Giá cà phê ngang ngửa giá thành làm nông dân lo âu, trong khi doanh nghiệp Việt Nam cạn vốn, lại vướng hoàn thuế VAT tạo ra những nguy cơ lớn có thể gây đổ vỡ ngành cà phê.
Thiếu vốn trữ cà phê
Ở một số địa phương vùng Tây nguyên, người dân khởi sự thu hoạch vụ cà phê 2013-2014 dù chưa hái rộ. Tuy vậy trong tuần lễ từ 2 tới 9/11 giá cà phê nhân xô bán tại vườn có lúc rớt xuống 28.000 đ/kg. Sau đó nhờ tin bão Hải Yến làm chậm tiến độ hái quả đã đẩy giá lên lại mức 30.000-30.500 đ/kg vào ngày 13/11. Mức giá 30.000đ được xem là ngang với giá thành tức bán huề vốn sau một năm đầu tư tiền bạc và công sức.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cà phê lâu năm nhất ở Việt Nam nhận định là ngành cà phê đang rất khó khăn.
Chúng tôi đề nghị Nhà nước giúp đỡ tài chính, vay ngân hàng cách nào đó để trữ cà phê lại, kể cả doanh nghiệp kể cả nông dân.
-Ô. Đoàn Triệu Nhạn
“Ngành cà phê Việt Nam hiện nay đang đề nghị với chính phủ là trong điều kiện hiện tại quan tâm giúp cho ngành cà phê, cho những người nông dân cà phê Việt Nam bớt gánh nặng, có thể có điều kiện để giữ lại cà phê không bán. Chúng tôi có ‘bệnh’ lâu nay cứ đầu mùa vào vụ thu hoạch thì bán tới tấp lúc giá thấp sau khi giá lên cao thì không còn hàng nữa. Nhưng nông dân Việt Nam đã có kinh nghiệm rồi và họ trữ lại rất nhiều, hiện nay mua cà phê trong nước của Việt Nam khó vì nông dân giữ lại, đây là xu hướng mới. Chúng tôi đề nghị Nhà nước giúp đỡ tài chính, vay ngân hàng cách nào đó để trữ cà phê lại, kể cả doanh nghiệp kể cả nông dân.”
Tất nhiên giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tùy thuộc giá thế giới, liên hệ tới cung cầu, nhưng lại thường xuyên bị làm giá bởi các nhà đầu cơ quốc tế trên thị trường ảo gọi là thị trường hàng giấy, tức các sàn giao dịch cà phê Luân Đôn hay New York.
Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam nhận định về khả năng đỗ vỡ của các doanh nghiệp cà phê Việt Nam. Ông nói:
“Cà phê là ngành hoạt động đem lại lợi ích quốc gia cũng như uy tín của người nông dân rất là lớn, nó cũng là ngành có kim ngạch lớn trong các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngành hàng này thì đều gặp rủi ro, các doanh nghiệp hầu như mất hết sự phát triển của nhiều năm qua. Đối với tình hình như thế này nếu như không có biện pháp quản lý tốt cứ tiếp tục may rủi trong hoạt động kinh doanh như thế này thì sự tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam rất là khó. Nguyên chính cơ bản là các doanh nghiệp Việt Nam chưa xác định được biện pháp nào để chống rủi ro trong quá trình tham gia vào hoạt động kinh doanh mà lấy cái giá của sàn Luân Đôn làm cơ sở kinh doanh.”
Ngành hàng cà phê là lĩnh vực mở cửa sớm nhất ở Việt Nam, do vậy một số các đại gia cà phê nước ngoài đã sớm đầu tư vào công nghệ chế biến, cũng như tham gia xuất khẩu cà phê nhân robusta của Việt Nam. Khả năng các doanh nghiệp FDI sẽ thống lĩnh thị phần xuất khẩu cà phê Việt Nam được ông Đỗ Hà Nam phân tích:
“Cách đây một năm thì các công ty nước ngoài cũng đã gặp rủi ro rất cao do việc nhận định thị trường không đúng. Cho nên dẫn tới sự kiện nếu năm 2010-2011 các công ty nước ngoài chiếm lĩnh trên 60% thị phần mua cà phê từ Việt Nam thì đến 2011-2012 các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt 70%. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay thì nó lại có vẻ theo một xu hướng khác, do các rủi ro rồi tình hình liên quan đến thuế và nhiều mặt khác thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu không có đủ tài chính để mua hàng. Do vậy các công ty nước ngoài có thể sẽ lấy lại thị phần.”
Doanh nghiệp không được hoàn thuế
Trong nhiều tháng qua, ngành cà phê xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã không được hoàn thuế giá trị gia tăng 5% như trước kia. Nguyên do là có nhiều doanh nghiệp nhỏ mua đi bán lại nhiều lần trước khi hàng đến người mua sau cùng là nhà xuất khẩu. Những doanh nghiệp trung gian làm ăn phi pháp đã trốn thuế VAT, sử dụng hóa đơn khống gây ra bế tắc về hoàn thuế và ảnh hưởng lớn tới các nhà xuất khẩu. Mặc dù chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ, nhưng tình trạng chưa thực sự khai thông. Chuyên gia Đoàn Triệu Nhạn nhận định:
Nếu tiêu dùng trong nước thì giá trị gia tăng nhưng khi xuất khẩu thì được hoàn lại. Việc đó mất nhiều động tác, mất nhiều thời gian cho ngành thuế và doanh nghiệp.
-Ô. Đoàn Triệu Nhạn
“Thuế giá trị gia tăng chúng tôi đang đề nghị nhà nước bỏ thuế này là tốt nhất, tại vì nó cũng không có ý nghĩa lớn lắm mất công vòng đi vòng lại. Nếu tiêu dùng trong nước thì giá trị gia tăng nhưng khi xuất khẩu thì được hoàn lại. Việc đó mất nhiều động tác, mất nhiều thời gian cho ngành thuế và doanh nghiệp, đề nghị Nhà nước Quốc hội xem xét để bỏ thuế này.”
Báo chí phản ánh nỗi lo sợ của nông dân khi giá cà phê rớt xuống mức thấp nhất trong 42 tháng vừa qua. Cách nay 9 tháng giá cà phê nhân xô còn ở mức 45.000đ/kg , như vậy ở thời điểm ngày 13/11/2013 giá bán tại vườn đã giảm 15.000 đ/kg. Chính ở chỗ giá rớt liên tục không có điểm dừng mà nhiều người bi quan lo ngại tình trạng chặt bỏ cây cà phê có thể sẽ diễn ra như trong quá khứ.
Ông Nguyễn Vịnh nhà tư vấn cho nông dân cà phê Tây Nguyên cho biết ở nhiều nơi đã có hiện tượng chặt cây này trồng cây khác. Ông nói:
“Nông dân ồ ạt chặt cà phê, chặt cao su, chặt những cây khác để trồng cây tiêu là vì tỷ số lợi nhuận trên một héc-ta tiêu cao gấp 3-5 lần các loại nông sản khác cho nên buộc người ta phải làm.”
Cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000 thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng cung cầu cà phê tồi tệ nhất, giá cà phê robusta mất giá hơn một nửa. Việt Nam bị đổ lỗi là phát triển cây cà phê vối robusta quá nóng khiến thị trường thừa cung. Khi giá cà phê tây nguyên bán rẻ như cà pháo, nông dân đã chặt bỏ cây cà phê hoặc bỏ hoang không chăm sóc.
Hiện nay ngành cà phê qui hoạch lý thuyết duy trì 500.000 héc-ta cây cà phê nhưng thực tế trên toàn quốc có thể đã lên tới 600.000 héc-ta. Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam VICOFA dự báo niên vụ 2013-2014 khởi sự tháng 10 vừa qua, sản lượng cà phê toàn quốc sụt giảm 15% vì thời tiết và một số diện tích cho năng suất thấp. Tuy vậy nước ngoài lại dự báo Việt Nam được mùa đạt 1,65 triệu tấn so với 1,45 triệu tấn của vụ trước. Nếu được mùa mà mất giá thì không phải điều nông dân mong muốn.
No comments:
Post a Comment