Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, September 22, 2013

Kinh hoàng phát ngôn bá đạo của những tờ báo có tên Nhân Dân


Người Buôn Gió - Dường như cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng của các tờ báo này đã vào chỗ bế tắc, khủng hoảng bởi thực tiễn không minh họa được cho lời lẽ của họ.

Tờ báo QĐND đưa ra bài viết có nhan đề Ba lần Bác cười trước lúc đi xaBài viết miêu tả chi tiết và sống động chủ tịch HCM kinh yêu trước lúc từ trần theo lời kể của y tá Trung Quốc Vương Tinh Minh có đoạn.

Chiều hôm đó sức khỏe của Bác đã có chuyển biến tốt lên một chút, Bác nói muốn nghe một câu hát Trung Quốc. Các đồng chí đề nghị tôi hát. Tôi nói thật là hát cũng không tốt lắm, nhưng để vui lòng Bác, vì tình hữu nghị Trung-Việt, tôi đã hát một bài hát mà nhiều người thuộc và hát được, bài hát có nội dung chính là ra khơi xa phải vững tay chèo. Bác nghe xong rất vui, Bác nở nụ cười hiền từ. Bác nắm nhẹ tay tôi, tặng tôi một bông hoa biểu thị cảm ơn. Đó là lần thứ ba tôi thấy Bác cười. Và đó cũng là nụ cười cuối cùng của Người.

Nếu đây là sự thật, thì sự thật này khiến nhiều người dân Việt phải ngỡ ngàng, hoang mang. Có lẽ nào nhạc sĩ Trần Hoàn là một tên nói phét, hoặc là một kẻ lợi dụng mong muốn nghe hát của Bác để xuyên tạc sai lệch, nhằm kích động chiến tranh. Bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn có tênLời bác dặn trước lúc đi xa.

Bài hát như một câu chuyện kể rất cảm động, rằng trước lúc đi HCM muốn nghe câu hò Huế, bởi vì nước non chia cắt, Huế ở miền Nam. Rồi bác nhớ làng Sen quê mình, rồi bác nghe quan họ "người ở ngưởi ở đừng về "... rồi bác nghe câu hát dặm.

Bài hát của Trần Hoàn đã khắc sâu trong tâm trí của bao người Việt về một hình ảnh lãnh tụ HCM thân thương tha thiết với dân tộc, đất nước. Đến lúc cuối đời còn chỉ còn muốn nghe những làn điệu đầy bản sắc quê hương như hò, ví dặm, quan họ.

Thế nhưng báo QĐND dựa vào lời kể của một y tá Trung Quốc đã đưa lên thành một bài viết đi ngược 180 độ với những gì mà Trần Hoàn đã khắc sâu trong tâm trí nhân dân Việt Nam về hình ảnh của Người.

Bài viết của báo QĐND đã nói rằng, bác chỉ muốn nghe câu hát Trung Quốc thôi. Không hề có một dòng nào của bài báo nói về những giây phút cuối đời HCM nhắc nhở gì đến nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam cả. Chỉ có những hành động tình cảm với phía Trung Quốc như khi nghe giới thiệu y tá TQ, chủ tịch HCM nhìn y tá TQ với đôi mắt hiền từ, rồi nhắm lại tuôn lệ (như là đang bồi hồi cảm xúc nghĩ lại điều gì rất tha thiết?).

Những lời kể của y tá Trung Quốc Vương Tinh Minh liệu có tin cậy được không? Tại sao bây giờ mới kể khi các nhân chứng có mặt lúc đó đều đã chết như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn và người còn sống duy nhất lại đang ở trạng thái sinh học không còn nói gì được nữa là đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một chi tiết nữa rất khó hiểu là theo lời kể của Vương Tinh Minh thì sức khỏe HCM đã hôn mê, tình lại chỉ lắc đầu yếu ớt ra hiệu. Nhưng sau khi nghe hát đã nắm tay Vương Tinh Minh và tặng hoa rồi trút hơi thở. Tại sao người duyệt bài báo này không nghĩ rằng trong tình trạng nằm hấp hối chỉ còn giấy phút nữa lìa đời, chỉ ra hiệu bằng mắt và lắc đầu thì HCM lấy đâu ra sức để tặng Vương Tinh Minh hoa. Cho dù hoa có để bàn ngay đầu giường thì HCM cũng phải nhỏm dậy rút hoa từ trong lọ ra thì mới có hoa tặng được Vương Tinh Minh. Nếu HCM mà ngồi dậy, ngoái đầu, với tay rút hoa tặng thì hành động đó không hề phù hợp với người chỉ còn vài giây phút nữa lìa đời, mới vài giây trước còn ra hiệu bằng ánh mắt hay cái lắc đầu?

Có lẽ từ khi VN hợp tác toàn diện với TQ, báo QĐND Việt Nam đã có những thay đổi khó lường, để học được bài học đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" của Trung Quốc. Những nhà làm tuyên truyền của báo QĐND đã tiếp thu hổ lốn tất cả những gì Trung Quốc nói, TQ viết. Báo QĐND hăng hái đi đầu như lính xung kích trên mặt trận tư tưởng để phê phán những tư tưởng chủ quan, ấu trĩ, lệch lạc của bọn phần tử phản động núp trong nhân dân. Báo QĐND lên án những thế lực phản động đang âm mưu hạ bệ thần tượng HCM trong lòng nhân dân ta.

Thế nhưng báo QĐND vì quá u mê hay cuồng tín vào ông thầy dạy môn "đấu tranh chống diễn biến hòa bình" mà đã đưa ra một bài viết cực kỳ tai hại, tác động xấu đến niềm tin nhân dân bấy lâu. Bài viết theo lời kể của y tá Trung Quốc là non kém về nghiệp vụ, không có cơ sở thẩm tra thế nhưng vẫn được tùy tiện đưa lên. Nhất là bài viết lại liên quan đến hình ảnh lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Phải chăng chính báo QĐND đang làm những việc mà họ thường lên án người khác.?

Báo nhân dân.

Tờ báo Nhân Dân hôm nay 20/9/2013 có bài viết nhan đề Tôn giáo chân chính đồng hành cùng dân tộc.

Bài báo của tác giả Trần Chung Ngọc lên án những hãng truyền thông quốc tế đưa tin sai lệch về các vụ việc tôn giáo ở Việt Nam.

Không biết Trần Chung Ngọc uy tín cỡ nào mà khẳng định rằng những hãng truyền thông lớn quốc tế đưa tin sai, chỉ có ông ta là nói thật?

Nhưng dẫu thế nào thì một điều nhận thấy được rõ, là các hãng truyền thông đưa tin về tôn giáo Việt Nam không bao giờ có bài xúc phạm, mạt sát tôn giáo hay nhân vật tôn giáo nào. Không hề có sự so sánh giữa hai tôn giáo khác nhau để dè bỉu, gây chia rẽ, kích động thì hằn nhau.

Trong bài báo của Trần Chung Ngọc thì trái lại những giọng điệu hằn học, bạo lực được lộ rõ không hề che đậy. Trình độ kém hay bản chất của tư tưởng Trần Chung Ngọc là vậy.?

Bài báo có đoạn:

"Trong cuộc kháng chiến ở Việt Nam gần đây cũng vậy, nhiều tu sĩ bỏ áo cà sa đi theo kháng chiến, vì theo truyền thống yêu nước, xét đúng ưu tiên của thời thế, giặc đến nhà đàn bà phải đánh, nền độc lập của nước nhà trên hết, không như bọn Việt gian vô Tổ quốc, phi dân tộc, chủ trương "thà mất nước chứ chẳng thà mất Chúa"...

Đoạn viết này chắc hẳn những người theo đạo Công Giáo, những linh mục , giám mục và hồng y Thiên Chúa Giáo hiểu ý đồ tác giả nói về  "bọn... vô tổ quốc, phi dân tộc" là không những nói chỉ nói riêng về con người mà tác giả Trần Chung Ngọc còn muốn đả phá cao hơn là về học thuyết, ý thức hệ, tư tưởng của đạo Thiên Chúa. Một sự xúc phạm thật nặng nề đến tôn giáo, sở dĩ gọi là nặng nề vì không phải nó động đến hành động nhất thời của một tổ chức tôn giáo . Mà nó động hẳn đến chủ thuyết, tư tưởng thần học của tôn giáo ấy.

Phát ngôn táo bạo hay phát ngôn bá đạo.

Một tờ báo lấy tên Nhân Dân, lại cho đăng bài của một kẻ xưng là Việt Kiều Mỹ , xúc phạm niềm tin của gần chục triệu nhân dân (tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Việt Nam xấp xỉ 10 triệu người). Cuộc kháng chiến chống Pháp đã xa xôi như vậy rồi, mà sự thù nghịch đến nay vẫn còn hiện rõ. Vẫn được báo Nhân Dân lên án... vậy thì mấy triệu người miền Nam di tản hồi 1975 khi đọc được bài viết của Trâdfn Chung Ngọc, trên báo Nhân Dân hôm nay liệu có tin được vào đoàn kết, tha thứ, hòa giải, yêu thương mà nhà nước Việt Nam đang kêu gọi không?

Trần Chung Ngọc lộ rõ ý đồ gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo khi so sánh hình ảnh người Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Sau khi vạch tội Thiên Chúa Giáo là Việt Gian, phi dân tộc, tổ quốc, chịu mất nước chẳng thà mất Chúa... đến lượt kể công lao của tu sĩ Phật Giáo. Thậm chí quá đà ca ngợi tinh thần chiến đấu của các tu sĩ Phật Giáo, bài báo có đoạn:

"Thậm chí còn vui lòng dấn thân vào cuộc, kể cả xông pha trận mạc chém giết quân thù, giữ gìn cuộc sống thanh bình cho dân tộc".

Học thuyết của Phật Giáo có cho chém giết quân thù để bảo vệ mình không? Cái này dường như chưa ai dám khẳng định rằng học thuyết nhà Phật cho phép chủ động xông pha trận mạc chém giết quân thù. Nhưng cứ tạm gác điều đó lại, cứ cho rằng học thuyết nhà Phật cho phép hay ngầm cho phép chém giết quân thù như ý của Việt Kiều Trần Trung Ngọc đi chăng nữa.

Thì chả lẽ một tờ báo lớn toàn tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư, phó giáo sư lý luận không biết được cách sửa từ "chém giết" bằng từ nào khác trong kho tiếng Việt phong phú của Việt Nam. Ví dụ như sửa thành "xông pha trận mạc chiến đấu với quân thù". Nghe có phải hay hơn từ "chém giết" rất bá đạo đối với người tu hành.

Một bài viết lủng củng, ý tứ đối nghịch nhau, loạn ngôn, giọng điệu hằn học chia rẽ tôn giáo, kích động hận thù của Trần Trung Ngọc lại được báo Nhân Dân đưa lên. Chả lẽ không còn ai viết được hơn nữa sao?

Hay báo Nhân Dân cũng như báo Quân Đội Nhân Dân cũng đang tự làm những điều mà họ hay phê phán các thế lực thù địch là chia rẽ dân tộc, kích động hằn thù, gây mất đoàn kết khối đại dân tộc.

Đến lúc phải dùng loại y tá Trung Quốc để nói về lãnh tụ nước mình, dùng Việt kiều (gian) để nói về nội tình tôn giáo trong nước... có lẽ các tờ báo có tên Nhân Dân đã chẳng còn nhân dân nào trong đó nữa rồi.


Chia sẻ bài viết:

No comments:

Post a Comment