Mục lục nỗi đau dan tôi

Saturday, September 14, 2013

Nước ngầm ở Hà Nội ‘nhiễm thạch tín’


Cập nhật: 08:40 GMT - thứ năm, 12 tháng 9, 2013
Một dòng kênh bị ô nhiễm ở Hà Nội
Không chỉ nước ngầm mà nước mặt ở Hà Nội cũng bị ô nhiễm
Độc chất thạch tín (arsenic) đã thâm nhập vào tầng nước ngầm vốn được sử dụng làm nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam, hãng tin Pháp AFP dẫn một nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết.

Nguyên nhân của tình trạng này là việc khai thác nước ngầm quá mức.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn rất nhiều thời gian để xử lý vấn đề vì mọi việc đang diễn rất chậm, cũng theo các nhà khoa học.

Khai thác quá mức

Trong nghiên cứu được đăng tải trên Nature, tuần báo khoa học quốc tế, các nhà khoa học đã tiến hành hàng loạt các xét nghiệm xung quanh làng Vạn Phúc nằm sát sông Hồng cách Hà Nội khoảng 10 cây số.
Các nhà thủy học muốn tìm hiểu tại sao nồng độ thạch tín ở đây, vốn đo từ nước lấy từ các giếng nhà ở độ sâu khoảng 40 mét, tại sao lại cao như vậy.
Tại các hộ dân ở phía Tây làng, các giếng nhà có nồng độ thạch tín chưa đến 10 microgram (1 microgram tương đương một phần triệu gram) trong một lít nước – tức là thấp hơn nhiều so với ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
Nhưng ở phía Đông làng, nồng độ thạch tín cao hơn từ 10 đến 50 lần.
Theo các nhà khoa học thì ở làng Vạn Phúc có hai tầng ngậm nước: một tầng là đất có từ khoảng 5.000 năm trước có độ nhiễm thạch tín cao nằm đè lên một tầng an toàn vốn có độ tuổi lên đến 12.000 năm.
Khi nước ở tầng an toàn này bị khai thác quá mức để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tăng cao của người dân Hà Nội đã làm cho mực nước ở tầng này giảm đi nhanh chóng.
Hậu quả là, nước từ tầng nhiễm thạch tín và từ sông Hồng gần đó đã chảy vào tầng ít có thạch tín.
Sử dụng các biện pháp xác định niên đại, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trong vòng từ 40 đến 60 năm qua, nước từ tầng nhiễm thạch tín đã lan xa thêm 2.000 mét vào các khu vực khác.
Tuy nhiên, nước nhiễm thạch tín xâm nhập vào tầng nước an toàn diễn ra ở tốc độ chậm hơn từ 16 đến 20 lần.

‘Không lan nhanh’

Cho đến nay, nước nhiễm độc chỉ mới thâm nhập được khoảng 120 mét vào tầng nước không nhiễm độc.
“Nó không lan nhanh như chúng ta sợ,” ông Alexander van Geen, giáo sư hóa địa tại Đại học Columbia ở New York, nói với AFP.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nói rằng việc này không đặt ra nguy cơ về sức khỏe cho người dân Hà Nội bởi vì nước ngầm đã được xử lý trước khi đến các hộ gia đình. Trong khi đó, chính quyền thành phố có nhiều năm thậm chí nhiều chục năm để xử lý vấn đề.
Mối lo lớn hơn là những hộ dân sử dụng nước được lấy trực tiếp từ các giếng nhiễm độc.
Bà Phạm Thị Kim Trang từ Trung tâm Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững của Đại học Quốc gia Hà Nội đồng thời là một nhà khoa học tham gia vào công trình nghiên cứu này cho biết hiện đã có những chương trình đào giếng sâu hơn cho dân làng Vạn Phúc cũng như lắp đặt một cơ sở xử lý nước ở đây.
Tuy nhiên, ‘nếu người dân Hà Nội vẫn tiếp tục khai thác nước ngầm nhiều hơn nữa thì vấn đề thạch tín sẽ trở nên nghiêm trọng’, bà Trang cảnh báo trong một thông cáo báo chí.
Bà cũng lưu ý việc mở rộng vùng ngoại ô thành phố khiến cho nhiều người dân đào giếng và sử dụng nước chưa qua xử lý.
Theo nhóm nghiên cứu thì trong khoảng thời gian từ năm 2000 cho đến 2010, nhu cầu sử dụng nước ở Hà Nội đã gần như tăng gấp đôi từ khoảng nửa triệu cho đến gần 1 triệu mét khối nước mỗi ngày.
Thạch tín ở nồng độ cao có thể gây ra các chứng bệnh về tim mạch, gan, thận cũng như ung thư.

Thêm về tin này

No comments:

Post a Comment