Thuận lợi và khó khăn của Giáo Phận Vinh
Gia Minh phỏng vấn đức giám mục Phê rô Nguyễn Văn Viên về một số nhận định của ông đối với tình hình giáo phận Vinh, nói riêng, giáo hội Việt Nam nói chung và những cách thức vượt qua khó khăn. Trước hết, ông đề cập đến những thuận tiện của giáo phận Vinh
Đức giám mục Phê rô Nguyễn Văn Viên: Thuận tiện thứ nhất là mảnh đất giáo phận Vinh thắm được mồ hôi, nước mắt các nhà truyền giáo.; đặc biệt thắm được máu hồng của các vị tử đạo qua nhiều thời kỳ bách hại. Do đó người Công giáo trong giáo phận Vinh luôn ý thức về vai trò của mình trong giáo hội. Thuận tiện thứ hai đó là gần 100% người Công giáo trong giáo phận Vinh thực hành niềm tin của mình qua kinh nguyện, qua học hỏi Lời Chúa, qua việc cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và qua nhiều hình thức đạo đức khác trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn.
Đa số người Công giáo trong giáo phận Vinh là người nghèo. Những người nghèo thông thường cậy trông vào Chúa nhiều hơn, cần đến Chúa nhiều hơn trong cuộc sống của mìnhĐGM Nguyễn Văn Viên
Thuận tiện thứ ba mà đối với nhiều người khác cho là bất tiện đó là đa số người Công giáo trong giáo phận Vinh là người nghèo. Những người nghèo thông thường cậy trông vào Chúa nhiều hơn, cần đến Chúa nhiều hơn trong cuộc sống của mình. Thuận tiện thứ tư là ơn gọi độc thân dâng hiến trong đời sống linh mục, tu sĩ, hay sống giữa đời trong giáo phận Vinh rất nhiều. Có những xứ thống kê có hằng trăm chứ không phải hằng chục người sống đời độc thân dâng hiến. Trong đợt tuyển sinh vào Đại chủng viện Vinh Thanh vào ngày 1 và 2 tháng 8 sắp tới, ( khi mà khả năng của Đại chủng việc chỉ có khả năng nhận vào vài chục), số đăng ký lên đến vài trăm.
Về khó khăn: thứ nhất việc giáo dục giới trẻ theo tinh thần Ki tô giáo không được thuận tiện vì các em chỉ được học giáo lý ở các Nhà Thờ, Nhà Xứ với thời gian rất hạn chế; chứ không được học ở trường học. Khó khăn thứ hai là sự tham gia của người Công giáo trong giáo phận và xã hội dân sự hết sức hạn chế; chẳng hạn người Công giáo trong giáo phận Vinh bao gồm ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chiếm khoảng 10% dân số; trong khi sự hiện diện của những người Công giáo trong những vị trí chủ chốt của xã hội dân sự vô cùng hiếm hoi. Khó khăn thứ ba là nhu cầu của người Công giáo trong giáo phận Vinh về truyền thông- thông tin rất lớn trong khi họ lĩnh hội rất ít ỏi. Khó khăn thứ tư là nhu cầu phát triển các giáo xứ, giáo họ rất lớn; tuy nhiên đất đai dành cho sự phát triển rất hạn hẹp.
Gia Minh: Giáo phận đã thấy những khó khăn như vậy, chắc chắn lâu nay có hướng, có tháo gỡ; vậy Đức cha có thể chia xẻ những việc đang tháo gỡ hiện nay và ý tưởng của Đức Cha trong thời gian đến?
Nhu cầu của người Công giáo trong giáo phận Vinh về truyền thông- thông tin rất lớn trong khi họ lĩnh hội rất ít ỏi. Khó khăn thứ tư là nhu cầu phát triển các giáo xứ, giáo họ rất lớn; tuy nhiên đất đai dành cho sự phát triển rất hạn hẹp.ĐGM Nguyễn Văn Viên
Đức giám mục Phê rô Nguyễn Văn Viên: Về tháo gỡ trong thực tế tôi thấy còn ít; nhưng xét theo khía cạnh niềm tin và ý tưởng, tôi thấy có ba điểm liên quan đến niềm tin. Điểm thứ nhất: rõ ràng người tin vào Đức Ki tô và sứ mệnh của người, chắc chắn người giáo dân giáo phận Vinh tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên chúa vào mọi biến cố của cuộc sống. Thứ hai mọi người tập cho bản thân khả năng đọc những dấu chỉ thời đại và đóng góp phần của bản thân trong việc trả lời những dấu chỉ đó trong tinh thần mà Đức Giê Su Ki tô đã dạy.
Thứ ba, luôn xác tín rằng lầm lỗi hay hận thù, đau khổ hay thất bại, ngay cả sự chết nữa không phải là những tiếng nói của cùng của con người xét trong chiều kích vĩnh cửu. Theo niềm tin Ki tô giáo, miền tin, hạnh phúc, tình yêu, hòa hợp và bình an mới là những tiếng nói cuối cùng. Tất cả những điều mà tôi nói mang ý tưởng về chiều sâu hơn; còn về thực hành tôi thấy cũng rất khó. Nếu nói thì dễ nhưng khi đối diện với thực trạng của cuộc sống, tôi thấy rất khó và có những vấn đề có thể nói là không thể nói được nữa.
Gia Minh: Giáo hội như một thân thể mà trong đó có những chi thể. Giáo hội Việt Nam cũng thế và nằm trong mối liên kết với giáo hội hoàn vũ; vậy sự hổ tương giữa giáo phận Vinh với các giáo phận khác tại Việt Nam và các nơi khác thế nào và giúp cho sự phát triển của giáo phận Vinh ra sao?
Đức giám mục Phê rô Nguyễn Văn Viên: Tôi rất mừng khi câu hỏi của anh đúng vào chủ đề mà tôi cố gắng ôm ấp và học hỏi. Theo quan điểm giáo hội học, mỗi giáo phận không phải là một nơi độc lập; hay là những thực thể liên kết như trong các nghiệp đoàn hay tổ chức xã hội khác. Trái lại mỗi giáo phận là giáo hội địa phương có đầy đủ những đặc tính của giáo hội mà Đức Giê su Ki tô thiết lập. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Ignatio thành Antiokia vào đầu thế kỷ thứ hai là ‘Nơi nào có Chúa Ki tô hiện diện, nơi đó có giáo hội Công giáo’; hay nói theo ngôn ngữ của Đức Hồng Y Henri De Lubac, một trong những cột trụ của Công đồng Vatican 2 ‘Bí tích Thánh thể làm nên giáo hội, và giáo hội làm nên bí tích thánh thể’.
Tôi thấy rằng điều khó khăn lớn nhất của các giáo phận là phương tiện truyền thông còn hết sức hạn chế. Giáo hội Việt Nam không có chương trình truyền thông radio nào, cũng không có tờ báo hay nhà xuất bản nào đúng nghĩaĐGM Nguyễn Văn Viên
Nếu hiểu các giáo phận như vậy, tôi thấy các giáo phận trong giáo hội Việt Nam đã thể hiện đúng vai trò của mình. Nhưng câu hỏi đặt ra “Các giáo hội đã thể hiện đủ chưa?”; tôi thiết nghĩ, câu trả lời sẽ là ‘chưa’. Về khía cạnh niềm tin các giáo phận kết hợp chặt chẽ với nhau; tuy nhiên về khía cạnh thể hiện niềm tin, tiếng nói chung của các giáo phận trong những vấn đề dân sự chưa nhiều. Tôi nghĩ để giáo hội Việt Nam có thể diễn tả đời sống căn tính và sứ mệnh của giáo hội Công giáo một cách đúng và đủ thì tiếng nói chung của các giáo phận trong những vấn đề dân sự cần xuất hiện với tần suất cao hơn. Giáo hội Công giáo không thể sống bên lề xã hội, nhưng là men, là muối, là ánh sáng làm cho xã hội ngày càng tốt hơn; để tất cả sống đúng hơn với quyền và phẩm giá của mình.
Tôi thấy rằng điều khó khăn lớn nhất của các giáo phận là phương tiện truyền thông còn hết sức hạn chế. Giáo hội Việt Nam không có chương trình truyền thông radio nào, cũng không có tờ báo hay nhà xuất bản nào đúng nghĩa. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin phát triển mạnh; tuy nhiên đa số người Công giáo Việt Nam chưa được hưởng theo cách đáng ra họ được hưởng. Như thế ý thức họ là thành phần dân Chúa bị hạn chế và sự cộng tác của họ trong việc loan báo Tin Mừng gặp rất nhiều khó khăn.
Cám ơn anh.
Gia Minh: Cám ơn Đức Cha đã dành cho quí thính giả của Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn vừa rồi.
No comments:
Post a Comment