Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, November 15, 2013

Đổi mới nhân sự: nắng hạn gặp mưa


Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-11-15
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg8885450-250.jpg
Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmao (thứ 2 từ phải) được đón tiếp bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (P), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (Thứ 4 từ trái) và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam (thứ 3 từ trái) tại Hà Nội vào ngày 4 tháng 9 năm 2013.
AFP photo

Chuyện Việt Nam cải tổ nội các bớt một thêm hai Phó Thủ tướng đã bất ngờ gây sôi nổi báo chí lề phải lẫn các trang mạng xã hội. Một sự thay đổi nhân sự bình thường nhưng các phản ứng cho thấy sự khát khao đổi mới của người dân.
Hai nhân vật Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bỗng chốc trở thành ‘người của công chúng’ cho dù báo chí chẳng xa lạ gì 2 vị này, một là Bộ trưởng Ngoại giao, người kia là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ. Cả hai ông cùng ở lứa tuổi 50 được mô tả thuộc thành phần chính khách chuyên viên được đào tạo ở phương tây như Hoa Kỳ và Bỉ.
Sự chú ý của cộng đồng mạng và báo chí liên quan đến hai tân Phó Thủ tướng được GSTS Nguyễn Thế Hùng, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Đà Nẵng nhận định:
“Việt Nam như một thời kỳ nắng hạn thấy một giọt mưa là người ta quý. Cho nên thấy những người mới có học hành đàng hoàng có kiến thức về xã hội có tư cách đạo đức, thí dụ như thế, thì người dân rất trông mong…. Chuyện khát khao thì bây giờ ai khát khao, những người trí thức thức thời, những người hiểu sâu sắc những người lên cầm quyền  họ mừng rỡ thì đó là sự khát khao thật sự. Nhưng nếu đại đa số những người khát khao đó mà bị cái gì che khuất bên ngoài, bị sự mộng mị nằm bên ngoài của những người lên cầm quyền thì tuy họ cũng khát khao, nhưng đã không nhìn rõ những đối tượng đó có chân thật không, bởi vì chính trị là mị dân.”


Sự thay đổi cực kỳ khó trong cơ chế hiện nay, nó trói buộc tất cả những người có tâm có tài… dù có thế cán bộ mà vẫn giữ cơ chế hệ thống này thì mọi sự thay đổi đều vô tác dụng đối với tình hình đất nước.
- Giáo viên Đỗ Việt Khoa
Báo mạng Người Lao Động ghi nhận Hai tân phó thủ tướng được Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng và đã đạt số phiếu phê chuẩn rất cao vào sáng ngày 13/11. Tờ báo trích lời bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội về các vấn đề xã hội đánh giá là tân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đảm trách lĩnh vực rất nóng và nhạy cảm liên quan mật thiết đời sống hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân. Hy vọng nhà lãnh đạo trẻ sẽ đáp ứng nguyện vọng thiết thực của người dân, đại biểu Trương Thị Mai nhận định là nhân dân đang chờ đợi những chính sách an sinh xã hội được thay đổi mạnh mẽ hơn.
Riêng về tân Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đại biểu Lê Như Tiến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã gắn kết nhân vật này với điều ông gọi là sự khởi sắc công tác ngoại giao.
Nhận định về khát vọng đổi mới thể hiện trên báo chí chính thống và cộng đồng mạng xã hội, Giáo viên Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội phát biểu:
“Bộ máy Trung ương cũng có nhiều người có tâm huyết với đất nước muốn có sự thay đổi có sự cải cách nào đó. Hai gương mặt mới thì cũng được nhiều người kỳ vọng bởi họ cũng được đào tạo bài bản, họ là  con nhà cách mạng có truyền thống. Nhưng tôi nói thực sự là không hy vọng gì ở sự cải tổ này để mà Việt Nam có gì thay đổi cả. Sự thay đổi cực kỳ khó trong cơ chế hiện nay, nó trói buộc tất cả những người có tâm có tài… dù có thế cán bộ mà vẫn giữ cơ chế hệ thống này thì mọi sự thay đổi đều vô tác dụng đối với tình hình đất nước.”
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa đưa ra những thí dụ điển hình về điều ông gọi là thứ cơ chế chính trị trói chân trói tay những người có tâm có tài, dù ở những chức vụ cao hơn hai vị tân Phó Thủ tướng. Ông nói:
“Lấy ví dụ trường hợp Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có thể nói là nhìn thấy được rất nhiều vấn đề nhưng ngay ở cương vị Thủ tướng mà ông còn bị hạn chế không thể phát huy quyền lực không thể làm theo ý mình được mặc dù nhu cầu của đất nước lúc đó hết sức cấp thiết, ông không làm gì được, nói ra người ta cũng không thực hiện…Nay thì với hai tân Phó Thủ tướng vừa được phê chuẩn thì họ vốn trước kia đã ở trong bộ máy rồi. Những việc họ làm đối với dân chúng tôi thì cũng chưa có gì là tiếng vang ghê gớm, dù họ có tâm thì tôi thực sự không hy vọng là họ có thể làm việc theo ý mình.”
Ông Vũ Đức Đam, 50 tuổi trở thành Phó Thủ tướng trẻ nhất của Chính phủ Việt Nam. Khi còn ở cương vị Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông thường xuyên gặp báo chí. Nhưng bây giờ các nhà báo mới chú tâm tìm hiểu tiểu sử của ông và đưa lên mạng với rất nhiều thiện cảm. Báo mạng VnEconomy giật tít: “Ông Vũ Đức Đam: Từ Sao Khuê công nghệ” đến “Sao Mai chính trường”. Ông Đam từng là thư ký, trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bí thư kiêm Chủ tịch Quảng Ninh hồi năm 2008. Ông được mô tả là “một lãnh đạo không bàn giấy”. Mọi công việc đều được ông giải quyết chủ yếu qua máy tính, và tinh thần ấy đã được truyền dần sang các lãnh đạo khác. Hồ sơ của giải thưởng Sao Khuê mô tả trong giai đoạn ở Quảng Ninh ông Vũ Đức Đam đã chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện và thiết thực.

Bình mới rượu cũ?

000_Hkg8885450-250.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự hội nghị bộ trưởng ASEAN tại Thái Lan ngày 14/8/2013. AFP photo
Các báo mạng do Chính phủ quản lý như VietnamNet, Lao Động và Dân Trí đều có bài tường thuật cuộc tiếp xúc với báo chí lần đầu tiên của ông Phạm Bình Minh trong cương vị Phó Thủ Tướng ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Các báo giật tít lớn ‘Bảo vệ chủ quyền là một mục tiêu của hoạt động đối ngoại.” Ông Phạm Bình Minh đã nói với báo chí là việc một Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao thể hiện công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế không chỉ dừng ở phạm vi của Bộ ngoại giao mà là công tác của nhà nước, của chính phủ trên bình diện hội nhập toàn diện, chủ động chứ không chỉ trong một đơn vị, lĩnh vực.
Dantri.com.vn trong bài tường thuật có câu hỏi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rằng, cái khó trên Biển Đông được cho là vì mâu thuẫn giữa yêu cầu chủ quyền và việc xây dựng, duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Thân phụ Phó Thủ tướng là cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một nhà ngoại giao lỗi lạc, nổi tiếng về việc rất cứng rắn đối với những quan điểm không đồng thuận từ bên ngoài. Câu hỏi đặt ra là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có chung quan điểm với cha mình hay không?
Đường lối đối ngoại của Việt Nam là do Đại hội Đảng vạch ra, được lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước chỉ đạo triển khai thực hiện.
- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh 
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thoát ra khỏi câu hỏi tế nhị này một cách vắn tắt, theo đó ông xác định “Đường lối đối ngoại của Việt Nam là do Đại hội Đảng vạch ra, được lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước chỉ đạo triển khai thực hiện.”
VietNam Net trong bài Điểm chung Vũ Đức Đam-Phạm Bình Minh  ghi nhận hai ông đều trẻ, cùng được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, sử dụng ngoại ngữ, có nhiều kinh nghiệm công tác qua các vị trí. Tờ báo mạng trích lời GS người Úc Carl Thayer một chuyên gia về chính trị Việt Nam nhận định rằng: “Vào tháng 4, Bộ Chính trị đã thông qua một nghị quyết quan trọng về hội nhập quốc tế. Cả hai ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh đều có những phẩm chất giá trị, phục vụ cho mục tiêu này. Ông Vũ Đức Đam mạnh về khoa học, công nghệ còn ông Phạm Bình Minh lại mạnh về đối ngoại, bao gồm cả các tổ chức quốc tế, quan hệ với Hoa Kỳ và vấn đề nhân quyền.
Nhân câu chuyện báo chí tán tụng hai vị tân Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, cho dù nhất động nhất cử ở Việt Nam là tùy thuộc Trung ương Đảng Cộng sản. GSTS Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng nhận định:
“Bất kỳ một đất nước nào người ta cũng phải theo một thể chế tiên tiến thì đó mới là điểm căn bản quan trọng để tạo nên một xã hội vững chắc giàu mạnh và đi đến dân chủ. Còn chuyện mình có thay đổi một vài nhân vật nào đó mà vẫn ở trong một thể chế như cũ thì xã hội cũng có thể cải thiện một phần nào đó thôi. Cuối cùng cũng không thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, người dân cũng không thể nào có được dân chủ.”
Giới trẻ lớn lên sau chiến tranh chiếm tỷ lệ lớn trong dân số Việt Nam, thành phần này chưa bao giờ trải nghiệm nền dân chủ pháp trị thực sự và đa số cảm thấy bình thường với chế độc độc đảng. Nếu có sự phấn khởi với sự phê chuẩn hai tân phó thủ tướng trẻ, được hưởng thụ nền giáo dục hiện đại ở nước ngoài cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng như nhà báo Nguyễn Quang Lập viết vui trên blog Quê Choa, báo chí chính thống chớ vội vàng tán tụng hai tân Phó Thủ tướng, để yên cho các ông làm việc, tâng bốc chính là cách làm hỏng hai ông, cũng là cách tạo ra ngày càng nhiều kẻ đố kị ghen ghét hai ông.

No comments:

Post a Comment