Mục lục nỗi đau dan tôi

Monday, August 19, 2013

Số phận của những người Việt cuối cùng


Hoàng Văn Chí * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Sau khi ký kết Hiệp định Geneva vào năm ngoái, một triệu người Việt Nam yêu chuộng tự do đã tràn qua vĩ tuyến 17 để thoát khỏi chế độ cộng sản ở Miền Bắc Việt Nam. Những người tỵ nạn thường cảm thấy phải kể cho nhân dân Miền Nam nghe những chuyện khủng khiếp mà họ đã chứng kiến dưới ách cai trị cộng sản. Như vậy, một triệu người đã tiết lộ hơn một triệu tội ác của CSVN.

Họ kể rằng chỉ trong một tháng, những người cộng sản đã giết hơn 90.000 người chỉ riêng trong một tỉnh, tỉnh Quãng Ngãi. Cuộc tàn sát dã man này đã tiêu diệt gần như 18% toàn bộ dân số tỉnh, và cả tỉnh chít khăn tang. Những người tỵ nạn cũng tiết lộ rằng hàng trăm ngàn người cả nam lẫn nữ đã bị sát hại ở Miền Bắc Việt Nam trong cái mà những người cộng sản gọi là "cuộc cách mạng nông nghiệp", và gần một triệu người bị cô lập và bỏ đói. Chưa bao giờ trước đây, suốt trong lịch sử 4000 năm, người Việt Nam lại chịu một tai họa khủng khiếp đến như thế.

Phải chăng cuộc tàn sát bừa bãi những người dân vô tội này là tội ác lớn nhất của CSVN?

Những người khác đã kể lại rằng CSVN áp đặt lên nông dân "thuế nông nghiệp" đánh lên đến 50% vào số lúa thu hoạch của họ, khiến 10 triệu người lâm vào cảnh bữa đói bữa no. Có lẽ tội ác bỏ đói dần dần 10 triệu người còn lớn hơn cuộc thảm sát tức thì một triệu người.

Nhiều người tỵ nạn khác kể rằng Miền Bắc Việt Nam bây giờ chỉ là một quận nhỏ của Trung Cộng, giống như thân phận trước kia của Giao Chỉ, mà chỉ là một quận của nước Triệu Đà. Hiện nay, các "cố vấn" Trung Quốc chỉ huy và kiểm soát các hoạt động trong tất cả các lĩnh vực. Họ ra lệnh bằng tiếng Quan thoại, và phải nói qua những người thông dịch.

Trong lĩnh vực quân sự, có những "cố vấn" từ cấp tiểu đoàn lên đến cấp cao nhất. Trong chính trị, có những "cố vấn" đi sâu vào những làng nghèo nhất. Trong vấn đề kinh tế, người Trung Quốc bây giờ đang dạy rằng vì Việt Nam là nước nông nghiệp cho nên phải phát triển chỉ mình nông nghiệp thôi, còn người Trung Quốc phát triển công nghiệp. Trong địa hạt văn hóa, ca múa đều bắt chước theo điệu Trung Quốc; phim Trung Quốc được chiếu ở khắp mọi nơi, và các tư tưởng của "Bác Mao" đều phải được học tập không ngừng suốt ngày đêm.

Hồ Chí Minh đã dâng nước cho Mao Trạch Đông, như Mỵ Nương sau khi trao nỏ thần cho Trọng Thủy đã đặt nước mình dưới ách cai trị của Trung Quốc phong kiến. Như vậy, ở giữa thế kỷ hai mươi, lãnh thổ Miền Bắc Việt Nam chịu chung số phận như Giao Chỉ ngày xưa vào lúc khởi đầu kỷ nguyên của chúng ta.

Tội phản quốc chắc chắn là một tội ác còn nặng hơn tội giết người hay cướp bóc. Nhưng CSVN đã phạm một tội ác còn xấu xa hơn cả tội phản quốc, giết người hay cướp bóc.

Vào năm 1912, sau khi lật đổ triều đại nhà Thanh (Mãn Châu) và nhường chức Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc cho Viên Thế Khải, Tôn Trung Sơn sang viếng thăm Nhật Bản. Người lãnh đạo Quốc Dân Đảng Nhật Bản Ki Tsuyoshi Inukai thết tiệc khoản đãi nhà lãnh đạo lớn của Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Giữa bữa tiệc, Ki Tsuyoshi Inukai hỏi Tôn Trung Sơn, "Tôi được biết ông đã có dịp qua Hà Nội, Việt Nam. Xin ông cho tôi biết ông nghĩ gì về dân tộc Việt Nam?" Tôn Trung Son đáp: "Người Việt Nam bản tính vốn nô lệ. Ngày xưa họ bị Trung Quốc đô hộ; ngày nay họ lại bị người Pháp đô hộ. Dân tộc ấy không có tương lai." 

Ki Tsuyoshi Inukai đáp, "Tôi không đồng ý với ông về điểm này và tôi cho ông biết tại sao. Từ sử xưa chúng ta biết đã từng có một trăm dân tộc tự trị sống trên khắp tất cả lãnh thổ ở phía nam sông Dương Tử. Những dân tộc này được gọi là Bách Việt. Chín mươi chín dân tộc Việt dần dần đã bị người Hán đồng hóa dưới triều của vua Hán Cao Tổ. Chỉ có một dân tộc, dân tộc Việt Nam, vẫn còn tồn tại và đã duy trì được bản sắc riêng của họ. Nước họ đã bị người nước ngoài xâm lược nhiều lần, nhưng cuối cùng dân tộc Việt Nam vẫn luôn luôn đánh đuổi được những kẻ xâm lược ra khỏi nước mình và giành lại được độc lập. Đúng là họ hiện nay bị người Pháp đô hộ. Họ chưa đuổi người Pháp đi được vì họ không thể sánh với người Pháp về vũ khí hay kiến thức khoa học. Nhưng tôi tin chắc chắn rằng dân tộc có thể duy trì được bản sắc văn hóa riêng của mình như dân tộc Việt Nam thì sớm muộn cũng giành lại được độc lập."

Tôn Trung Sơn đỏ mặt không trả lời. Ông hiểu Ki Tsuyoshi Inukai nói vậy là có thâm ý. Ông nhận ra ý chê khéo rằng ông, Tôn Trung Sơn, không tài giỏi bằng người Việt Nam. Ông chợt hiểu ra rằng Ki Tsuyoshi Inukai biết ông là người gốc tỉnh Quảng Đông, và dân tộc ông xưa kia là một trong những dân tộc Việt, nhưng đã bị đồng hóa từ rất lâu, rồi cuối cùng mất hết bản sắc văn hóa của mình.

Ngay khi tiệc tàn và Tôn Trung Sơn ra về, nhà chính khách Nhật Bản này gọi điện thoại mời tất cả học sinh người Việt Nam đang sống tại Tokyo đến nhà ông, và thuật lại cho họ nghe câu chuyện lý thú này. Ông thích thú và tự hào đã thắng nhà chính khách lớn của Trung Quốc trong cuộc tranh luận.

Trong những năm gần đây, sống trong vùng cộng sản kiểm soát ở Việt Nam, tôi đã thấy bằng chứng rõ ràng nhân dân Việt Nam ở nơi đấy đang bị "Hán hóa". Tôi nhiều lần tham dự các vụ hành hình và thấy dân chúng vỗ tay hoan hô khi những người bị kết án bị xử bắn. Tổ tiên chúng ta chưa từng bao giờ vỗ tay hoan hô bi kịch như thế.

Chính mắt tôi đã nhìn thấy những cán bộ cộng sản vào nhà những người bị phân loại là "địa chủ"- những người đã rơi vào cảnh bần hàn sau khi đóng góp quá nhiều cho Kháng chiến trong suốt tám năm chiến tranh - chỉ để tịch thu lọ cà nhỏ, hay vài bộ áo quần rách tả tơi, và giải họ đi bêu riếu khắp làng trên xóm dưới sau khi đã "đấu tố" họ rồi cuối cùng giết chết những nạn nhân đáng thương này.

Nhìn thấy cảnh người ta phạm tội giết người chỉ để cướp lấy những thứ quá nhỏ mọn này khiến tôi nhớ đến vụ cướp xảy ra khi tôi ở Vân Nam, Trung Quốc. Một người đang đi trên con đường quê vắng vẻ chợt thấy một người dáng khả nghi đang đi theo sau mình. Ông sợ gã ấy tưởng ông có nhiều tiền vì hai túi quần ông căng phồng, rồi biết đâu gã sẽ giết ông để cướp của. Nghĩ vậy, ông liền quay người lại nói, "Tôi chẳng có tiền nong gì, tôi chỉ có hai trái dưa trong túi đây. Vậy chúng ta hãy chia xẻ với nhau nhé; tôi giữ một trái, còn anh có thể giữ một trái." Tên cướp đâm ông rồi cướp lấy hai trái dưa.

Tại Miền Bắc Việt Nam, CSVN đã bỏ đói và giết rất nhiều người dân vì cái "tội" họ có mức sống trên trung bình, nghĩa là nói họ còn may mắn khi có ít nước mắm để ăn với cơm. Và thế là họ bị tịch thu tất cả tài sản - mà tài sản của họ thường chỉ có mấy tượng thờ cúng sơn son thếp vàng tuy không còn được dùng đến theo lệnh cấm tôn giáo của chế độ Hồ Chí Minh, nhưng vẫn được người dân cất giữ. Giết người để cướp lấy tượng thờ cúng không dùng của họ thì chẳng khác gì giết người vì mấy trái dưa nhỏ.

Một lần khác, trong một buổi kiểm thảo, tôi thấy nguyên cả lớp học sinh khóc hu hu khi một học sinh không chịu nhận bất kỳ tội lỗi gì trong thời gian mà mọi người đều phải tập trung vào việc tự phê.

Hồ Chí Minh đã khóc - Phạm Văn Đồng đã khóc - tất cả dân chúng đều phải khóc như người Trung Quốc Miền Nam khóc, phải cười như người Trung Quốc Miền Bắc cười, và phải "tàn ác như quân Nguyên".

Mọi người đều biết chỉ cách đây chưa tới năm năm, người Việt Nam đã không khóc và không cười như thế. Một ký giả người Anh, ông Norman Lewis, thăm viếng Việt Nam vào năm 1951 đã nhận xét trong sách của ông, "A Dragon Aparent" rằng "người Việt Nam trầm lặng, sống nội tâm, và hay mỉm cười." Ngày xưa người ta không cư xử như bây giờ. Chúng ta có thể tìm thấy bằng chứng trong các tác phẩm của Linh mục Dòng Tên, Borri, người sau khi đến Việt Nam vào năm 1622 đã nói, "... Tính tình thoải mái và đáng yêu này giúp họ sống hòa thuận với nhau. Tất cả họ đều đối xử thân thuộc với nhau như thể anh em, hay như những người trong gia đình... và hành động họ coi là bần tiện nhất là nếu mình có cái gì ăn, tuy ít ỏi đến đâu, mà không chia xẻ với tất cả mọi người chung quanh, tức mời tất cả hàng xóm mỗi người dùng một ít."

Một sự thay đổi lớn lao đã bắt đầu. Dân tộc Việt cuối cùng đang bị Hán hóa, đang chịu cùng số phận như chín mươi chín dân tộc Việt khác cách đây hơn hai ngàn năm.

Tôi ác lớn nhất của CSVN là họ đang tiêu diệt tận gốc rễ bản sắc văn hóa của nhân dân Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 17. Họ quyết tâm xóa Việt Nam ra khỏi bản đồ nhân chủng học. Tương lai của những người Việt cuối cùng đang lâm nguy.

Tuy nhiên, tôi tin rằng Ki Tsuyoshi Inukai đúng và Tôn Trung Sơn sai. Nhân dân Việt Nam quyết tâm chống lại những người cộng sản tàn bạo. Dù sao, phải chăng một triệu người Việt Nam trong số họ đã không chạy thoát ra khỏi vùng Trung Quốc kiểm soát, ra đi không mang theo gì chỉ mang theo niềm tự hào và di sản văn hóa của mình?

*

Hoàng Văn Chí (1913-1988) là học giả nổi tiếng chuyên viết về chế độ cộng sản ở Miền Bắc Việt Nam. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Trăm hoa đua nở trên đất Bắc và Từ thực dân đến cộng sản-Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam (tiếng Anh).

Dịch từ tác phẩm tiếng Anh "The Fate of The Last Viets" của Hoàng Văn Chí, nhà xuất bản Hoa Mai, Saigon 1956, trang 13-20

Nguồn: Vietnam Center and Archive, Texas Tech University

Bản tiếng Việt:

No comments:

Post a Comment