Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, September 20, 2013

Tuyên bố 258 - Tôi nói về quyền của mình


Mẹ Nấm (Danlambao) - Khi ký tên vào Tuyên bố 258, tôi tin rằng tôi đã có hành động đúng để bảo vệ quyền con người của mình. Công khai xuất hiện với các thành viên khác trong Tuyên bố với tôi là để kể cho những người quan tâm biết về một sự thật khác về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta phải bảo vệ quyền của mình mà không cần phải đợi sự cho phép của bất kỳ ai...

*

Hơn hai tháng sau khi Tuyên bố 258 của Mạng lưới Blogger Việt Nam (gọi tắt là Tuyên bố 258) ra đời, đã có rất nhiều nỗ lực của tất cả các thành viên trong Mạng lưới với nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc để trao bản Tuyên bố cho các tổ chức nhân quyền quốc tế, các lãnh sự quán. Điều đáng mừng nhất đối với một thành viên tham gia ký tên là sự quan tâm và bày tỏ thái độ ủng hộ của những người xung quanh được chia sẻ rộng rãi trên chính trang Facebook của mình. 

Tôi đã nhận được những lời khích lệ, động viên và chia sẻ rất cảm động ngay sau hôm trao Tuyên bố 258 cho Phái đoàn EU vào hôm ngày 10/9 vừa qua. Một trong số những người bạn của tôi đã từng rất sợ hãi khi nghe thấy bàn luận chuyện chính trị - xã hội, các vấn đề liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam đã nhắn tin cho tôi: “Mình ủng hộ bạn và các bạn của bạn. Mọi người thật can đảm, và mình tin rằng quyền con người sẽ phải được cải thiện ở Việt Nam. Cám ơn các bạn đã làm cho mình bớt sợ hãi và quan tâm đến xã hội xung quanh nhiều hơn”. 

Còn gì mong đợi hơn ngoài những khích lệ tinh thần như thế? 

Bên cạnh đó ngay hôm rời Hà Nội về lại Nha Trang, tôi cũng được bạn bè gửi cho xem bản“Phản bác Tuyên bố 258”, được khởi xướng bởi một số bạn dưới tên gọi “Cộng đồng Blogger Việt Nam”. Vì đường link đầu tiên tôi được xem trên blog có tên Võ Khánh Linh không trích dẫn nguồn từ nơi khác nên tôi đã nghĩ đây chính là nơi khai sinh ra bản phản bác này.


Bởi blogger Võ Khánh Linh không công khai thông tin cá nhân, và tôi thì không có bất kỳ người quen nào có thể kiểm chứng bạn Linh là ai nên tôi đã đăng lời mời đối thoại với blogger này trên Facebook của mình. 

Khi bạn Linh xuất hiện, bạn ấy không công khai danh tính cũng như không thực hiện đề nghị gọi thử vào điện thoại của tôi để có thể biết giọng nhau trước khi đối thoại vì thực tế tôi vẫn thích đối thoại với người thực, việc thực hơn.

Hai điểm phản bác Tuyên bố 258 đầu tiên của bạn Võ Khánh Linh có nội dung như sau: 

(1) Các bạn có một nhóm rất nhỏ nhưng lại luôn dùng các cụm từ MLBVN, Cộng đồng Blogger trẻ... và dùng danh nghĩa này "đối thoại" với các ĐSQ, tổ chức quốc tế... một số bạn phe đỏ thậm chí còn nói, họ có thể kiện vì sự mạo danh này. 

(2) “Yêu nước vốn là bổn phận thiêng liêng của bất cứ người dân của một dân tộc nào. Vì yêu nước nên giả sử có một cách nhìn, một chính kiến, một chính sách khác đối lập với Nhà Nước cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên yêu nước kiểu Trần Ích Tắc yêu cầu ngoại bang can thiệp vào nước mình là một hành động không yêu nước chút nào, nếu không nói đó là hành động phản quốc.”

Tôi đã trả lời như sau:

Ý thứ nhất:

(1) Mạng lưới ở đây được hiểu là một dạng cấu trúc xã hội được gắn kết bởi các cá nhân độc lập thông qua những nút thắt như mối quan hệ thân thuộc, họ hàng, sở thích chung... 

Có gì sai khi chúng tôi dùng chữ mạng lưới để biểu đạt sự liên kết của những blogger yêu chuộng tự do và ủng hộ quyền tự do ngôn luận với nhau? Chữ network trong tiếng Anh chắc dễ hiểu hơn chữ mạng lưới chứ?

Khi bạn tham gia một Network, nó có những nguyên tắc và tuân thủ riêng, khi chúng tôi đưa ra Tuyên bố 258 chúng tôi xác định rất rõ ràng rằng, những ai đồng ý ký tên công khai, đều có thể tham gia và là một thành viên trong đó.

Chúng tôi không chìa súng hay kề dao ép buộc bất kỳ ai ký tên vào bản Tuyên bố 258, vậy có phải là sòng phẳng không? 

Ý thứ hai:

(2) Yêu nước vốn là bổn phận thiêng liêng <== Các bạn đã nói được như vậy thì cũng nên nghĩ rộng ra rằng: Có bổn phận yêu nước không có nghĩa là im lặng chấp nhận đúng, sai, tốt, xấu lẫn lộn.

Yêu nước không có nghĩa là im lặng chấp nhận việc bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận.

Việt Nam đã gia nhập Liên Hiệp Quốc, và đang trên đường xin gia nhập Hội đồng Nhân quyền liên hiệp quốc thì phải tuân thủ luật chơi chung của quốc tế, không thể áp dụng luật sân nhà khi đang ở trong môi trường quốc tế.

Tôi lấy ví dụ đơn giản thế này: Trong một trận đá bóng, nếu một pha bóng ở tình huống việt vị thì ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này, pha bóng đó cũng được xem là việt vị. Không có chuyện ở Việt Nam thì không như thế. 

Cuộc tranh luận chưa đến hồi ngã ngũ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do làm tôi cảm thấy không thực sự thoải mái là không biết mình đang nói chuyện với ai. Hơn nữa tranh luận với tôi không phải để phân biệt thắng thua, mà để cả hai bên tham gia đều có quyền nói lên quan điểm của mình một cách công khai và thẳng thắn.

Có vẻ như có nhiều bạn không hài lòng với cái tên “Mạng lưới Blogger Việt Nam” và cho rằng nó mạo danh (tiếm danh) của nhiều người khác.

Cá nhân tôi nghĩ sa đà vào chuyện công kích tên gọi của một nhóm người công khai như chúng tôi là việc làm mất thời gian của nhau. Bởi hầu hết trong các cuộc tiếp xúc với các cơ quan và đại diện nước ngoài, chúng tôi – những thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam – không nhân danh ai cả. Chúng tôi đến với nhau, ngồi lại với nhau và đi cùng nhau chỉ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình. 

Trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, khi không có những biện dẫn luật chặt chẽ về “lợi ích hợp pháp của nhà nước” hay “tổ chức”, “công dân” thì việc bắt giữ tùy tiện sẽ còn diễn ra tràn lan hơn nữa.

Có ai còn nhớ việc blogger Cô Gái Đồ Long đã từng bị bắt cũng với điều luật 258 khi cô dẫn link một bài báo liên quan đến một vị tướng công an không? 

Sau đó thì sao? 

Không có tòa án, không được bảo vệ quyền công dân theo đúng trình tự pháp luật, người ta lặng lẽ thả blogger này ra. 

Không cần nói đâu xa, cá nhân tôi cũng đã bị bắt khẩn cấp vì điều 258 năm 2009, lúc con gái tôi chưa đến 3 tuổi. Sau 10 ngày giam giữ, họ cũng thả tôi ra, không một ai giải thích cho tôi biết lợi ích nhà nước bị xâm phạm ở thời điểm ấy là gì. 

Vì phản đối dự án khai thác bauxite ư? Hay vì dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” in trên áo? Hay chỉ đơn giản vì công an nghi ngờ tôi tham gia đảng phái nào đó nên bắt vào hỏi cung cho xong?

Ai sẽ bảo vệ những người sử dụng mạng Internet để nói lên quan điểm của mình trước sự áp dẫn mù mờ về luật như điều 258?

Không có ai cả.

Chính chúng tôi, những người đã từng có ít nhiều kinh nghiệm, hoặc đã từng bị bắt giữ, bị sách nhiễu bởi sự mơ hồ trong câu chữ ấy phải lên tiếng với công luận để bảo vệ quyền tự do của chính mình. 

Tôi không đủ sức để đại diện cho ai, và tôi tin rằng không ai muốn mang trọng trách ấy trên vai mình.

Khi ký tên vào Tuyên bố 258, tôi tin rằng tôi đã có hành động đúng để bảo vệ quyền con người của mình. Công khai xuất hiện với các thành viên khác trong Tuyên bố với tôi là để kể cho những người quan tâm biết về một sự thật khác về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Đồng ý hay phản bác – đó là sự lựa chọn của những người quan tâm đến tự do ngôn luận và nhân quyền tại Việt Nam tùy thuộc vào vị trí và góc nhìn.

Bạn muốn mình có quyền được nói điều mình nghĩ một cách công khai thẳng thắn và tự do, hay muốn tư tưởng mình bị kiểm duyệt bởi những khái niệm viện dẫn luật pháp mơ hồ - đó là sự lựa chọn của bạn.

Riêng tôi, tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta phải bảo vệ quyền của mình mà không cần phải đợi sự cho phép của bất kỳ ai.


No comments:

Post a Comment