Mục lục nỗi đau dan tôi

Thursday, August 29, 2013

Nguyễn Thanh Nga, Đóa Hồng Gai trong ngục tù Cộng Sản


Bài và hình: Thanh Phong/Viễn Đông
(VienDongDaily.Com – 27/04/2013)
 
GARDEN GROVE – Nhiều người đã viết về chị Nguyễn Thanh Nga tức “Đóa Hồng Gai,” không những trên các báo chí Việt ngữ, ngay cả đạo diễn Beckie của hãng phim Principal (Anh Quốc) cũng đã phỏng vấn, chương trình Thúy Nga Paris by Night 90 cũng đã vinh danh chị với chủ đề “Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam.” Chị đã viết hồi ký mang tên “Đóa Hồng Gai” và đã được nhiều nơi tại Hoa Kỳ cũng như Úc Châu mời đến nói chuyện.
 
Đóa Hồng Gai Nguyễn Thanh Nga tại nhà riêng.

Tuy chị Thanh Nga rất khiêm nhường, không muốn nhắc đến mình nữa, nhưng vào dịp tháng Tư, tháng Tưởng Niệm Quốc Hận, chúng tôi muốn nêu lại tấm gương anh dũng, bất khuất của một chiến sĩ Quốc Gia đã bị chế độ độc tài đảng trị Cộng Sản trả thù. Không chỉ mình chị mà hầu như cả gia đình chị, người bị bắn, người bị bỏ đói cho đến chết và bản thân chị trở thành phế nhân, nhưng tinh thần Quốc Gia, niềm tin tôn giáo đã vực chị dậy để chị có cơ hội làm chứng nhân về một chế độ dã man, tàn ác nhất trong thời đại chúng ta.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga chào đời năm 1952 tại xã Lộc Vĩnh, quận Thường Đức, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình mà thân phụ cũng như các chú, bác và anh em ruột thịt đều phục vụ trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Xã Lộc Vĩnh quê chị là vùng xôi đậu, ban ngày rõ ràng là thuộc quyền kiểm soát của quốc gia, nhưng đêm xuống, Việt Cộng từ các vùng Hồ Bàu, Lộc Bình mò tới tuyên truyền, quyên góp tiền bạc, thu thuế hay khủng bố.

Vào mùa Xuân năm Giáp Thìn 1964, ba người chú ruột Nguyễn Khánh Ngọc, Nguyễn Khánh Sứ, Nguyễn Khánh Hưởng bị Việt cộng bắn chết. Người bác tên Nguyễn Khánh Thăng bị bắt dẫn đi thủ tiêu. Hơn một tháng sau, Thanh Nga tận mắt chứng kiến thân phụ mình là ông Nguyễn Khánh Cống cũng bị Việt cộng bắt trói dẫn đi khi cả nhà đang ngồi ăn cơm.

Thời gian sau một bạn tù sống sót được phóng thích đã tìm đến nhà kể cho gia đình chị nghe về số phận của ông cụ. Sau khi bị bắt, chúng đem ông vào rừng sâu, cột hai tay vào thân cây cùng với ông Phan Bài, cựu xã trưởng và ông Sính, không cho cả ba ăn, uống cho đến khi chết chúng hất xuống cái lỗ đã đào sẵn, rồi lại đến lượt hai người anh ruột là Nguyễn Khánh Trừng và Nguyễn Khánh Tỏa cũng bị công an Việt Cộng theo dõi và bắn chết tại nhà, một người chú khác là Nguyễn Khánh Nhẫn bị bắt đem đi mất tích.

Vào mùa Đông năm 1964, trong một cuộc giao tranh giữa quân đội VNCH và cộng quân, mẹ Thanh Nga trúng đạn, máu ra rất nhiều nhưng may mắn chuyển kịp lên bện viện Hội An cứu kịp, căn nhà của gia đình Thanh Nga cùng dân làng biến thành đống tro tàn sau trận chiến.

Trước nỗi đau khổ tột cùng, nhà cửa không còn, tài sản tiêu tan, người thân bị sát hại gần hết, năm 19 tuổi, Thanh Nga xin phép mẹ đi kiếm việc làm. Nhờ sự quen biết của người cậu và được sự giới thiệu của Đại tá Nguyễn Bỉnh Thuần, Thanh Nga được vào làm việc tại Nha Đại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn Quân Khu I. Sau thời gian ngắn, cấp trên thấy Thanh Nga có khả năng bén nhạy về tình báo nên chuyển Thanh Nga đến làm việc cho Văn Phòng Thường Trực Ủy Ban Phượng Hoàng Quân Khu I từ tháng 5 năm 1971 đến năm 1974 khi Nha Đại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn giải tán. Sau đó Thanh Nga chuyển về làm việc tại Tòa Thị Chính Đà Nẵng cho đến cuối tháng 3/1975 khi Đà Nẵng rơi vào tay cộng quân.

Thanh Nga đã kể nỗi gian truân trên đường trốn chạy Việt cộng từ miền Trung vào Saigon, một cuộc hành trình vô cùng gian khổ mà thân gái yếu đuối như cô phải trải qua, thật khó có người con gái nào có thể chịu đựng nổi như Thanh Nga.

Vì hoạt động trong Ủy Ban Phượng Hoàng Quân Khu I, lại là người con trong gia đình bị Việt Cộng tàn sát gần hết, Việt Cộng nghĩ rằng, lòng hận thù chế độ Cộng sản của Thanh Nga khiến cô có thể làm những việc gây nguy hiểm cho chúng để trả thù. Hơn nữa, bắt được Thanh Nga, chúng sẽ khai thác cô về hoạt động của Ủy Ban Phượng Hoàng, tìm xem cơ sở nào của chúng đã đầu hàng phía Quốc Gia, ai đã chỉ điểm phá vỡ các ổ nằm vùng của chúng, vì thế ngay sau khi chiếm Đà Nẵng, chúng đã chỉ thị công an truy tìm Thanh Nga khắp nơi.

Phần Thanh Nga, trên đường chạy loạn, cô lạc mất mẹ và chị, một mình tìm mọi cách vào Saigon, băng rừng, lội suối, có lúc đi xe thồ, xe đạp, xe chở heo, cuối cùng cô cũng tìm đến được nhà người quen ở Hố Nai, và sau khi tìm hiểu, Thanh Nga gia nhập tổ chức Phục Quốc của Linh Mục Trần Học Hiệu, được giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động của Việt Cộng trong vùng, và thuyết phục thanh niên theo kháng chiến phục quốc.

Từ Đà Nẵng, công an Việt Cộng theo dõi người thân trong gia đình Thanh Nga, và thật không may, chị ruột Thanh Nga không nghe lời em dặn. Khi biết em đang ở Hố Nai, người chị đã tìm đến thăm và không ngờ có công an theo sát. Thanh Nga bị bắt ngay và giải giao về lao xá Đà Nẵng. Thanh Nga bị tra khảo liên miên, bất kể ngày đêm, sau đó bị tống vào phòng “kiên giam“một căn phòng nhỏ xây kín, mái lợp tôn, không cửa sổ, không lỗ thông hơi, chỉ có một cửa ra vào luôn đóng kín, chỗ nằm là bệ xi măng cao khoảng 12 inches, ngang khoảng 30 inches, không mùng, màn, chiếu, gối. Hai chân chị bị cùm vào vòng sắt gắn vào bệ nằm. Ăn và tiểu tiện, đại tiện tại chỗ. Mỗi ngày có một tên đến mở cùm cho Thanh Nga đi đổ đồ dơ. Mỗi tuần cho tắm một lần nhưng có khi bọn cán bộ cho một tên tù hình sự cầm xô nước đứng ở cửa tạt mạnh vào người chị. Phân, nước tiểu bắn tung tóe vào người và chúng để mặc rồi khóa cửa bỏ đi. Mỗi ngày khẩu phần ăn là một chén cháo lỏng và một ly nước nhỏ. Theo Thanh Nga, cái khổ nhất trong phòng kiên giam là thời tiết, mùa đông thì lạnh cắt da, mùa hè thì nóng như thiêu như đốt, thân gái lại bị hành hạ mỗi tháng một lần về kinh nguyệt và đói khát triền miên nên chẳng bao lâu, thân hình chị trở thành tiều tụy chỉ còn da bọc xương. Nhưng Thanh Nga vẫn cố gắng chịu đựng và luôn cầu xin Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria gìn giữ mình, miệng Thanh Nga luôn lẩm bẩm hát bài “Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn.” và chị sống được là nhờ niềm tin tôn giáo.

Sau 9 tháng trong kiên giam, công an Việt Cộng dùng đủ mọi phương thức hỏi cung, điều tra từ nhẹ nhàng đến thâm độc chúng đều bó tay trước tinh thần dũng cảm và sự khôn khéo, mưu lược của một người chiến sĩ Quốc Gia, một nữ tình báo Phụng Hoàng xuất sắc. Thanh Nga được ra khỏi phòng kiên giam và đưa đi khổ sai tại trại tù Tiên Lãnh, Tam Kỳ. Thanh Nga đã chứng kiến nhiều chiến sĩ Quốc Gia bị chúng đem xử tử vì đã tỏ thái độ chống lại chúng một cách tích cực như Đại úy Vũ Hoàng Thông (TSQ), anh Trần Quang Trân … và nhiều, rất nhiều chiến sĩ kiên cường khác.

Dù ra khỏi phòng kiên giam, đi lao động khổ sai, Nguyễn Thị Thanh Nga vẫn luôn bị theo dõi và hành hạ. Một hôm trong khi đang sốt nặng, chị bị bắt đi gánh lúa vào kho. Mỗi người phải gánh 40 kg lúa mỗi chuyến nhưng Thanh Nga chỉ có thể gánh 30 kg. Chị đang gắng sức gánh thì tên nữ cán bộ Trương Thị Thanh Tặng, vốn có ác cảm với chị, gọi Thanh Nga đứng lại và quở mắng, bảo chị chỉ lao động cầm chừng, tư tưởng chưa thông. Nghe tên này nói, Thanh Nga lẳng lặng gánh lúa đi không trả lời. Tên Tặng gọi giựt lại. Thanh Nga chưa kịp dừng chân thì y thị chạy tới kéo gánh của Thanh Nga lại khi chị đang gánh lúa lên dốc, mất thăng bằng, Thanh Nga ngã xuống hố.

Bọn cán bộ tới xem nhưng cho là Thanh Nga nằm ăn vạ nên chúng bỏ đi không xem xét, chữa trị. Đã thế, chúng còn cấm chị em bạn tù không được săn sóc, giúp đỡ chị. Nhưng các bạn đã lén lút giúp Thanh Nga qua cơn nguy biến. Từ đó, Thanh Nga không còn đứng dậy nổi, tiêu, tiểu tại chỗ. Nhờ chị em ngấm ngầm giúp đỡ, sáu tháng sau Thanh Nga đã chống gậy đi lại được, và cán bộ thấy chị như vậy, chúng bắt chị đi lượm rác. Thanh Nga không thể cúi xuống lượm từng cọng rác bỏ vào giỏ, chị ngồi bệt xuống đất kéo lê cái giỏ từ chỗ này qua chỗ khác. Hai tay phải chống gậy, chị không thể bê giỏ rác nên lấy sợi dây buộc vào cái giỏ rồi quấn vào tay kéo đi.

Đến tháng 12/1984 chân Thanh Nga đau nhức không chịu nổi, luôn bị cơn đau và cơn sốt hành hạ, không ăn uống được, lúc đó chúng mới cho chị đi bệnh viện. May mắn cho chị, khi đến bệnh viện Huyện Tam Kỳ rồi chuyển qua bệnh viện Đà Nẵng tuy mỗi nơi trước giường nằm của chị công an đều gắn tấm bảng: “Không được tiếp xúc với người này nếu không được phép của cán bộ.” Nhưng Thanh Nga được một số bác sĩ, y tá, y công nguyên là người của chế độ cũ nên đối xử rất tử tế và chăm sóc chu đáo cho chị. Tuy nhiên cả hai nơi không đủ phương tiện mổ và ráp xương gẫy cho chị, bác sĩ đề nghị chuyển chị vào Saigon nhưng bọn công an Đà Nẵng nhất quyết không cho, Thanh Nga bị giải giao trở lại trại tù Tiên Lãnh.

Thanh Nga không còn lành lặn, chân thấp chân cao, những cơn đau nhức hành hạ chị triền miên. Biết có tha về Thanh Nga cũng không còn sức để hoạt động chống lại chúng nên ngày 20 tháng 6 năm 1985, sau gần 10 năm trong ngục tù Cộng Sản, Thanh Nga bất ngờ nhận được giấy phóng thích. Nhưng ra khỏi nhà tù nhỏ Tiên Lãnh, Thanh Nga bước vào nhà tù lớn là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Cầm tấm giấy ra trại, chị bị chỉ định về cư trú tại Hố Nai trong khi gia đình Thanh Nga lúc đó ở Đà Nẵng. Thanh Nga đã vận dụng sự quen biết và dùng tiền của bạn bè hải ngoại gửi về giúp để mua chuộc được công an, xin lại được các bản sao giấy tờ trước đây đã làm việc với chính quyền VNCH để nộp hồ sơ xin đi Mỹ theo diện HO. Khoảng tháng Tư năm 1991 từ Saigon ra Đà Nẵng hỏi thăm giấy Hộ Chiếu, Thanh Nga gặp lại người bạn tù là Đại úy Đỗ Ngọc Nuôi, và qua sự móc nối, Thanh Nga gia nhập Mặt Trận Hoàng Cơ Minh để tiếp tục chống lại bọn Cộng sản. Thanh Nga đã hoàn thành xuất sắc một số công tác được giao, và tháng 11 năm 1992 Thanh Nga được xuất cảnh sang Hoa Kỳ theo diện HO 10 và hiện cư ngụ tại thành phố Garden Grove.

Trước khi chia tay, nhìn chị nhăn nhó vì đau đớn ở chân, chúng tôi hỏi sao chị không đi mổ. Thanh Nga cho biết, bác sĩ nói phải mổ, nhưng mổ thì có nhiều rủi ro hơn không mổ nên chị chưa dám quyết định. Hiện nay, mỗi ngày Thanh Nga phải đi chữa vật lý trị liệu, châm cứu và uống thuốc. Có những nơi chữa rất tốt như phòng mạch bác sĩ Đặng Huy Thiệu thì MediCal lại không trả tiền nên Thanh Nga phải trả tiền mặt mà tiền thì không có, phải trả tiền thuê nhà, tiền gas, điện, nước v.v… nên thật là nan giải. Nhưng chị tâm sự: “Nhìn lại cuộc đời của mình diễn biến như những phép lạ nối tiếp nhau, gian nan nào Nga cũng vượt qua hết nên ngày nào Nga cũng cầu nguyện, cảm tạ Thượng Đế về những gì Ngài đã làm cho Thanh Nga. Nga cũng cầu xin Ngài làm như vậy cho đồng bào của mình đang đau khổ trên quê hương Việt Nam.”
 
Bài và hình: Thanh Phong/Viễn Đông
 

No comments:

Post a Comment