Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, September 22, 2013

Nhất Dạ Lục Tử


Tác giả TS. Nguyễn Vĩnh-Tráng trong bài “Nhất Dạ Lục Tử” nói rõ [a] lập trường của mình là “phê bình lịch sử” khách quan, đối chiếu; [b] qua cách dẫn giải một số sự kiện đã xẩy ra trong quá khứ và trên thế giới; [c] với kết luận: “Vậy không nên mỉa mai người xưa, nhất là những người đã lo cho dân, cho nước, với những chuyện bịa đặt dung tục”.  [d] Do đó Tác giả không hề có ý định dùng bài viết này để “bênh vực” cho chế độ đa thê hay “xem thường và xúc phạm giới phụ nữ”. [LTS. Việt Thức]


Sau gần 70 năm, trải qua đã bốn thế hệ, nền Quân Chủ ở Việt Nam đã cáo chung và đã được thay thế bằng những chế độ Cọng (Cộng) Hòa (1945 ở Hànội, 1955 ở Sàigòn). Hiện nay, hầu hết người Việt đều mong ước một nền Tự Do, Dân Chủ toàn diện, để theo trào lưu văn minh chung của thế giới. Nền Quân Chủ xưa của nước ta, tuy đã có những điều không hay, không hợp thời nữa, nhưng nền Quân Chủ đó đã đem lại cho chúng ta một Quốc Gia Tự Chủ, đã mở mang bờ cỏi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu trù phú. Phê bình Lịch Sử, phải có con mắt lịch sử. Thế mà chúng ta vẫn còn nghe, thấy, trên báo, đài, những danh từ, những chuyện mỉa mai, như đã dùng hai chữ «Phong Kiến» đốn mạt của Tàu, mà cả thế giới hiện nay đều cho là có hàm ý xấu xa, nguyền rủa,(1) để nói đến nền Quân Chủ xưa của nước ta, hay những mẩu chuyện bịa đặt để chế giễu vua, chúa, như «nhất dạ ngũ giao, năng sinh lục tử»…
Để cố gắng dự bàn về câu chuyện «nhất dạ… lục tử », tôi xin chia bài nầy theo các mục sau :
- Chế độ Đa Thê.
- Thống kê về «ái ân» giữa vợ chồng của một số quốc gia trên thế giới.
- Phi, tử của Thánh-Tổ nhà Nguyễn.
- Kết luận.
I. Chế độ Đa Thê
Phải nói ngay, ở đây tôi không có tham vọng so sánh cái «hay, dở», «chính đáng» hay «tùy tiện» giữa chế độ Đa Thê và chế độ «Một vợ, một chồng». Đã có những nhà Nhân Khẩu Học chuyên nghiệp, nghiên cứu, phân tích chuyện nầy. Ở đây tôi chỉ lược kê sự hình thành của chế độ Đa Thê, để rồi chế độ đó trở thành một phong tục, tập quán, được luật phảp bảo vệ, cho những người giàu có, quyền quý, vua chúa, nhất là tại Á Châu xưa.
Đại đa số các quốc gia, bây giờ, đều lấy chế độ «Một vợ, một chồng», dựa trên sự tôn trọng phẩm cách bình đẳng của hai giới Nam, Nữ và mối quan tâm hoàn thiện sự giáo dục con cái, làm nền tảng cho Luật Gia Đình,(2) vì vậy mà nhiều người đã lầm tưởng chế độ Đa Thê là quyền lợi, là sự ích kỷ, sự thống trị, sự áp chế của phái Nam đối với phái Nữ. Nhưng sự thật không hẳn là thế. Chế độ Đa Thê đã có từ thời thái cổ và vẫn tồn tại đến ngày nay, hợp pháp ở một vài nước hay lén lút trong một số quốc gia khác. Theo các nhà nghiên cứu về chế độ Đa Thê(3) thì từ xưa, tuy số lượng sinh ra con trai lớn hơn số lượng sinh ra con gái, nhưng vì số tử vong trong nam giới của trẻ thơ khá cao, vì tai nạn lao động (đàn ông chuyên về săn thú, đàn bà chuyên về hái lượm), vì giành giựt của cải, đất đai sinh tồn, vì chiến tranh (rất nhiều tác giả khẳng định là từ khi có lịch sử loài người, chưa có một ngày nào mà không có chiến tranh,(4) vì số tuổi có thể kết hôn của phái nữ, sớm hơn số tuổi của phái nam…, mà số người con trai đến tuổi kết hôn, nhỏ hơn rất nhiều đối với số người con gái trong lứa tuổi có thể thành lập gia đình. Ngay cho trong những trường hợp mà tổng số người phái nam lớn hơn tổng số người phái nữ, nhưng trong khoảng lứa tuổi có thể lập gia đình, số người phái nữ vẫn lớn hơn số người phái nam. (Xem một ví dụ rất thuyết phục, do Liên Hiệp Quốc cho năm 1964, tại Đại Hàn (Nam Cao Ly).(5)
Cũng vì thế mà số phụ nữ, trong lứa tuổi có thể lập gia đình, sống độc thân khá lớn và theo nhiều tác giả (6), chế độ Đa Thê là một phúc lợi cho phái nữ. Chế độ đó đã cho phép những người con gái trong số thặng dư của phái nữ, có một gia đình, hưởng được tình yêu giữa vợ chồng, hưởng được ái ân, có con cái, hưởng được tình mẫu tử.
Chế độ Đa Thê, theo đúng nghĩa của nó, là phải có sự cầu hôn, phải có hôn nhân chính thức, và như thế, chế độ Đa Thê đã đem lại Quyền Lợi cho phụ nữ trong số thặng dư trình trên và đã tạo thêm Nghĩa Vụ cho người đàn ông trong chế độ đó. Thật thế, người đàn ông trong chế độ Đa Thê, buộc phải có trách nhiệm về tinh thần lẫn vật chất đối với các thê, thiếp của mình và đối với con cái do các bà sinh ra. Chế độ Đa Thê đã đem lại một tổ ấm cho những người phụ nữ trên, cùng giảm bớt chuyện đau lòng của những người con không biết cha mình là ai.
Như đã trình trên, chế độ Đa Thê, theo một số tác giả, ít nhất là lúc xưa, là một hành động vị tha hơn là một hành động vị kỷ, như nhiều người lầm tưởng. Có thể nói, lúc xưa, chế độ Đa Thê, là một hành động vị tha đạo đức, và tất nhiên đòi hỏi ở người đàn ông phải có một tài sản tối thiểu, để chẳng những phải trang trải những chi phí về hôn nhân mà còn phải gánh lấy những nhu cầu cần thiết của các thê, thiếp cùng con cái đông đúc của họ.
Ngoài động cơ nguyên thủy trên, còn có những lý do kinh tế, lý do bảo vệ sức mạnh của gia đình. Gia đình có nhiều người thì có nhiều nhân lực, có nhiều con cái trong các lứa tuổi cường tráng. Đã giàu, đã mạnh, đã vị tha đạo đức, thì những người đàn ông có nhiều thê thiếp rất dễ có một chỗ đứng khả quan trong làng, trong xóm, và làng xóm xem họ như đã đuợc ơn lành Trời ban.
Từ đó, những người có quyền, có thế trong xã hội, nhất là người Á Châu, xem chế độ Đa Thê là một vinh dự, một ân huệ Trời ban, và cưới thêm thê, lập thêm thiếp cho xứng đáng với địa vị xã hội của mình. Người càng có địa vị cao trong xã hội, thì càng có nhiều thê thiếp và như thế, các vua, chúa, không những ở Việt-Nam, mà ở các nước khác như Trung-Hoa, Nhật-Bản, Cao-Ly…, nếu chỉ muốn nói về các nước ở Á Châu, cũng không ngoài cái lệ đó. Rồi cái lệ đó, lâu ngày đã trở thành một truyền thống, một phong tục, nhất là tại Á Châu.
Theo quan niệm đó, có đông con là biểu hiệu ơn lành Trời ban, nếu vua có đông con là vua được ơn lành Trời Đất, mà vua được ơn lành thì xem như thần dân được ân huệ của Trời Đất.
Ở nước ta, từ lúc tự chủ, trải qua các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, các chúa Trịnh, chúa Nguyễn, các triều Tây Sơn, triều Nguyễn, cho đến lúc nền Quân Chủ được thay thế bởi các nền Cọng (Cộng) Hòa (1945 ở Hànội, 1955 ở Sàigòn), đều như thế cả, và Thánh-Tổ nhà Nguyễn cũng theo phong tục cổ truyền đó.
Nhiều vợ, đông con thì phải có quy củ, trật tự trong gia đình. Chuyện nầy đã ghi rõ trong pháp luật, rất nghiêm minh, của các triều đại, để bảo đảm quyền lợi của các thê, thiếp.
II. Thông kê về «ái ân» giũa vợ chồng của một số nước trên thế giới
Theo tài liệu của Le sexe dans le monde (www.bleublancturc.com/news/sex), cho ngày 27/11/2001, thì dẫn đầu là người đàn ông Hy-Lạp với 117 lần « ái ân » trong một năm, đến Croatia với 116, Nam-Phi 116, rồi đến Mỹ (không cho số)… Cuối sổ có 5 nước Á Châu là Ấn-Độ với 76, Hoa-Lục 72, Đài-Loan 65, Hồng-Kông 63, và Nhật đội sổ với số 36. Pháp «yếu» hơn Y với 110 so với 111, nhưng hơn Anh 107, Đức 105 và Tây-Ban-Nha 98.
Một thống kê khác của Planetoscope, năm 2010 cho Mỹ 132, Nga 122, Pháp 121, Hy-Lạp 115, Ba-Tây (Bresilia) 113. Tôi không có tài liệu thống kê cho Việt-Nam. Thôi, tuy không chính xác cho mấy, tôi lấy trung bình của 5 nước Á Châu trên, và có 62,4 lần «ái ân» trong một năm ([76+72+65+63+36]/5=62,4), hay 1,2 trong một tuần (62,4/52=1,2). (tôi lấy 52 tuần trong 1 năm, cho gọn, vì trong 10 năm có trên 521 tuần).
Theo nghiên cứu của Babyfrance-Babypedia, năm 2012 thì, nếu chỉ «ái ân» một lần trong một tuần, tỷ lệ có cơ may thụ thai là gần 14%, nhưng tỷ lệ đó sẽ gấp đôi, nghĩa là khoảng 28%, nếu cứ cách 2 hay 3 ngày thì có «ái ân».
III. Phi, tử của Thánh-Tổ nhà Nguyễn
Cũng vì chuyện «nhất dạ… lục tử» ám chỉ đến Thánh-Tổ nhà Nguyễn, nên tôi phải đưa trường hợp của Thánh-Tổ ra.
Thật tình, tôi không biết số phi, tử của các vị Hoàng-Đế các triều trước (Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê…) là bao nhiêu, nhưng với những tài liệu tôi có, như Đại Nam Liệt Truyện, NXB Thuận-Hóa, Huế, 1993 ; Les Tombeaux des Nguyên, của Richard Orband, BEFEO, 1914 và Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, NXB Thuận-Hóa, Huế, 1995 ; Đại Nam Thực Lục Chính Biên, NXB Giáo Dục, Hànội, do Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch và Đào Duy Anh hiệu đính (không biết năm), thì Thánh-Tổ nhà Nguyễn có 43 phi, thiếp, được biết tên vì đã có con với Thánh-Tổ, cùng một số Bà khác không có con, nên không rõ tên. Thôi cho đi có khoảng 50 Bà, và Thánh-Tổ có 142 người con, kể cả tảo thương, 78 người con trai và 64 người con gái.
50 bà vợ với 142 người con, đối với bây giờ, là một số rất lớn, có thể làm cho một số người choáng váng. Nhưng nói đến Lịch Sử, thì phải so sánh với các tài liệu lịch sử khác. Theo Chine ou Description historique, géographique et littéraire de ce vaste empire, d’après les documents chinois, của M.G. Pauthier, NXB Firmin Didot Frères, Paris 1839, trang 286, thì Kinh Lễ cho phép hoàng-đế có 3 hoàng-phi thuộc về nhất phẩm, 9 phi thuộc hàng nhị phẩm, 27 thuộc tam phẩm, 81 thuộc tứ phẩm, cùng vô sô cung nhân (người giúp việc trong cung) hầu hạ… Nói đến những bà có phẩm trật cũng đã đến 120 bà rồi… Tài liệu của Chine-Informations, ngày 07/02/2006, thì «Đã từ lâu, địa vị xã hội của một người đàn ông, được xác định bởi số người vợ của ông ta. Lịch sử gán cho Đường Cao Tông (628-683) có 3 000 phi thiếp, và Tấn Võ Đế (236-290) có đến 10 000 người…». Vậy, nhìn lại lịch sử, thì 50 Bà của Thánh-Tổ, chỉ vỏn vẹn được 1,7 phần trăm đối với số bà của Đường Cao Tông và chỉ là 5 phần ngàn đối với số bà của Tấn Võ Đế…
Hiện nay, trên Internet, trên báo chí, truyền hình, thỉnh thoảng có cho tin những người nhiều vợ, đông con, như chuyện ông Ziona Chana, người Ấn-Độ, đang sống hạnh phúc với 39 người vợ, 94 người con và 33 người cháu (theo bebe.doctissimo.fr)…
Theo những tài liệu trên, Thánh-Tổ nhà Nguyễn, trên nguyên tắc, có thể có một số người con đông hơn rất nhiều. Chúng ta thử tính xem.
Thánh-Tổ có con đầu lòng lúc 16 tuổi (Thánh-Tổ sinh năm 1791, Hiến-Tổ sinh năm 1807) và băng năm 1841, nghĩa là Thánh-Tổ có thể « ái ân » với các Bà trong vòng 34 năm. Cứ cho đi như đã trình trên, với nhịp độ 1,2 lần mỗi tuần, nhịp độ trung bình của một người đàn ông Á Đông bình thường, thì trong 34 năm sẽ có 34 x 52 x 1,2 = 2 121,6 lần «ái ân».
Với tỷ lệ cơ may thụ thai trung bình, trong trường hợp có trên 1 lần «ái ân» trong 1 tuần là 28%. Vậy 2 121,6 x 0,28 = 594,05 người con. Cho đi chỉ có 1 lần «ái ân» trong 1 tuần, thì cũng đến 594 / 2 = 297 người con, mà không cần đến những «thang Minh Mạng»! Nên nhớ, Thánh-Tổ có 142 người con. Số người con chưa đến một nửa (148,5) của số người con trung bình của một người đàn ông Á Đông, bình thường, không cần đến những «thang Minh Mạng»! Vậy phô trương những «thang Minh Mạng», như chúng ta thấy trên các mạng, trên báo chí, truyền hình để làm gì!
Nếu muốn đi xa thêm một bước nữa, và như đã trình trên, vua chúa nên có đông con để tỏ cho thần dân biết là Hoàng Thiên, Hậu Thổ chiếu cố đến đất nước, nên các bà vào hầu vua đã được thái y chọn lựa kỹ càng, chọn các bà có nhiều cơ may được thụ thai. Phần nhiều các bà được tuyển chọn có tỷ lệ cơ may gần 50%. Trong trường hợp của Thánh-Tổ, và lấy giả thuyết là tỷ lệ cơ may thụ thai của các Bà là 50%, thì số « ái ân » của Thánh-Tổ cùng các Bà trong 34 năm chỉ là 142 x 2= 284 lần, và như thế, trong một tuần, số « ái ân » của Thánh-Tổ chỉ là 0,16 lần, hay 1 lần trong 43,75 ngày, hay khoảng một tháng rưởi mới có một lần ! Hay cứ lấy tỷ lệ cơ may thụ thai của các Bà là 28% như trên, thì số « ái ân » sẽ là 507,14 lần, trong 34 năm, và trong một tuần, số « ái ân » sẽ là 0,29 lần, hay chỉ 1 lần trong 24 ngày.
IV. Kết luận
Theo các sử gia nghiêm túc, liêm chính, thì Thánh-Tổ không phải là một hôn quân. Thánh-Tổ là một ông vua đã thức khuya, dậy sớm để xem xét, duyệt trình, phê chuẩn các công văn, một ông vua hết mình lo cho dân, cho nước. Lãnh thổ nước ta, dưới triều Minh-Mạng, đã có một diện tích rộng lớn hơn bao giờ hết. Thánh-Tổ đã cho làm những công trình to lớn, như xây cất thành trì, đường sá, sông đào…, mà hiện giờ, chúng ta vẫn còn dùng đến ; đã làm những cải cách sâu rộng về nông nghiệp, công nghệ, giáo dục, văn hóa…
Một điểm đen dưới triều Minh-Mạng là việc cấm đạo Công Giáo (KiTô giáo LaMã) và bách hại một số giáo dân. Đây là một chuyện đau lòng. Nhưng không phải một mình Thánh-Tổ nhà Nguyễn đã «cấm đạo». Các vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn và ngay cả các nước như Trung-Hoa, Nhật-Bản, Cao-Ly… xưa, đều « cấm đạo ». Tôi không muốn bàn về chuyện nầy ở đây, vì không phải là đề tài của bài viết. Vả chăng đã có các sử gia nghiêm minh, liêm chính, ở Việt-Nam cũng như ở các nước Á Đông đã nghiên cứu, phân tích hiện tượng nầy rồi…
Ở đây, tôi muốn nói một chi tiết nhỏ mà chính bản thân tôi đã chứng kiến. Chuyện là từ xưa và ngay cả ngày nay, trong gia đình người Việt mình, dù theo đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão hay một đạo Thần, đạo Thánh nào khác, bao giờ cũng có bàn thờ Ông Bà, Cha Mẹ đã quá cố. Bàn thờ đó tượng trưng cho sự cung kính, nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của con cháu đối với Ông Bà, Cha Mẹ, chứ ít khi thấy bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh tại gia. Thánh, Thần, thì thờ ở các đền, ở các điện, Phật thì thờ ở các chùa… Bàn thờ Ông Bà, Cha Mẹ mà con cháu dựng lên tại nhà không có nghĩa là con cháu xem Ông Bà, Cha Mẹ mình là Thần Thánh mà phải tôn thờ. Bằng chứng là khi Ông Bà, Cha Mẹ qua đời, con cháu thường đi đến các đền, các điện, các chùa để xin « cầu siêu » cho các Vị. Nếu con cháu đã xem Ông Bà, Cha Mẹ là Thần Thánh, khi đã quá cố, thì các Vị đã « siêu thăng » rồi, còn cần gì phải đi xin «cầu siêu» cho các Vị nữa. Đó là một truyền thống rất đặc biệt của người Á Đông mình.
Thờ Thánh, thờ Thần, thờ Phật, thờ Trời, để tôn kính và thường là để cầu xin ân huệ, cầu xin sự hộ trì của Phật, Thánh, Trời, Đất, vì con người quá nhỏ bé, quá mỏng manh trước Thiên Nhiên, Vũ Trụ. Đó là tâm lý thường tình của loài người. Chuyện « Thờ » nầy khác hẳn chuyện « Thờ » Ông Bà, Cha Mẹ đã quá cố. Nhưng các giáo sĩ tây phương, nhất là các giáo sĩ người Pháp tại Việt-Nam, với phong tục riêng của nước họ, họ đã lầm lẫn hai chuyện «Thờ Phụng» nói trên, và cho chuyện « thờ » Ông Bà là đồng nghĩa với chuyện «thờ» Trời, «thờ» Thánh, «thờ» Thần vậy. Theo tôn chỉ của đạo Thiên Chúa, giáo dân chỉ thờ Tạo-Hóa hay Thiên Chúa mà thôi, ngoài ra không được thờ ai cả. Các giáo sĩ tây phương, nhất là các giáo sĩ người Pháp, cấm giáo dân đặt bàn thờ Ông Bà trong nhà, vì họ cho đó là thờ Ma Qủy, thờ Thần Thánh. Họ câu nệ, không muốn tìm hiểu phong tục, tập quán của người Việt xưa, như các linh mục người Việt ngày nay. Cũng vì vậy, lúc mà chưa có nhiều linh mục người Việt, giáo dân bị các giáo sĩ người Pháp cấm đoán một số phong tục cổ truyền, không phương hại đến giáo lý của đạo, như linh cữu của người quá cố phải sơn màu đen, bàn đám phủ vải đen, không được cắm hương cổ truyền (hương có chân được cắm trong lư hương) trước linh cữu của người quá cố, vân vân…
Tôi đã chứng kiến, vào những năm 1955 hay 1956 gì đó, dưới nền đệ Nhất Cọng Hòa Miền Nam, nghĩa là mình đã hoàn toàn độc lập với Pháp, một đám tang của Thân Phụ của một vị Thầy của chúng tôi. Gia đình Thầy là người Công Giáo. Trên linh cữu của Cụ, Thầy có thắp 3 cây hương. Chuyện nầy đã làm chấn động cả thành phố Huế, vì trước đó, nếu tôi không lầm, chưa bao giờ thấy một người Công Giáo thắp các nén hương cổ truyền truớc linh cữu của một người Công Giáo. Lúc đó, người Huế, chẳng những cho Thầy là một người con hiếu thảo, mà còn cho Thầy là một người đề cao phong hóa của nước nhà.
Một chuyện thứ hai, tôi không chứng kiến, nhưng khi về thăm gia đình tại Việt-Nam, năm 1984, sau 22 năm xa cách quê nhà. Tôi tình cờ gặp được người cháu ngoại của Cụ Ưng-Trình. Anh ta cho tôi biết, đám tang của Cụ do Linh-Mục Bữu-Dưỡng, trưởng nam của Cụ chủ trì. Cha Bữu-Dưỡng, tuy là một linh mục, đã mũ rơm, áo chế, chống gậy để đưa linh cữu Cụ, như một đám tang mà ta thường thấy ở Huế. Theo anh ta, chuyện nầy đã làm, chẳng những chấn động cả thành phố Huế mà còn vang tiếng đến tận Sàigòn !
Hiện giờ, giáo dân được các linh mục người Việt chăn dắt, nên tôi thấy một số nhà thờ ở Sàigòn có lư trầm, lư hương. Vừa rồi, tôi có đi thăm gia đình của một anh bạn học cùng lớp lức trước, người Công Giáo, nay đã quá cố. Tôi thấy gia đình có đặt một bàn thờ nhỏ, trên đó có một cây Thánh Giá trước di ảnh của anh, có một lư hương, có hai cây nến, có một bình hoa, và một dĩa trái cây, như những bàn thờ ở Việt-Nam xưa, để tưởng nhớ anh.
Nếu lúc trước, giáo dân được dẫn dắt bởi các linh mục Việt-Nam như bây giờ, thì không chắc là không có sự «cấm đạo», nhưng những sự đau lòng về bách hại giáo dân người Việt, dưới triều Minh Mạng, có lẽ được tránh đi một phần nào.
Tôi đưa chuyện nầy ra đây, không có một chút mảy may nào là có ý chỉ trích đạo Công Giáo, một tôn giáo mà tôi kính phục với «Hảy thương người, như chính mình vậy»… Tôi có một người bà con bên ngoại, tôi kêu ông ta bằng Cậu. Cậu là một tu sĩ Phật Giáo có tiếng trên đất Pháp và có lẽ cũng có tiếng tại Việt-Nam. Thầy hiện nay đã mất. Lúc trước, khi nào Thầy đến Nice, thăm bà con, phật tử, thì phần nhiều, Thầy nghỉ đêm tại nhà của chúng tôi. Trong một buổi hàn huyên, tôi có nói đến các nữ tu, các giáo sĩ Công Giáo đã đem «Tình Thương», hy sinh bản thân mình, để xóa dụi nỗi khổ đau của một số người bất hạnh đó đây, thì Thầy nói «họ là những vị Phật sống đó…».
Vậy Thánh-Tổ nhà Nguyễn, theo các sử gia nghiêm minh, liêm chính, không phải là một hôn quân, bạo chúa, mà là một vị vua chăm lo cho dân, cho nước. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển XXXI, Minh-Mạng thứ 6, tháng Giệng, nói về chuyện Đại Hạn ; quyển XXXIV, Minh-Mang thứ 6, tháng 7, nói về Sao Chổi, tuy là chuyện dị đoan, vì người xưa chưa hiểu rõ Vật Lý Thiên Văn, nhưng Thánh-Tổ cho là Trời răn Đất Nước, mà trách nhiệm là vua, nên đã bớt đồ ăn, bỏ âm nhạc trong cung, trả lại 100 cung nhân (người giúp việc trong cung) cho gia đình họ, cùng hỏi đình thần về đạo sửa mình để Thánh-Tô làm theo, hầu bớt tai họa cho Đất Nước. Chuyện nầy, chính Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, trong một bài viết về «Sao Chổi», cũng cho Thánh-Tổ là một ông vua có đức độ ; hay quyển XXXIII, Minh-Mang thứ 6, tháng 5 ; quyển QLIII, Minh-Mạng thứ 9, tháng 7, nói về chuyện đau ốm của Thánh-Tổ, nhưng muốn lâm triều…, thì Thánh-Tổ không phải là người háo sắc, thì cớ sao lại bịa đặt những chuyện dung tục để gán cho Thánh-Tổ. Có người lại cho những «thang Minh Mạng» là «dâm dược» ! «Dâm» ở đây có nghĩa là gì ? Nếu «dâm» là một cảm giác thích thú trong chuyện «ái ân» với vợ mình, thì con người nên «dâm» lắm, nếu không, làm sao có nhân loại ngày nay ! Chỉ sợ, có người muốn «dâm» như thế, mà không được thôi.
Ở trên, tôi lấy một giả thuyết, dựa trên các con số của các cơ quan thống kê cho, là Thánh-Tổ, trong khoảng một tháng rưởi, mới có 1 lần «ái ân», trong trường hợp, tỷ lệ cơ may thụ thai trung bình của các Bà là 50% ; hay trong 24 ngày mới có 1 lần «ái ân», trong trường hợp, tỷ lệ cơ may trung bình thụ thai của các Bà là 28%. Xin nhắc lại một lần nữa, đây cũng chỉ là một giả thuyết. Sự thật, thì chắc không ai biết cả, nhưng nói «nhất dạ ngũ giao…», là một chuyện bịa đặt. Những thanh niên sung sức, chỉ ăn với ngủ, đã làm được như thế chăng, huống hồ một người có trách nhiệm của một quốc gia, thức khuya, dậy sớm ! Còn «nhất dạ ngũ giao, năng sanh lục tử», có nghĩa là có Bà sinh ra con sinh đôi, sinh ba chắc? Tôi có tra lại, chưa thấy Bà nào của Thánh-Tổ sinh ra con sinh đôi, sinh ba cả. Có những hoàng tử, công chúa, sinh cùng năm, nhưng không cùng mẹ. Thánh-Tổ có nhiều con, vì có nhiều vợ, theo phong tục cổ truyền, thế thôi.
Những «thang Minh-Mạng» chẳng qua là những thang thuốc bổ dành cho nhà vua. Hiện giờ, hầu như các nước trên thế giới, đều có những bệnh viện đặc biệt, và những bác sĩ riêng, dành cho những người có trách nhiệm quốc gia, như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng… Pháp có bệnh viện Val-de-Grâce, ở Paris, dành có các nhà hữu trách cao cấp, tuy nhiên bệnh viện cũng nhận 60% người dân thường, phần nhiều là người ở Ile-de-France; Anh có những bệnh viện như King Edward VII’s Hospital, hay St Mary’s Hospital…, ở London; Mỹ có Bethesda Naval Hospital, hay Malcolm Grow Hospital…, ở Washington DC. Những bệnh viện đó vừa chữa trị cho các nhà hữu trách cao cấp, vừa chữa trị cho dân chúng trong vùng. Ở các nước tự cho là dân chủ tuyệt đối, con người không bóc lột con người, cũng có những bác sĩ riêng, những bệnh viện riêng dành cho lãnh đạo, huống hồ là chế độ Quân Chủ xưa của ta. Vậy không nên mỉa mai người xưa, nhất là những người đã lo cho dân, cho nước, với những chuyện bịa đặt dung tục.
Vài hàng thô thiển với câu chuyện «nhất dạ… lục tử».
TS. Nguyễn Vĩnh-Tráng
Tiết Trung Thu năm con Rắn. 
209 092 013 nvt*ttl*
Chú thích 
(1)  Chỉ việc gõ mấy chữ «connotation péjorative de la féodalité» trên mạng Internet, thì gặp rất nhiều bài nói đến chuyên nầy, ngay cả tự/từ điển.
(2)  Cũng như trên, gõ chữ «monogamie».
(3)  Cũng như trên, gõ chữ «polygamie», thì gặp hàng chục bài, kể không hết.
(4)  Xem La Fondation de Sibtayn, trên mạng.
(5) Xem La Fondation de Sibtayn, phần «Le Rapport de la Population des Nations Unies pour l’année 1964».
(6) Cũng như ở (3), gõ chữ «polygamie», hay xem La Fondation de Sibtayn.

No comments:

Post a Comment