Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, November 10, 2013

Thực chất cuộc chiến 1955-1975 tại Việt Nam


MX Lê Công Truyền

Bàn về thực chất của một cuộc chiến không thể không biết danh xưng đích thực của cuộc chiến. Lấy tên các quốc gia lâm chiến hoặc nơi cuộc chiến xảy ra để đặt tên cho một cuộc chiến là điều chúng ta thường nghe thấy, chẳng hạn như “Hoa-Nhựt Chiến Tranh”, “Pháp-Đức Chiến Tranh”, “Chiến Tranh Triều Tiên”, “Chiến tranh Iraq” v.v. Do đó, cuộc chiến từ năm 1955 đến năm 1975 được gọi là “Chiến Tranh Việt Nam” hoặc “Chiến Tranh Quốc Cộng” cũng không có gì sai vì thật sự nó đã xảy ra trên đất nước Việt Nam và giữa những người Quốc gia và Cộng sản. Tuy nhiên, gọi như thế, người ta không hiểu tại sao cuộc chiến đó đã xảy ra. Theo chiến lược gia Karl Von Clausewitz, chiến tranh bùng nổ không do bên bị tấn công mà do phía tấn công bởi lẻ, theo ông, vì bị tấn công nên phải tự vệ và chiến tranh mới xảy ra. Vì thế, việc đặt tên cho cuộc chiến 1955-1975 tại Việt Nam để xác định bên nào chủ trương tấn công, tấn công để làm gì và bên nào phải tự vệ, tự vệ để làm gì, là điều cần thiết để biết rõ thực chất của cuộc chiến. Do đó, mặc dầu đã hơn 32 năm trôi qua kể từ khi cuộc chiến “chấm dứt”, việc xác định thực chất của cuộc chiến qua việc đặt tên cho cuộc chiến không phải là điều vô bổ. 


Thật ra, sau Hiệp Ước Genève ngày 20-07-54, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã được hưởng vài năm thanh bình thạnh trị. Cuộc chiến chỉ bắt đầu tái phát với một quy mô khá rộng lớn vào ngày tỉnh Phước Thành bị Việt cộng (VC) tràn ngập với sự hy sinh của vị Thiếu tá Tỉnh trưởng và căn cứ Trảng Sụp của Trung đoàn 32, thuộc Sư đoàn 21 Bộ Binh bị VC tấn công vào đêm 25-01-60 với sự hy sinh của hơn 20 quân nhân và sự thất thoát trên 1,000 vũ khí (1). Thế, tại sao các tác giả gọi đó là “Cuộc Chiến 1955-1975” mà không là “Cuộc Chiến 1960-1975”? Vì sau Hiệp Ước Genève, Việt Minh Cộng sản (VMCS) tiếp tục cuộc chiến một cách âm thầm bằng cách chôn dấu vũ khí, đạn dược và gài cán bộ, cán binh lại Miền Nam để lâm thời tiếp tục cuộc chiến. Theo ước tính của Hoa-kỳ và Chánh Phủ Quốc gia, có khoảng từ 5,000 đến 10,000 người được huấn luyện và cài lại Miền Nam với tư cách cán bộ (2). Nhưng theo một tài liệu do Cộng Sản Hà Nội (CSHN) ấn hành, VMCS đã để lại Miền Nam 60,000 đảng viên (3). Đám cán bộ và đảng viên này được đặt dưới quyền lãnh đạo của Lê Duẩn, Bí thư Xứ Ủy Nam Bộ. Vào ngày cuối cùng của thời hạn tập kết ở Cà Mau, sau khi giả bộ lên tàu tập kết, Lê Duẩn đã tìm cách rời khỏi tàu vào lúc nữa đêm để ở lại (4). Như vậy, rõ ràng Miền Bắc đã chuẩn bị tấn công Miền Nam ngay khi Hiệp Ước Genève chưa kịp ráo mực, chớ không phải vì Miền Nam không chấp nhận tổng tuyển cử vào năm 1956 hoặc vì có sự hiện diện của quân đội Hoa-kỳ tại Miền Nam! Một sự chuẩn bị khác cần được ghi nhận là VMCS đã tổ chức những đám cưới tập thể giữa cán binh của họ và thiếu nữ tại các vùng tập kết như Nam, Ngãi, Bình, Phú ở Liên khu V, Cà Mau trong Nam v.v. với ý đồ biến những người vợ ấy và các con thành cán bộ để hoạt động hoặc che dấu cán binh, cán bộ hồi kết từ Miền Bắc.

Với những sự chuẩn bị nói trên và nhận chỉ thị từ Hà Nội, cộng sản tại Miền Nam thành lập 37 đại đội võ trang tại đồng bằng sông Cửu Long, ra mặt khởi loạn từ tháng 10 năm 1957: ngăn sông, cấm chợ, ám sát, thu thuế, đào đường, đắp mô, chận xe đò, đốt phá trường học v.v. Trong năm 1957, VC đã sát hại trên 400 viên chức xã ấp (5). Đầu năm 1960, chúng phát động cái gọi là “Phong Trào Đồng Khởi” nhằm phá hoại hạ tầng cơ sở tại Miền Nam. Liên-đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã dẹp tan phong trào này tại tỉnh Kiến Hòa, nơi chúng hoạt động mạnh mẻ nhất. (6). Tầm hoạt động của VC càng ngày càng bành trướng để, cùng các đơn vị chánh quy xâm nhập từ Miền Bắc, đi từ du kích chiến đến trận địa chiến với những trận đánh lớn như Phước Thành, Trảng Sụp, Đồng Xoài, Đầm Dơi, Ấp Bắc, Bình Giả, “Tổng công kích Tết Mậu Thân”, “Mùa Hè Đỏ Lửa”, Kontum, An Lộc, Ban Mê Thuột v.v.

Sau đây xin ghi một số danh xưng của cuộc chiến 1955-1975 tại Việt Nam thường được thấy trên các bài viết của nhiều tác giả:

- Nội Chiến
- Chiến Tranh Ý Thức Hệ
- Chiến Tranh Ủy Nhiệm

Riêng CSHN, để che dấu ý đồ xâm lăng của họ và để lừa bịp công luận thế giới, họ gọi đó là “Chiến Tranh Giải Phóng” hoặc “Chiến Tranh Đánh Mỹ Xâm Lược” hay “Chiến Tranh Đánh Mỹ Cứu Nước”.

Với tư cách một cựu quân nhân, người viết xin góp ý về các danh xưng ghi trên và đề nghị vài danh xưng cho cuộc chiến 1955-1975, một cuộc chiến kéo dài trên 20 năm và đã sát hại trên bốn triêụ người hai miền Nam, Bắc và làm tiêu hao tiềm lực phát triển và bảo vệ đất nước.

I. Cuộc Chiến 1955-1975 Có Phải Là Nội Chiến Không?

Nội chiến là một cuộc chiến giữa hai thành phần trong cùng một quốc gia, bất đồng quan điểm về một vấn đề nội bộ, chẳng hạn như cuộc phân tranh Nam Bắc tại Hoa-kỳ về vấn đề nô lệ vào thế kỷ thứ XIX. Các cơ quan truyền thông quốc tế và đám phản chiến một chiều dựa trên sự ra đời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (Mặt Trận) để gán nhãn hiệu “nội chiến” cho cuộc chiến 1955-1975. Lấy danh xưng nói đây làm lý cớ, đám phản chiến thiên tả dấy động phong trào phản chiến. Thật ra, Mặt Trận chỉ là công cụ do Hà Nội (HN) dàn dựng để phỉnh lừa công luận thế giới. Nó chỉ là một bộ phận của CSHN được đặt tại Miền Nam. Xin chứng minh:

1. Sau khi Miền Nam sụp đỗ, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (7), một nhà trí thức nổi tiếng của HN, khi được đài truyền hình Pháp phỏng vấn vào năm 1977 về “bản chất công cụ” của Mặt Trận đối với HN, đã huênh hoang tuyên bố: “Như vậy là quý vị đã bị chúng tôi lừa rồi!” (Do một vị học giả kể lại trong một bài viết của ông. Rất tiếc, không nhớ quý danh vị học giả. Xin thành thật tạ lỗi);

2. Tuy nhiên, không phải chỉ có BS.Nguyễn Khắc Viện gián tiếp xác nhận “tính cách công cụ” của Mặt Trận. Thật vậy, “.... khi đề cập đến việc thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, Nguyễn Thị Bình đã ghi lại nhiều sự việc chứng tỏ tổ chức này không hề khởi phát từ những người miền Nam yêu nước như Cộng Sản luôn rêu rao suốt nhiều năm tháng trước. Về nguồn gốc của Mặt Trận, Nguyễn Thị Bình viết: “Bác và Đảng thấy rằng đã đến lúc cần có một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rải ở miền Nam...” (8);

3. Trong tác phẩm “Government and Revolution in Vietnam”, Dennis J. Duncanson, cố vấn Tòa Đại sứ Anh tại Sài Gòn, “tổng kết những tổ chức chánh trị dưới chiêu bài dân tộc yêu nước mà Cộng Sản Việt Nam thành lập để cho biết Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là tổ chức thứ 10 do Cộng Sản dựng lên” (9).

Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) ngày 20/12/60 đã quyết định thành lập Mặt Trận và sau 30 tháng 4 năm 1975, khi không còn cần thiết nữa, nó đã bị giải thể.

Căn cứ trên quy chế của hai Miền Nam, Bắc và so sánh phần kết thúc của cuộc chiến 1955-1975 và cuộc phân tranh Nam Bắc tại Hoa-kỳ vào thế kỷ thứ XIX, người ta có thể khẳng định cuộc chiến 1955-1975 tại Việt Nam không phải là nội chiến mà là cuộc chiến giữa hai nước: Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam) và Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Miền Bắc).

A. Qui chế của hai Miền Nam, Bắc 

Tại Hội Nghị Genève 1954, đại diện chánh quyền quốc gia đã cực lực phản đối việc qua phân đất nước và, do đó, đã không ký Hiệp-Ước Genève phân chia Việt Nam làm hai vùng. Chánh quyền quốc gia trước kia và chánh quyền VNCH sau này lúc nào cũng quan niệm Quốc Gia Việt Nam chánh thức thành lập từ năm 1949 trải dài từ Ải Nam Quan đến mủi Cà Mau. Tuy nhiên dưới áp lực quốc tế và với sự đồng lỏa của phái đoàn Việt Minh, đất nước đã bị chia thành hai vùng với hai thể chế khác nhau. Kết cuộc, dù muốn dù không, hai vùng đó đã trở thành hai quốc gia riêng biệt, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Sự kiện đau thương này đã được nhiều dữ kiện xác nhận:

1. Theo Đoạn 6 của Bản Tuyên Cáo Chung Kết tại Hội Nghị Genève 1954, đường phân ranh quân sự giữa hai Miền tại vỉ tuyến 17 là đường phân ranh chánh trị hay lảnh thổ chứ không phải đường phân ranh chỉ có tánh cách tạm thời như điều 15, đoạn (a) của Hiệp định đình chiến ký kết tại Paris ngày 27-01-1973 quy định;

2. Về phương diện quốc tế công pháp, Miền Nam và Miền Bắc đã hội đủ những yếu tố cấu thành quốc gia: lãnh thổ, quốc dân, chánh quyền. Cả hai đều có Hiến pháp, Quân đội, Chánh quyền riêng và cả hai đều được một số quốc gia Tây phương và Cộng sản nhìn nhận. Cho đến năm 1955, VNCH đã được 36 nước công nhận (10). Trong quyển hồi kỳ của ông, Trung tướng Trần Văn Đôn ghi là VNCH được 52 quốc gia thừa nhận (11);

3. Trong buổi tiếp tân sau khi Hiệp ước Genève 1954 được ký kết, Thủ tướng Trung cộng Chu Ân Lai, trước mặt Thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Đồng, đã đề nghị với ông Ngô Đình Luyện, đại diện Quốc Trưởng Bảo-Đại, mở một Tòa Lãnh sự Miền Nam tại Bắc Kinh. Như vậy, Trung cộng đã nhìn nhận Miền Nam là một quốc gia. (12);
4. Mặt khác, sau khi Hiệp Ước Genève được ký kết xong, vào tháng giêng năm 1957, Liên Bang Sô Viết đã gợi ý về sự chia đôi lâu bền Việt Nam và đề nghị Miền Nam và Miền Bắc được gia nhập Liên Hiệp Quốc với tư cách hai quốc gia riêng biệt (13).

Như vậy, bảo rằng cuộc chiến xảy ra trong cùng một đất nước và quân đội Miền Bắc có quyền đi bất cứ nơi đâu để “đánh Mỹ cứu nước” mà không vi phạm Hiệp Ước Genève là luận điệu của những kẻ bất chấp hiệp ước đã ký kết. Điều này cũng dễ hiểu vì ngay cả hiến pháp và luật pháp của họ mà còn bị chính họ chà đạp.

B. So sánh cuộc phân tranh Nam Bắc ở Hoa-kỳ và cuộc chiến 1955-1975 tại Việt Nam 

Cuộc phân tranh Nam Bắc ở Hoa-kỳ, bùng nổ vào ngày 12-04-1861 khi quân Miền Nam tấn công cứ điểm Sumter thuộc tiểu bang South Carolina, thường được gọi là “Chiến Tranh Ly Khai” (Guerre de Sécession) hay “Chiến Tranh chống chánh sách nô lệ của Miền Nam”. Nó kéo dài bốn năm và kết thúc vào ngày 09-04-1865 với sự đầu hàng của Tướng Tư lịnh Miền Nam là Robert Lee. Tuy chiến thắng, Tướng Tư lịnh Miền Bắc là Ulysses S. Grant đã tỏ ra rất khoan dung, nhơn ái và lịch sự đối với một địch thủ mà ông hằng kính trọng và một quân đội trước đây đã gây nhiều khó khăn cho ông. Ông cấm binh sĩ không được gọi binh sĩ Miền Nam thua trận là “ngụy quân” hay “phiến loạn”. Các sĩ quan Miền Nam được giữ lại vũ khí và mọi binh sĩ được giữ lại lừa ngựa để có phương tiện về với gia đình làm ăn, sinh sống. Quân thắng trận Miền Bắc không lập nhà tù để đày đọa, sỉ nhục quân thua trận Miền Nam. Họ không sửa đổi tên thành phố, đường xá, trường học của Miền Nam. Họ cũng không đào mồ, cuốc mả, tàn phá nghĩa trang của các tử sĩ Miền Nam. Họ không cướp giựt tài sản của Miền Nam làm chiến lợi phẩm mang về Miền Bắc. Một điểm khá đặc biệt là từ năm 1865 cho đến nay, Hoa-kỳ không hề tổ chức lễ ăn mừng chiến thắng ngày 09-04-1865 của quân đội Miền Bắc. Đó là những đặc điểm của một cuộc nội chiến, một cuộc chiến giữa những người anh em cùng chung huyết thống, cùng chung một nhà, cùng chung một quê hương, nhưng bất đồng quan điểm về một vấn đề nội bộ.

Nhìn lại “ngày tàn cuộc chiến” giữa Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chúng ta thấy, không như phe thắng trận của Tướng Ulysses S.Grant đã làm, CSHN chủ trương:

- Tống xuất các thương binh còn đang được điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa.và các quân y viện khác;
- Tập trung “cải tạo” hàng trăm ngàn quân cán chánh, đạị diện dân cử, đảng viên các chánh đảng v.v. để đày đọa, sỉ nhục và giết dần mòn bằng nhiều phương cách khác nhau: xử tử, bỏ đói, không chửa bịnh, bắt lao động cho đến kiệt sức để rồi chết;
- Tổ chức và tuyên truyền cho dân chúng ném đá vào mặt, vào đầu các quân nhân, công chức v.v. bị đưa ra “cải tạo” ngoài Miền Bắc khiến cho nhiều người bị trọng thương và chết;
- Đày ải vợ con quân nhân, công chức v.v. bị tập trung “cải tạo” đến các vùng “kinh tế mới” để cướp của, cướp nhà của các nạn nhợn;
- Phát động chiến dịch đánh tư sản mại bản bằng cách cầm tù các thương gia, công kỷ nghệ gia rồi cướp đọat tài sản của họ;
- Giựt sập Pho Tượng “TIẾC THƯƠNG” trước cổng vào Nghĩa Trang Quân Đội tại Biên Hòa, đập phá nhiều ngôi mộ, làm khó dễ thân nhơn các tử sĩ muốn vào chăm sóc các phần mộ khiến Nghĩa Trang trở thành một nơi hoang phế;
- San thành bình địa Nghĩa Trang của các tử sĩ thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù tại An Lộc;
- Cầy Mồ tại nghĩa địa Lầu Ông Hoàng ở Phú Hài, Phan Thiết (do nhà văn Mường Giang kể lại trong bài viết của ông “Đồng bào và Tập Thể Chiến sĩ VNCH trong và ngoài nước phải làm gì khi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa đang bị VC lăng nhục và hủy diệt”);
- Hạ sát 37 quân nhân tại Lái Thiêu, Bình Dương vào ngày 30-4-1975 (14);
- Tàn sát 141 cảnh sát viên và quân cán chánh ở Phú Yên;
- Thảm sát dân làng Tân Lập sau khi Sư Đoàn 18 triệt thoái khỏi Long Khánh ngày 21-04-1975;
- Đổi tên đường, tên trường học;
- Đổi tên thành phố Sài Gòn, một di tích yêu thương trìu mến ngàn đời của người Miền Nam;
- Lấy của cải, tài sản của Miền Nam làm chiến lợi phẩm mang về Miền Bắc (15);
- Hàng năm, không bao giờ họ quên tổ chức lễ “chiến thắng” 30-4 trên nỗi thống khổ của mấy chục triệu người dân Miền Nam;
- Hủy diệt văn hóa dân tộc tại Miền Nam để thay thế bằng văn hóa vô thần Mác-Lê;
- Hồi đầu tháng 9 năm 2006, họ đã làm áp lực ngoại giao với chánh phủ Nam Dương và Mả Lai để hai chánh phủ này cho đập phá các “Bia Đài Tri Ân và Tưởng Niệm” được xây dựng tại các đảo Galang và Pilau Bidong để ghi ơn các cá nhơn, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã tận tình giúp đở thuyền nhơn, đồng thời để tưởng niệm thuyền nhơn đã qua đời trên các đảo, và thuyền nhơn bỏ mình trong những chuyến vượt biển trốn chạy chế độ cộng sản!

Sau đây xin ghi lại một trong hàng vạn cuộc tra tấn dả man, tàn độc của CSVN trong các trại tù “cải tạo”: “Bây giờ, ngay đêm hôm nay, đứng trên diễn đàn này, tôi vẫn còn nghe tiếng nói thì thầm của người nữ quân nhân QLVNCH: “Cho dù em còn sống cũng không mong lập được gia đình vì em bị bọn nó tra tấn khủng khiếp, phá hoại đời phụ nữ bằng dùi sắt ngay nơi chỗ kín, nát cả tử cung”. Những giòng nước mắt còn sót lại của người nữ quân nhân đã chảy xuống thấm ướt khăn tay.”
Những hành động điển hình liệt kê trên đây chứng minh rằng cuộc chiến 1955-1975 tại Vi ệt Nam không phải là một cuộc chiến giữa những người anh em mà là cuộc chiến giữa những kẻ xâm lăng từ Miền Bắc, theo lịnh của Đệ Tam Quốc Tế (ĐTQT) và những người Miền Nam bảo vệ VNCH, theo tiếng gọi của TỔ QUỐC. Chiến dịch Hồ Chí Minh (HCM) nhằm xâm lăng Miền Nam có thể ví như cuộc viễn chinh của bọn lê dương: đi đến đâu đốt phá, tàn sát đến đó! Đại Lộ Kinh Hoàng, tỉnh lộ số 7, thảm sát tại Lái Thiêu, Phú Yên, Tân Lập và các nơi khác, pháo kích giết trẻ thơ tại các trường tiểu học sau Hiệp Định Đình Chiến Paris là những minh chứng bất khả phủ nhận (17).

II. Cuộc Chiến 1955-1975 Có Phải Là Chiến Tranh Ý Thức Hệ Không? 

Sở dĩ Miền Bắc gây chiến vì họ chủ trương xăm lăng Miền Nam để dùng Miền Nam làm bàn đạp thôn tính cả vùng Đông Nam Á hầu phát triển Đế quốc Cộng sản (ĐQCS), lấy Ý Thức Hệ Cộng Sản và chủ nghĩa Mác-Lê làm nền tảng. Như vậy, khi tấn công Miền Nam rõ ràng là họ đã dấy động chiến tranh xăm lăng vì Ý Thức Hệ Cộng Sản. Những người lính Miền Bắc không phải là những người lính có sứ mạng bảo vệ tổ quốc mà chỉ có nhiệm vụ bảo vệ “đảng” và chế độ. Họ có bao giờ được phép“trung với nước” đâu, họ bị buộc “trung với đảng” và “đảng” là một bộ phận của ĐQCS. Điều này cũng dễ hiểu vì họ bị buộc phải phủ nhận tổ quốc. Vô tổ quốc và chỉ có “Thế Giới Đại Đồng”, tức ĐQCS, thì lấy gì để mà bảo vệ, ngoài ĐQCS! Họ đả tự hào: “Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa.” Đó cũng là thái độ và chủ tâm của các nhà lãnh đạo CSVN.

Miền Nam dĩ nhiên cũng có lính, có quân đội. Nhưng đó là lính VNCH, lính của Miền Nam chớ chẳng phải lính của bất cứ cá nhơn hay chánh đảng nào. Sứ mạng thiêng liêng của họ là bảo vệ Tổ Quốc chớ không phải bảo vệ đảng hoặc một Ý Thức Hệ nào. Nếu có, thì đó là “Ý Thức hệ Dân Tộc”, chớ không hề và chẳng bao giờ là “Ý Thức Hệ Tư Bản”. Do đó, đối với họ “yêu nước là yêu tổ quốc và thương dân”. Đây là điểm khác biệt sâu xa giữa QLVNCH và cái gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”. “Bộ đội Cụ Hồ” vì “trung với đảng” nên lúc nào cũng bảo vệ, tung hô “đảng” mặc dầu “đảng” chủ trương dâng đất, dâng đảo, dâng biển cho Trung Cộng để đàn anh này trợ giúp củng cố ngôi vị thống trị của “đảng” trên toàn dân Việt.

Để thấy điểm khác biệt nói trên, không gì bằng rọi chiếu phản ứng của Miền Bắc và Miền Nam trước hành động cướp nước của bọn bành trướng Bắc Kinh:

1. Ngày 04-09-1958, Trung cộng công bố tuyên cáo về lãnh hải 12 hải lý để cướp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thay vì phản đối tuyên cáo này, Thủ tướng VC Phạm Văn Đồng, thừa lịnh HCM, hối hả gởi công hàm đề ngày 14-09-58 cho Thủ tướng TC Chu Ân Lai “ghi nhận và tán thành bản tuyên cáo ngày 04/09/1958” và “tôn trọng quyết định” của Trung cộng nghĩa là chấp nhận dâng hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa cho Trung cộng;

2. VNCH không chấp nhận tuyên cáo nói trên vì hai quần đảo này thuộc lãnh thổ Việt Nam từ ngàn xưa và sự không chấp nhận nói đây đã được cụ thể hóa bằng hành động oai hùng của Hải Quân VNCH, của Hải Quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà và Hải Quân Đại úy Nguyễn Thành Trí (Hạm trưởng và Hạm phó HQ.10) cùng các sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc HQ.10, HQ.4, HQ.5 và HQ.16: Trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung cộng vào hồi 10:20 sáng ngày 19-01-1974. Trong trận hải chiến này hai vị Hạm trưởng và Hạm phó HQ.10 và 56 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh đền nợ nước sau khi đánh chìm một số chiến hạm của hải quân Trung cộng.

Nói tóm lại, nếu phải gọi cuộc chiến 1955-1975 là chiến tranh “Ý Thức Hệ”, thì đó là cuộc chiến giữa “Ý Thức Hệ Dân Tộc” và “Ý Thức Hệ Cộng Sản”. Trên thực tế, khi người Miền Nam cầm súng đánh giặc, người viết nghĩ, ít có ai nghĩ đến vấn đề “Ý thức hệ”. Có thể, trong một lúc nào đó, họ nhớ đến lời của danh tướng Lý Thường Kiệt truyền rằng có thần linh cho bốn câu thơ trên bờ sông Như Nguyệt, tỉnh Bắc Ninh, tức Sông Cầu bây giờ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư

Áp dụng bốn câu thơ trên cho cuộc chiến 1955-1975, chúng ta thấy Miền Nam do dân Miền Nam và dân trốn chạy chế độ cộng sản cư ngụ. Bất cứ ai có ý đồ xâm chiếm thì toàn dân sống ở Miền Nam phải đứng lên cầm súng để bảo vệ nửa phần còn lại của Đất Nước!

III. Cuộc Chiến 1955-1975 Có Phải Là Chiến Tranh Ủy Nhiệm Không? 

Ủy nhiệm là giao cho một người nào thay mình làm một công việc gì đó. Chẳng hạn như gia đình ông A đi nghỉ hè nhờ ông B chăm sóc ngôi vườn của ông ta. Như vậy có sự ủy nhiệm của ông A cho ông B. Nếu ông B tự mình chăm sóc ngôi vườn của mình với những dụng cụ mượn của người hàng xóm hoặc với sự phụ giúp của người láng giềng thì chúng ta có thể bảo ông B nhận sự ủy nhiệm của ai đó không? Dĩ nhiên là không vì ông B chăm sóc ngôi vườn của chính ông ta và cho ông ta! Rất tiếc, có những người cộng sản phản tỉnh, không sao phủ nhận được sự kiện Miền Bắc thừa ủy nhiệm của ĐTQT để xâm lăng Miền Nam và tư cách đánh thuê của tập đoàn lãnh đạo Miền Bắc, đã vu khống lính Miền Nam cũng là lính đánh thuê và nhận sự ủy nhiệm của Hoa-kỳ! Sau đây, người viết xin phân tách trường hợp của Miền Nam và Miền Bắc để kết luận ai là kẻ đánh thuê, giết mướn và nhận lịnh của ngoại bang để hành động.

A. Trường hợp Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam) 

Vì vị trí địa dư, VNCH và Hoa-kỳ có cùng một điểm chiến lược: Hoa-kỳ có mục đích ngăn chận làn sóng đỏ để bảo vệ quyền lợi của chính mình và bảo vệ Đông Nam Á mà cửa ngỏ là VNCH. Miền Nam có nhiệm vụ tự vệ chống sự xâm lăng của Miền Bắc để VNCH tồn tại. Nhiều tác giả đã gọi VNCH là tiền đồn chống cộng. Là những người lính chiến, khi chiến đấu chống cộng sản xâm lăng, chúng ta không bao giờ nghĩ rằng chúng ta đang cố gắng bảo vệ cái “tiền đồn” đó, chúng ta chỉ nghĩ rằng chúng ta đang nổ lực bảo vệ sự sống còn của Miền Nam trước sự xăm lăng từ Miền Bắc. Miền Nam còn, dân Miền Nam còn TỰ DO, DÂN CHỦ và NHƠN QUYỀN. Tuy nhiên, nổ lực này cũng đã giúp Thế Giới Tự Do ngăn chận làn sóng đỏ tràn xuống Đông Nam Á qua cửa ngỏ VNCH. Do đó, Thế Giới Tự Do, nhứt là Hoa-kỳ, thấy cần yểm trợ VNCH trong công cuộc tự vệ chống sự xâm lăng từ Miền Bắc. Yểm trợ VNCH là tự giúp chính mình chứ không phải ủy nhiệm cho VNCH. Bảo rằng VNCH nhận sự ủy nhiệm của Hoa-kỳ là xuyên tạc trắng trợn sự thật. Không có gì vô lý cho bằng bảo rằng Quân Dân Miền Nam chống trả sự xâm lăng của Miền Bắc để bảo vệ Miền Nam là do sự ủy nhiệm của Hoa-kỳ. Nước tôi, tôi giữ; không ai có thể bảo rằng có ai đó ủy nhiệm cho tôi để tôi giữ nước tôi!

B. Trường hợp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc) 

Vai trò “thừa ủy nhiệm” của Miền Bắc đã được chính ông HCM công khai xác nhận: “Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một thành viên trong đại gia đình Xã Hội Chủ Nghĩa, đứng đầu là Liên xô vỉ đại. Chúng ta có nhiệm vụ giữ vững vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á và trên thế giới” (18). Trong “Hồ Chí Minh Toàn Tập”, HCM viết rõ hơn: “Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lénine và Quốc Tế 3 là một đảng cộng sản thế giới. Các đảng cộng sản ở các nước, như là chi bộ, đều phải tuân theo kế hoạch và qui tắc chung. Việc gì chưa có lệnh và kế hoạch của Quốc Tế 3 thì các Đảng không được làm.” Ông HCM cũng đã từng xác nhận trong “Lịch Sử Đảng Cộng sản Việt Nam” (Tập I):

“Chúng ta theo chủ nghĩa Quốc tế, không theo chủ nghĩa Quốc gia. Chúng ta phải nâng cao tinh thần đấu tranh giải phóng, nghĩa là hình thức thì dân tộc mà nội dung là Quốc tế”. Nơi trang 32, HCM viết tiếp: “Nhận chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản để giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong một bài nói chuyện nội bộ, Tổng bí thư đảng CSVN Lê Duẩn, đã xác quyết: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa” (19). Như thế không gọi là đánh thuê thì phải gọi là gì? Đánh mướn chăng? Sau khi cưởng chiếm Miền Nam xong, Lê Duẫn tuyên bố: “Chúng ta đã cắm ngọn cờ Mác Lê bách chiến bách thắng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Điều đó có nghĩa là “chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ do Quốc Tế 3 ủy nhiệm”!

Nói tóm lại, cuộc chiến 1955-1975 tại Việt Nam là một thứ chiến tranh ủy nhiệm đối với Miền Bắc: Miền Bắc nhận lịnh hay thừa ủy nhiệm ĐTQT tấn chiếm Miền Nam để làm bàn đạp thôn tính cả vùng Đông Nam Á hầu bành trướng ĐQCS. Dĩ nhiên, để hoàn thành sự ủy nhiệm nói đây, Miền Bắc đã xử dụng không xót thương xương máu của nhân dân Việt Nam đúng như Nikita Khrushchev, bí thư thứ nhứt đảng CS Liên xô (1953-1964) viết: “Cuộc chiến này không chỉ vì tương lai của người dân Việt Nam . Nhân dân Việt Nam đang đổ máu và xả thân cho Phong Trào Cộng Sản Thế Giới.” (20).

IV. Cuộc Chiến 1955-1975 Có Phải Là Chiến Tranh Chống Mỹ Xâm Lược không? 

Trong suốt chiều dài của cuộc chiến, CSHN không ngớt rêu rao là họ đang dấy động “Chiến Tranh Giải Phóng”, đồng thời cũng là “Chiến Tranh Đánh Mỹ Xâm Lược”. Vài ba điểm sau đây cho thấy chẳng có vấn đề “Mỹ xâm lược Miền Nam” để mà “đánh Mỹ cứu nước”:

1. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, chế độ thuộc địa đã cáo chung: Tổng Thống Hoa-kỳ Roosevelt và Thủ Tướng Anh Churchill cùng ký tên trong bản Tuyên Cáo 14-08-41 được gọi là Hiến Chương Đại Tây Dương cam kết tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia bị trị (21). Như vậy, đối với các quốc gia dân chủ Tây phương, vấn đề không còn là đi “xâm lược” để tìm thuộc địa mà là giao trả độc lập cho các thuộc địa của họ. Hoa-kỳ, nước đầu tiên, giao trả độc lập cho thuộc địa của mình là Phi Luật Tân vào năm 1946, trước khi Pháp, Anh, Bỉ và Hòa Lan chấp thuận cho các thuộc địa của họ độc lập. Riêng nước Pháp, sau khi chánh phủ Charles De Gaulle thất bạị trong trong ý đồ tái chiếm Việt Nam, Tổng thống Vincent Auriol mới ký với Quốc Trưởng Bảo-Đại Hiệp ước Élysée ngày 08-03-49 chấp thuận cho Việt Nam được độc lập trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp. Hai quốc gia cuối cùng được trả độc lập vào năm 1962 là Rwanda (Trung Phi) của Bỉ và Algerie (Bắc Phi) của Pháp.

2. Bộ Tư Lịnh Viện Trợ Quân Sự Hoa-kỳ (MACV) được thành lập ngày 06-02-62 dưới quyền tư lịnh của Đại tướng Paul D. Harkins. Vào giữa năm 1962, số cố vấn tăng từ 700 lên 12,000. Ngày 08-03-65, hai tiểu đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến đổ bộ lên Đà Nẳng. Đó là các đơn vị tác chiến đầu tiên của Hoa-kỳ được điều động đến Miền Nam (22). Trong khi đó, theo quyển “Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thắng lợi và bài học” xuất bản năm 1996 tại Hà Nội, ngay sau khi Hiệp Ước Genève được ký kết, CSHN đã có kế hoạch tấn chiếm Miền Nam. Đầu năm 1959, trong Đại Hội lần thứ 15, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN đã quyết định thôn tính Miền Nam bằng quân sự. Vào tháng 5 năm 1959, CSHN thành lập một đơn vị mệnh danh là “nhóm 559” có nhiệm vụ nới rộng đường xâm nhập từ Bắc vào Nam. Hai tháng sau, “nhóm tiếp vận 759” được thành lập để nghiên cứu phương cách đưa người và tiếp liệu vào Miền Nam bằng đường biển (23). Trên thực tế, CSHN đã chuẩn bị cuộc chiến ngay sau khi Hiệp Ước Genève vừa được ký kết và đã phát động chiến tranh từ tháng 10 năm 1957, nghĩa là 8 năm trước khi các đơn vị tác chiến Hoa-kỳ đến Miền Nam.

3. Quân đội Hoa-kỳ đến Miền Nam để yểm trợ VNCH ngăn chận làn sóng đỏ từ phương bắc, đồng thời củng cố cửa ngỏ vào Đông Nam Á chớ không phải để chiếm đóng hoặc “xâm lược” Miền Nam cũng như trước kia 300,000 quân Hoa-Kỳ tại Tây Đức nhằm yểm trợ Minh Ước Bắc Đại Tây Dương chớ không phải chiếm đóng hay “xâm lược” Tây Đức. Đó cũng là trường hợp của 20,000 Thủy Quân Lục Chiến Hoa-kỳ tại Nhựt và 19,000 quân Hoa-kỳ tại Đại Hàn hiện nay (Theo tạp chí Time, ngày 15-01-2007). CSHN đã cố tình đồng hóa “sự hiện diện của quân đội Hoa-kỳ để giúp VNCH” với “sự xâm lược Miền Nam của Mỹ”. Mải vu khống để có lý cớ xâm lăng Miền Nam và thường xuyên đả kích các quốc gia đồng minh của Miền Nam gởi quân tham chiến, CSHN đã lờ đi sự tham gia trực tiếp của quân Trung cộng và Bắc Hàn vào cuộc chiến, bên cạnh quân cộng sản Miền Bắc:

Theo sử gia Chen Jian, tác giả quyển “Mao’s China and the Cold War”, vào năm 1965, Bắc Kinh đã gởi 320,000 quân sang tham chiến tại VN. Nhà văn Vũ Thư Hiên, trong quyển “Đêm Giữa Ban Ngày” đã trích dẫn một đoạn từ cuốn “Giọt Mưa Trong Biển Cả” của ông Hoàng Văn Hoan (tr.345) về “sự kiện Hoa quân nhập Việt”: “Từ năm 1965 đến năm 1970, theo yêu cầu của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phái hơn ba mươi vạn bộ đội vào Việt Nam” (24). Ngoài ra, quân cộng sản Bắc Hàn cũng đã từng tham chiến với quân đội Miền Bắc. Một viên chức của tỉnh Bắc Giang, lần đầu tiên, đã nhìn nhận có sự tham gia trực tiếp của Cộng sản Bắc Hàn vào cuộc chiến tại Việt Nam, bên cạnh quân Cộng sản Miền Bắc và có một số đã tử trận và xác còn chôn tại xã Tân Định, huyện Lang Giang, tỉnh Bắc  Giang cách Hà Nội khoảng 60 cây số. Ngoại trưởng Bắc Hàn Paek Nam Sun, nhơn khi sang thăm Việt  Nam từ ngày 25 đến 27-03-2000, đã đến viếng nghĩa trang nơi chôn 14 quân nhân Bắc Hàn. Năm nào  nghĩa trang này cũng được các viên chức sứ quán Bắc Hàn viếng thăm. Theo một bản tin của thông tấn xã Nam Hàn Yonhap, đa số quân nhân Bắc Hàn tử trận đều là phi công chiến đấu. Các phi công này đóng tại phi trường Kép, thuộc huyện, tỉnh nói trên vào những ngày đầu của cuộc chiến, khoảng  1967-1968. Những phi công này đã bị phi cơ Hoa-kỳ bắn hạ khi họ bay lên nghinh chiến (Nhật báo Người Việt, không nhớ số và ngày).

Danh xưng “Đánh Mỹ Xâm Lược” của cuộc chiến 1955-1975 do CSHN bịa ra để che dấu ý đồ của họ và phỉnh lừa công luận thế giới. Đám phản chiến một chìều dùng nhãn hiệu “nội chiến” để đòi hỏi Hoa-kỳ rút quân với lý cớ không một quốc gia nào có chính danh để xen vào nội bộ của một quốc gia khác. Với luận cứ này, đám phản chiến cố tình không thấy CSHN đã chuẩn bị chiến tranh bằng cách gài lại Miền Nam hàng vạn cán bộ và đảng viên và sau đó, qua ngả Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, đã điều động hàng chục sư đoàn vào Miền Nam với chiến cụ tối tân do Nga Hoa cung cấp. Nếu thật sự yêu chuộng hòa bình, phong trào phản chiến ắt phải đòi hỏi quân CS Miền Bắc triệt thoái khỏi Miền Nam vì chính CSHN mang chiến tranh vào Miền Nam. Nhưng vì là phản chiến thiên tả nên bọn này không đá động gì đến sự hiện diện của quân đội Miền Bắc trong lãnh thổ VNCH Như người viết đã góp ý, cuộc chiến 1955-1975 không phải là “nội chiến” mà là cuộc chiến giữa hai nước. CSHN cũng không cho đó là nội chiến. Họ đã dán nhãn hiệu “Đánh Mỹ Xâm Lược” lên cuộc chiến, đồng thời vu khống VNCH dấy động chiến tranh do Hoa-kỳ ủy nhiệm để ngụy trang một sự thật. Sự thật đó là họ đã thừa ủy nhiệm của ĐTQT để tấn công Miền Nam. Bị tấn công nên Miền Nam phải tự vệ và chiến tranh đã xảy ra.

Kết luận: cuộc chiến 1955-1975 là một cuộc chiến do ĐTQT ủy nhiệm cho Miền Bắc xâm lăng Miền Nam để làm bàn đạp thôn tính toàn vùng Đông Nam Á hầu phát triển ĐQCS. Đối với Miền Nam, cuộc chiến 1955-1975 đơn thuần là chiến tranh tự vệ. Như vậy, cuộc chiến 1955-1975 có thể có hai danh xưng: “Chiến Tranh Xăm Lăng Từ Miền Bắc” và “Chiến Tranh Tự Vệ Của Miền Nam”.

Nhiều điều bất hạnh đã đến với dân tộc Việt Nam cần được ghi nhận ở cuối bài:

1. Nhờ tinh thần bất khuất và sức mạnh tinh thần của dân tộc mà tiền nhân đã tạo được nhiều chiến tích lẫy lừng làm bạt vía cường đồ phương Bắc. Chính Chủ Nghĩa Dân Tộc đã giúp tiền nhân đánh tan quân Mông Cổ dưới đời Nhà Trần, đuổi quân Minh ra khỏi đất nước vào đời Nhà Lê, quét sạch 20 vạn quân Thanh ra khỏi biên thùy dưới đời Nhà Tây Sơn và cũng chính nhờ Chủ Nghĩa Dân Tộc mà Người Việt Quốc Gia đã bẻ gảy mưu đồ tái chiếm Việt Nam của chánh phủ Charles De Gaulle và buộc tổng thống Vincent Auriol ký Hiệp ước Élysée ngày 08-03-49 với Quốc trưởng Bảo-Đại chấp thuận cho Việt Nam được độc lập trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp. Chính chủ nghĩa Mác-Lê do ông HCM, thừa sai của ĐTQT, du nhập vào Việt Nam đã phá tan nền độc lập của Việt Nam vừa mới chớm nở để tròng xiềng xích ĐTQT vào cổ dân tộc! Thật vậy, chính “sách lược không liên kết với cộng sản quốc tế”, nghĩa là không du nhập chủ nghĩa Mác Lê, đã giúp các thuộc địa Á Phi thu hồi độc lập rất sớm (25) và bảo toàn được tiềm lực khả dụng trong việc phát triển và bảo vệ đất nước vì không trải qua những cuộc chiến đẩm máu như tại Việt Nam với hai cuộc chiến 1945-1954 và 1955-1975. .

2. Nếu Miền Bắc lo tái thiết với ba tỷ mỹ kim do Hoa-kỳ viện trợ và thực thi lời dạy bảo của Cụ PHAN CHU TRINH: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, để yên cho Miền Nam thực hiện những điều tương tự và nếu hai Miền cùng tranh nhau tạo phúc lợi cho người dân của mình, đua nhau làm cho dân mình được cơm ngon, áo đẹp, để đi lần đến thực tâm hòa giải và thống nhứt đất nước trong hòa bình như Tây Đức và Đông Đức thì cuộc chiến 1955-1975 có xảy ra để giết hại trên 4 triệu người Việt và biến Việt Nam thành một trong những nước nghèo đói nhứt thế giới hay không? Thảm cảnh thuyền nhơn trốn chạy chế độ cộng sản bạo tàn với trên nửa triệu người vùi thân xác nơi lòng biển cả có xảy ra hay không? Việt Nam có bị mất đất, mất đảo, mất biển cho Trung cộng hay không? Việt Nam có bị Trung cộng khống chế và công khai trấn áp như ngày hôm nay hay không? Thiếu nữ và trẻ thơ Việt Nam có bị xuất cảng làm nô lệ tình dục cho ngoại bang hay không? Công nhân Việt Nam có lâm vào cảnh “đem con bỏ chợ” như ở Samoa, Mả Lai và các xứ khác hay không? Các ổ mải dâm có rộ nở tại Hà Nội và thành Hồ hay không? Ma túy có tràn ngập khắp nơi hay không? Bịnh SIDA có đe dọa nặng nề đất nước hay không? Tệ nạn tham nhủng có trở thành quốc nạn hay không? Cha mẹ có đem con đi bán như bán một đồ vật hay một con vật hay không? Dân nghèo có phải đi bán máu để mua thức ăn hay không? Tà quyền đương hữu có cấu kết với bọn đầu tư ngọai quốc để đàn áp công nhân Việt Nam ngay trên đất Việt hay không? Hỏi tức là đã trả lời rồi vậy!.

Nhưng câu “Nếu Miền Bắc...” ghi trên chỉ là một ước mơ hão huyền bởi lẻ CSVN đã tự đặt mình dưới sự sai bảo và kềm tỏa của ĐTQT. Đế quốc này có bao giờ viện trợ cho CSVN để phát triển kinh tế và trở nên giàu mạnh đâu. Họ tiếp trợ chiến cụ tối tân để thúc ép kẻ thừa sai thay mình nhượm đỏ Đông Nam Á bằng cách khởi chiếm VNCH bằng vũ lực.

Đó là quá khứ và quá khứ không thể thay đổi được. Tuy nhiên, người Việt còn hiện tại và tương lai. Trong hiện tại, người Việt quốc nội và hải ngoại đang chiến đấu chống độc tài toàn trị để Dân Tộc có tự do, dân chủ, nhơn quyền và một tương lai huy hoàng đồng thời để trả lời câu hỏi “Ai thắng ai?”

Lễ Kỷ Niệm lần thứ 40 Ngày Quân Lực đã được Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH tại Pháp tổ  chức một cách trọng thể tại Paris 13 vào lúc 14:30 giờ ngày 11.6.2006. Kết luận bài diễn văn, cựu Trung Tướng Trần văn Trung, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH, đã nói: “Hôm  nay tôi xin được chia sẽ cùng các chiến hữu một điều, và chỉ một điều mà thôi, đó là niềm tin ở con đường chúng ta đi là đúng. Con đường của chúng ta là con đường Chính Nghĩa! Khi Chính Nghĩa càng ngày càng rạng  ngời và được nhiều Dân tộc yêu chuộng Công lý và Tự do trên thế giới nhiệt tình ủng hộ, thì nhất định  sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ thắng”. Trong cuộc hội thảo chánh trị quốc tế tổ chức tại Thượng Nghị  Viện Hoa-kỳ, ngày 02/05/95, Thống tướng Westmoreland đã phát biểu “...Tôi đã cùng chiến đấu với các anh trong bốn năm, tôi kính phục các anh và giờ đây, tôi vẫn tiếp tục kính phục các anh. Theo tôi, tự do và dân chủ cuối cùng sẽ thắng -(26).

Thật vậy, Miền Nam đã chiến thắng tại Kiến Hòa, Đầm Dơi, Đèo Ia Drang, Đỗ Xá,Kontum,  An Lộc, Quảng Trị, trong Chiến Dịch Sóng Tình Thương, trong trận“Tổng Công Kích Tết Mậu Thân”,  trong cuộc Hành quân qua Cam bốt năm 1970, trong Chiến Dịch Lam sơn 719,và trong nhiều trận chiến  khác không sao nhớ hết được. Miền Nam đã “thua” trong trận chiến 30-04/75 Thua một trận chiến  (bataille) không có nghĩa là thua cả cuộc chiến (guerre). Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn dưới một hình thái khác. Chắc chắn dân tộc Việt Nam sẽ thắng trong cuộc chiến giữa “Tự Do Dân Chủ” và “Độc Tài Toàn Trị”.

MX Lê Công Truyền


Chú thích và tài liệu tham khảo 

1. Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi (Hồi ký I), Văn Hóa, Houston, Texas 2002, tr. 349, 351. (“Năm1959, sư đoàn (SD) khinh chiến 13, đóng tại Bến Kéo, Tây Ninh và SĐ 11 đóng ở Hậu Giang được sáp nhập thành SĐ 21 dã chiến. Trung đoàn (TrĐ) 39 của SĐ 13 củ sáp nhập vào TrĐ 32 của SĐ 11 thành TrĐ 32 của SĐ 21 tân lập”).

2. The Pentagon Papers, Gravel Edition, Volume 1, Chapter 5, “Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960”, Beacon Press, Boston, 1971, tr. 242-269

3. Tổng Kết Cuộc Kháng Chống Thực Dân Pháp, Thắng Lợi và Bài Học, Hà Nội, 1996

4. Võ Văn Kiệt, Nhớ Đồng Chí Lê Duẩn, Báo Nhân Dân, 16-08-06, (Tưởng niệm 20 năm Lê Duẩn qua đời)

5. Stanley Karnow, Vietnam: A History, Penguin Books, 1983, tr. 237, 679
6. Thiếu tá Việt Anh, Sự Thất Bại Của Phong Trào Đồng Khởi Của Cộng Sản Việt Nam, Chiến Sử THỦY QUÂN LỤC CHIẾN Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, 1997, tr. 45-47.
7. Vào cuối đời, BS Nguyễn Khắc Viện bị đảng CSVN “trù dập, bôi bẩn, thóa mạ, săn đuổi,đe dọa một cách rất dả man, tàn khốc và đểu cáng” (Nguyễn Thanh Giang, Gáy Lên Đi... Cho Người Người Tỉnh Thức, Talawas 25-10-06). Đó cũng là trường hợp của Triết gia Trần Đức Thảo (Hoàng Văn Chí, Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, Quê Mẹ, Paris, 1983, tr. 288) và giáo sư tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường (Hoàng Văn Chí, sđd, tr. 293).
8. Minh Võ, Hồ Chí Minh – Nhận Định Tổng Hợp, Tủ Sách Tiếng Quê Hương, Virginia, 2003, tr.377
9. Minh Võ, sđd, tr.347
10. The Pentagon Papers, Tài liệu đã dẫn (Under Diệm’s leadership, South Vietnam became well established as a sovereign state, by 1955 recognized de jure by 36 nations)
11. Trần Văn Đôn, Our Endless War Inside Vietnam, Presidio Press, Novato, Calfornia, 1978, tr.62
12. Lâm Lễ Trinh, Mặt Trái và Bài Học của Hiệp Ước Genève (LS Lâm Lễ Trinh trả lời ký giả Trung Việt trong chương trình Chân Trời Mới ngày 17-07-2004).

13. Stanley Karnow, sđd, tr. 224, 679 (...both North and South Vietnam be admitted to the United Nations as “two separate states”
14. Huy Phương, 37 Hài Cốt Chung Một Nắm Mồ, Người Việt Online, January 31, 2007

15. Khánh Toàn, B: Chân Dung Thật Của Tấm Lòng Giả, Nhật Báo Người Việt, số 61, ngày 29-04-97, tr. B10: “B. đã lợi dụng vị thế của mình để gửi ra Bắc 2 chiếcHonda và một chiếc tủ lạnh như những chiến lợi phẩm của mình. Báo hại hạ sĩ Nguyễn Văn Quân, trong khi xoay trần ra đở chiếc tủ lạnh từ trên boong xuống hầm tàu, và đang lần từng bước xuống từng nấc cầu thì bị ngã và trật khớp xương sống. Sự kiến ấy xảy ra làm cho anh em ở tầu đều buồn. Họ buồn cho sự không may của hạ sĩ Quân và cũng buồn vì thấy một sĩ quan cấp cao, một nhà báo như ông B. đã đi quá xa khỏi phạm vi quy định của bộ Quốc Phòng khi quân ta vào tiếp quản các thành phố, thị xã.”

16. Võ Đại Tôn, Lời phát biểu trong buổi Ra Mắt và Gây Quỹ Hoạt Động của Hội Thương Phế Binh QLVNCH - NSW - Úc Châu - ngày 03.11.2006.

17. Lâm Quang Thi, The Death Of South Viet Nam: An Autopsy, Sphinx Publishing, Phoenix, AZ, 1986, tr. 3, 197 (Ngày 09-03-74, VC đã nả súng cối 82 ly vào trường tiểu học Cai Lậy, Định Tường, sát hại 34 học sinh và làm 70 em khác bị thương. Ngày 04-05-74, VC lại xử dụng súng cối 82 ly pháo kích vào trường tiểu học Song Phú, Vĩnh Long, sát hại và làm bị thương 41 học sinh.)

18. Hồ Chí Minh, Diễn văn khai mạc Đại Hội 3 của đảng cộng sản Việt Nam, 1960

19. Vũ Thư Hiên, Đêm giữa Ban Ngày, Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422

20. Khrushchev, Khrushchev Remembers, Nxb Little Brown, 1970 (kết luận Chương về HCM và chiến tranh Việt Nam)

21. Minh Võ, sđd, tr. 686

22. Stanley Karnow, sđd, tr. 416, 682

23. Stanley Karnow, sđd, tr.237

24. Vũ Thư Hiên, sđd, tr.229. [Nhơn tiện xin trích dẫn vài đoạn từ quyển sách này: “Cô tôi khuyên tôi. Cháu phải tỉnh trí, chớ có nghe cộng sản. Cộng sản bất nhân lắm. Mình là người tử tế, phải chọn bạn mà chơi. Nghe ngon ngọt lắm vào rồi đi theo họ, hối không kịp (tr. 248). Người thứ hai không còn tin ở chủ nghĩa cộng sản là vợ tôi. Vợ tôi đi đến kết luận bất ngờ: “Chủ nghĩa cộng sản không có tương lai , anh ạ. Nó không được lòng dân” (tr. 249). Người thứ 3 cảnh tỉnh tôi là tiểu đoàn trưởng Đích: “Nhà tù cho tôi thấy một điều: không có tình đồng chí! Chúng ta nhầm. Bây giờ tôi mới hiểu: ông Hồ không phải đồng chí của ta, ông ấy cũng là vua như các vua khác, lại không phải vua hiền. Ông ấy biến những con người lương thiện thành những con quỷ. Ông ấy là quỷ vương”(tr. 249). Và đây là lời tâm sự của Ô. Vũ đình Huỳnh với con là VTH (Ô. Vũ Đình Huỳnh nguyên là bí thư của HCM): “Con ạ, những ngày gần đây bố suy nghĩ nhiều về tương lai đất nước mình. Kết luận của bố là thế nầy: muốn cho dân tộc ta không thua kém các dân tộc khác, muốn cho đất nước được thịnh vượng, dân ta không nghèo khổ mải thì không thể thiếu một điều kiện tiên quyết: ấy là phải gạt bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Đảng đến nay đã hết là đội quân tiên phong của cách mạng giải phóng dân tộc rồi. Bây giờ nó trở thành chướng ngại vật trên đường phát triển của dân tộc. Kẻ nào trong lúc này đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi của Tổ quốc là kẻ phản bội Tổ quốc (tr. 303-304)]

25. Năm các thuộc địa Á Phi thu hồi đôc lập: Phi-Luật-Tân (1946), Ấn-Độ, Hồi-Quốc (1947) Tích-lan, Miến-điện (1948), Tunisie, Maroc (1956), Mã-Lai (1957), Tân-Gia-Ba (1959) Algérie (1962)

26. Nhóm Nhà Văn Quân Đội, Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử (Tập II), Việt Nam, 2002, tr.5

No comments:

Post a Comment