mắm ở đâu thế?’’, tiếng bố con lí nhí với nhau râm rang …
 - Dạ cậu ạ, cháu nó lấy nước mắm ở nhà bà Tám gần nách chợ.
 - Chứ tiêu chuẩn sổ mua  lương thực của  anh đâu mà anh không lấy nước mắm ở cửa hàng quốc doanh để ăn?Cậu Sáu gằn giọng .
 - Thưa cậu, bà Tám trước kia có kệ bán mắm ở chợ, nay dẹp tư thương, bà Tám có bà con ở Phan Rang vẫn lấy nước mắm lên cho các gia đình loanh quanh đây ăn . Nhà con quen ăn nước mắm nhà bà bao năm rồi, ngon lắm cậu ạ, còn nước mắm cửa hàng quốc doanh thì …
 - Ơ! cái anh này, ở đây ta không tranh luận về ưu khuyết, về chất lượng giữa sản phẩm tư thương và quốc doanh, không nói về các sản phẩm ngoài luồng, buôn bán ngoắt nghéo,  cái chính là ta đang tìm câu trả lời về hiệu quả .Trước mắt anh là câu trả lời cho nguyên nhân của sự thất bại món tiết canh.Đây là sự khác biệt về bản-chât .Nếu ta dùng nước mắm chuẩn của cửa hàng nhà nước  thì đã  có kết quả khác …
 Cậu Sáu đăm chiêu, thẩn thờ như chẳng có ai hiểu, chia xẻ với cậu cái chân lý giản đơn đến như vậy.
 -Chán thật! mất tiêu công phu! Một trận đánh ta chuẩn bị mọi sự mà quên đi chất lượng khí tài thì thất bại là phải thôi, ta không sai về nguyên lý mà sai …Thôi này, anh Ly bê cả bốn dĩa xuống cho vợ cho vào nồi cháo.
 -Cậu Sáu cho tụi này bài học hay, hay lắm – Anh Linh lừ khừ lên tiếng, rượu bốc làm màu da đen ngăm trở thành đỏ tía sậm- Trách nhiệm cho sự thất bại hôm nay chính   là bà Tám, hà hà, nhưng Ly nè, tại sao lại phải bỏ tất cả vào nồi cháo?
 - Trong này tụi cháu đánh tiết trật là sự thường, khi không đông thì bỏ nhiều đậu rang bánh đa vào, chén vẫn tốt cậu ơi . Kỳ nhanh nhẩu chen vào .
 - Chén là chén thế nào? .Cậu Sáu gắt . Các ông trong này tôi thấy lắm khi dễ dãi thật . Khắc phục thất bại không phải là thỏa hiệp với thất bại .
- Đúng đúng, cậu Sáu cán-bộ nói không sai .Linh đứng dậy quay qua Ly, chào cả nhà tôi có việc phải về sớm chút, cậu và anh em cứ vui . Tôi còn có điều muốn bổ sung với cậu Sáu về dĩa tiết canh . Cậu à, khi sớm cậu có nói về tính biến chất và thoái hóa của loài vịt đẹt . Tôi nghĩ thất bại hôm nay  ngoài lý do  bởi nước mắm tư thương, còn phần nữa cặp vịt vợ chồng Ly nuôi có thể là loài vịt đẹt, biến chất nên máu loãng!
- Có thể thế đấy! .Cậu Sáu gật gù .
 Linh đứng dậy khật khừ bước ra khỏi bàn, hơi rượu thấm vào tia mắt sắc lạnh ,giá băng , miệng vẫn lầm bầm khi  đi xa dần :
-Đúng là đồ vịt đẹt .Đồ vịt đẹt !
 Mặt trời lên cao, dưới tán cây trứng cá nắng trổ hoa tung tăng nhảy múa trong mấy cốc rượu đầy sóng sánh, nằm yên trên bàn . Chưa ai buồn nhấm .
Nguyễn Quang Tuyến(Tháng 06/2013)

No comments:

Post a Comment