Mục lục nỗi đau dan tôi

Wednesday, September 18, 2013

Những người bán hàng rong ở Sài Gòn


Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013-09-18
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Một loai xe đẩy để bán trái cây trên đường phố
Một loai xe đẩy để bán trái cây trên đường phố
RFA
Họ là những người tá túc và lấy thành phố làm một trú xứ trong những ngày rày đây mai đó kiếm cơm. Họ là những người nghèo giữa thành phố hơn 6 triệu dân, xe ngựa tấp nập nhưng riêng họ vẫn mang dáng điệu của kẻ bộ hành hom hem với linh hồn chứa đầy nỗi tủi khổ của kiếp người lầm than.
Họ đến thành phố với giấc mơ đổi đời nhưng Sài Gòn đất chật người đông đã dần đẩy họ về phía không nhà. Họ là những người bán hàng rong xa xứ với chiếc mẹt bên hông, chiếc giỏ cần xé trên xe đạp cọc cạch hoặc với chiếc xe ba gác đẩy ngược xuôi phố phường. Cuộc đời muôn màu và nỗi khổ của họ cũng muôn vẻ.


Thu nhập thấp, sợ bão giá
Nếu nói về bán các loại hàng rong như trái cây, gương, lược, ví, hộp quẹt, xăng thơm châm zipo, bấm móng tay, nhíp, ví thậm chí thuốc tăng cường sinh lý thì phải nhắc đến những người Quảng Ngãi, phần lớn họ đến từ huyện Mộ Đức của tỉnh này. Họ đi có hội có thuyền, tổ chức thành từng nhóm đồng hương theo xóm, thôn, làng, xã ở quê. Họ thuê nhà trọ giá rẻ, năm, sáu người ở chung vào một phòng và chia nhau phần gánh nặng tiền thuê nhà. Họ sống cơ cực, khốn khổ và luôn nỗ lực, cố gắng để cùng nhau vượt qua mọi cơn bĩ cực của cuộc đời.
Nếu nhắc đến người bán hủ tiếu gõ, có lẽ phải nhắc đến những đồng hương Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tiếng gõ lóc cóc quen thuộc, có khi đầm đìa mưa phố, có lúc nắng cháy lưng trưa, tiếng gõ lang thang từ hẻm này sang hẻm khác, từ ngày này sang tháng nọ, từ mùa xuân sang mùa đông, từ thế kỷ trước sang thế kỉ sau… Những tiếng gõ như một ấn chứng bằng thanh âm ghi dấu một kiếp người đã đến và đã sống giữa chốn thị thành xa hoa này bằng giấc mơ hè phố, giấc mơ cần lao. Và tiếng gõ trở nên quen thuộc đến mức khi nói về Sài Gòn, người ta không thể không nhắc đến âm thanh của hủ tiếu gõ.
Chị bán nước dừa trên đường phố. AFP
Chị bán nước dừa trên đường phố. AFP
Họ đi có hội có thuyền, tổ chức thành từng nhóm đồng hương theo xóm, thôn, làng, xã ở quê. Họ thuê nhà trọ giá rẻ, năm, sáu người ở chung vào một phòng và chia nhau phần gánh nặng tiền thuê nhà
Và nói cho cùng, Sài Gòn sẽ chẳng còn là Sài Gòn nếu như chỉ cần nửa giờ đồng hồ thiếu vắng những âm thanh quen thuộc của một thế giới rất gần gũi với người thị thành nhưng lại rất xa điệu sống xa hoa này. Và có lẽ, nỗi khổ của những người bán hàng rong cũng mang một chút gì đó rất đặc trưng ở chốn này.
Cô Lê Thị Lài, người Mộ Đức, Quảng Ngãi, đã có thâm niên bán gương lược và các thứ nữ trang trên đất Sài Thành gần hai mươi năm nay kể với chúng tôi rằng những người bạn đồng hương của cô phần lớn có hoàn cảnh rất khó khăn, không có đất đai để canh tác, hoặc đã bị tịch thu, gọi là giải tỏa đến bù với giá rẻ bèo, số tiền cầm trên tay không đủ mua gạo và thức ăn nửa năm, khi hết tiền, không còn đất canh tác, phải xuôi vào Nam để kiếm cơm rày đây mai đó bằng công việc bán hàng rong.
Cô cho biết thêm là trong thời gian gần đây, vật giá leo thang đến chóng mặt, mọi thứ chi tiêu trở nên khó khăn hết sức, nhưng phải thắt lưng buộc bụng mà trụ lại ở thành phố, cắn răng gánh tiền thuê nhà, gồng lưng mà đi bán tới 9h, 10h đêm với hy vọng kiếm thêm đồng nào mừng đồng đó, có chút dư gửi về quê cho con cái học hành. Trung bình, giá phòng trọ hạng bình dân ở các quận ven Sài Gòn có thấp gì cũng phải 700 ngàn đồng trên mỗi tháng, chưa kể điện, nước, và mọi chi phí sinh hoạt khác. Mà mức thu nhập của cô và các bạn cô đều có chừng rồi, từ 20 ngàn đồng đến 60 ngàn đồng thu được mỗi ngày, vị chi mỗi tháng thu được một triệu tám trăm ngàn đồng. Với khoản tiền này, có tiết kiệm kiểu gì cũng phải mất hết gần hai phần ba cho mọi chi phí.
Đã nghèo còn hay gặp công an
Cô Nguyễn Thị Hằng, 55 tuổi, người Bồng Sơn, Quảng Ngãi, kể với chúng tôi rằng khu nhà trọ của cô đang ở tại quận Gò Vấp đã bị xuống cấp rất nặng, những ngày trời mưa lớn phải che áo mưa lên trần mùng để ngủ cho khỏi bị nước rơi vào mặt. Nhưng cô và hơn hai mươi người đồng hương Quảng Ngãi, Quảng Nam vẫn luôn cầu nguyện chủ nhà trọ đừng sửa chữa, cứ để y như vậy cho thuê. Vì mọi người đều lo sợ sau khi sửa chữa, nhà trọ trở nên khang trang và mức giá phòng trọ cũng cao hơn, lúc đó mọi người phải vất vả vì khoản tiền thuê phòng.
Ở lần phạt thứ hai, Hoa mất hết vốn liếng, bỏ về quê. Bị người chồng say xỉn chì chiết, đánh đập, Hoa buồn quá, tự kết liễu cuộc đời bằng chai thuốc trừ sâu
Mùa mưa năm nào cũng là mùa buồn nhất của những người đi bán hàng rong trong thành phố. Trước đây, vật giá chưa leo thang thì nếu như trời mưa lớn quá, đường phố bị ngập, cô Hằng và những người bạn rủ nhau ở nhà mua nếp về nấu xôi ăn cho đỡ buồn. Còn bây giờ, đụng thứ gì cũng tốn tiền, không ai dám ngồi nhà, dù trời có mưa to cỡ nào, nước có ngập đến đâu cũng phải đội mưa mà đi bán kiếm tiền trang trải qua ngày, dành dụm gởi về quê. Với người bán hàng rong xa xứ, nỗi ám ảnh lớn nhất của họ là công an và trời mưa.
Người bán hàng rong ở Sài Gòn
Người bán hàng rong ở Sài Gòn. RFA
Nếu như trời mưa, người bán hàng rong bị ế ẩm, hủ tiếu hiếm người ăn, trái cây dễ bị hỏng, các thứ đồ nữ trang bán không chạy… Nhưng dẫu sao, biết giữ khéo léo, hàng hóa cũng có thể bảo toàn được ít nhiều, chứ còn gặp công an thì mọi chuyện trở nên khó mà lường được.
Cô Lê Thị Hải, bán trái cây dạo, quê ở Bồng Sơn, Quảng Ngãi, buồn bã kể với chúng tôi rằng cô vừa mất một người bạn đồng hương, cô vĩnh viễn không được gặp người bạn ấy nữa cũng chỉ vì công an. Trước đây, cô và người bạn tên Hoa vốn là công nhân hãng giày da trong khu công nghiệp Tân Bình, nhưng vì làm việc tăng ca liên tục mà mức lương quá thấp, lại bị công đoàn, giám đốc ép đủ thứ,  hai người nghỉ việc, rủ nhau mua xe ba gác đạp đi buôn trái cây.
ở Việt Nam thời bây giờ khổ quá, làm gì cũng khổ, đi làm công nhân thì bị ép đủ thứ, đi bán hàng rong, bán trái cây để kiếm vài đồng từ mồ hôi, nước mắt thì lại bị công an rượt đuổi chẳng kém gì người ta lùa súc vật vào lò mổ
Mới bán được ba ngày ở khu công viên Hoàng Văn Thụ thì Hoa bị công an bắt, tịch thu xe trái cây, phải xin xỏ đủ thứ suốt cả tuần mới được nộp phạt năm trăm ngàn đồng mà mang xe trái cây về. Đẩy xe về đến phòng trọ thì chỉ còn nước mang trái cây đi đổ, xem như mất trắng chuyến hàng đầu tiên gần ba triệu đồng cộng với năm trăm ngàn tiền nộp phạt. Hoa đi mua tiếp chuyến hàng khác, lại bị bắt, bị nộp phạt vì tính tình thật thà, chậm chạp, không biết vừa bán vừa chạy tránh công an theo cách của những người quen nghề. Ở lần phạt thứ hai, Hoa mất hết vốn liếng, bỏ về quê. Bị người chồng say xỉn chì chiết, đánh đập, Hoa buồn quá, tự kết liễu cuộc đời bằng chai thuốc trừ sâu.
Cuộc đời bôn ba của cô khép lại vĩnh viễn.
Kể đến đây, Hằng bật khóc, cô nói rằng nếu như có kiếp sau, cô nguyện làm bất kì con vật gì, miễn đừng làm người bán hàng rong. Mà nếu như trời vẫn bắt cô đi bán hàng rong thì xin ông hãy thương mà cho cô sang nước khác để bán, nước nào cũng được, miễn đừng có công an hung dữ là cô cám ơn. Chứ như ở Việt Nam thời bây giờ khổ quá, làm gì cũng khổ, đi làm công nhân thì bị ép đủ thứ, đi bán hàng rong, bán trái cây để kiếm vài đồng từ mồ hôi, nước mắt thì lại bị công an rượt đuổi chẳng kém gì người ta lùa súc vật vào lò mổ. Giá như họ dành thời gian rượt đuổi lao động nghèo như cô để mà truy bắt tội phạm thì có lẽ bây giờ, Sài Gòn ít bị cướp giật, ít có cảnh giết người cướp của rợn người.
Bão vật giá vẫn đang ngày càng leo thang, cuộc sống đầy bấp bênh và bất an của người lao động nghèo nói chung và người bán hàng rong nói riêng ở Sài Gòn đang đối diện với một cơn bão khác giữa tương lai mịt mùng.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment