Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, August 30, 2013

Nông dân có bị xúi giục biểu tình?


Hòa Ái, phóng viên RFA
2013-08-28
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg8584638-305.jpg
Một nhóm dân oan mất đất biểu tình bên ngoài văn phòng chính phủ ở Hà Nội hôm 29/8/2012
AFP photo

Trong những năm gần đây, VN liên tục ngăn chặn các hoạt động biểu tình ôn hòa của dân chúng cũng như tổ chức các buổi diễn tập chống khủng bố với những tình huống giả định người dân bị kích động, lôi kéo gây rối, có thể dẫn đến lật đổ chính quyền tại địa phương. Một trong những thành phần tham gia biểu tình đông đảo nhất ở khắp nơi là dân oan.
Vì sao họ phải biểu tình
Trong cuộc làm việc hồi trung tuần tháng 8, Bộ Công An báo cáo với Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản VN đã làm thất bại nhiều chiến dịch chống phá VN của các thế lực phản động và thù địch, ngăn chặn các hoạt động gây rối và biểu tình trong thời gian qua. Trước đó, hồi cuối tháng 2, trong 1 chương trình thời sự của đài VTV1 phát sóng lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng những người tham gia đi khiếu kiện, biểu tình…có thể quy vào là suy thoái đạo đức, lối sống.

Trong thực tế, thành phần dân oan từ khắp địa phương ở các tỉnh, thành tập trung về các cơ quan công quyền để khiếu kiện nhiều năm qua chiếm phần lớn những cuộc biểu tình trong dân chúng. Phải chăng “tầng lớp” dân oan này có lối sống bị suy thoái đạo đức hay họ là những người nhẹ dạ cả tin, dễ bị lợi dụng, bị xúi giục để gây rối trật tự công cộng hay thậm chí dẫn đến hành động lật đổ chính quyền địa phương?
Đa số dân oan khiếu kiện là những đoàn nông dân mất đất kéo nhau vào các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn để thưa kiện ở các cơ quan hành chánh cấp cao hoặc cơ quan của Đảng Cộng Sản VN. Nhiều cuộc cưỡng chiếm đất đai ở nhiều địa phương gây xung đột mạnh mẽ giữa các cơ quan công quyền và dân chúng.
Chúng tôi là dân, chúng tôi phải làm gì bây giờ đây? Chúng tôi đâu dám bạo động. Đâu có tấc sắt nào trong tay để bạo động. Không ai xúi biểu tôi. Đó là sự bức xúc của người dân tới mức quá uất hận.
- Bà Lương, dân oan An Giang
Những dân oan mà đài ACTD tiếp xúc đều cho rằng cảnh khốn cùng mà họ đang gánh chịu mất đất đai, nhà cửa, ruộng vườn là do Luật đất đai ở VN chỉ công nhận quyền sở hữu Nhà nước. Chính luật định này được cho là tạo điều kiện để các quan chức trục lợi. Đất đai của nông dân ở khắp mọi nơi trong lãnh thổ quốc gia bị trưng dụng với giá rẻ rồi bán lại dưới dạng đất ở hay đầu cơ với giá cao hơn nhiều lần.
Kinh tế VN chủ yếu dựa vào 80% từ nông nghiệp. Hàng triệu nông dân, thành phần chủ lực sản xuất ra những hạt gạo thơm ngon, để VN đứng hàng thứ nhì trên thế giới về xuất khẩu gạo, bỗng dưng trắng tay, trở thành người tha phương cầu thực, sống kiếp lưu đày trên chính quê hương mình. Họ không biết làm gì hơn trong cảnh đoạn trường này ngoài cách cùng nhau đi khiếu kiện. Bà Lương, 1 dân oan ở An Giang, cho biết nhiều đoàn người tập trung, căng băng-rôn yêu cầu cơ quan công quyền giải quyết những oan ức cho họ một cách ôn hòa nhưng nhiều người trong số đó bị khiêng đi và thảy lên xe như những con vật. Trả lời câu hỏi của Hòa Ái rằng có ai xúi giục bà tham gia những cuộc biểu tình ôn hòa đó hay không, bà Lương nói:
Dạ không. Hoàn toàn là sự bức xúc của người dân, nghĩa là bực tức quá. Là do tài sản của chúng tôi kích động chúng tôi. Riêng tôi, bắt vào đồn công an, cùm chân tôi lại. Có 1 chú công an leo lên cây cùm làm bằng sắt đi trong khi cái chân của tôi lòn ở dưới. Đi cho đến khi chân tôi chảy máu ra. Chúng tôi là dân, chúng tôi phải làm gì bây giờ đây? Chúng tôi đâu dám bạo động. Đâu có tấc sắt nào trong tay để bạo động. Không ai xúi biểu tôi. Đó là sự bức xúc của người dân tới mức quá uất hận. Phải làm nhu thế thôi, không có ai xúi hết. Mà còn nói chúng tôi ngồi đó 1 ngày được 100 ngàn. Tôi níu chú công an hỏi: ‘tiền người ta cho dân ở đâu? Yêu cầu trả lại cho dân’. Chừng đó, chú ấy mới nói là không biết”.
Sự tàn bạo của chính quyền
bieutinh-250-rfa.jpg
Dân oan biểu tình ở Hà Nội. RFA photo
“Tài sản của chúng tôi kích động chúng tôi” mà bà Lương khẳng định cũng chính là động lực khiến cho hàng triệu dân oan có hy vọng và niềm tin là khi bị oan ức, đi biểu tình ôn hòa rồi Nhà nước thấy nỗi bức xúc của người dân thì sẽ giải quyết. Tuy nhiên, dân oan lại nhận ra rằng càng đi kêu cứu thì càng thấy sự tàn bạo của chính quyền. Bởi vì những thiệt thòi mà họ đang gánh chịu là do chính quyền gây nên nhưng họ lại bị ghép tội là quấy rối, bị quy chụp là chống chính quyền, thậm chí còn bị hại bằng nhiều hình thức khác nhau. Cô giáo Bùi Thị Thành, 1 dân oan, kể lại:
“Thậm chí họ còn gây mọi tai nạn cho tôi, như cho xe ép tôi đến nỗi, may mà Chúa cứu tôi, chứ không thì tôi lao xuống vực thì đã tan xác rồi. Rồi còn đặt ra nhiều tình huống hại tôi lắm. Và nhiều dân oan cũng bị như vậy nữa, bị tung xe, bị ghép tội quấy rối, chống Nhà nước. Trời ơi, chúng tôi mất, chúng tôi yêu cầu giải quyết cho chúng tôi bằng hình thức yêu cầu ôn hòa thì lại ghép tội, quy chụp cho chúng tôi, thậm chí hại chúng tôi như vậy”.
Các hình thức dân oan bị đối xử tệ bạc khi tham gia khiếu kiện chỉ chính người trong cuộc là nạn nhân nói ra mà không một cơ quan báo, đài Nhà nước đưa những những tin tức liên quan đến với công chúng. Trong khi đó, các cơ quan truyền thông này lại liên tục cập nhật những thông tin về các cuộc diễn tập quy mô chống khủng bố, chống “bạo loạn” của các lực lượng vũ trang với mục đích răn đe âm mưu của các đối tượng phản động, của thế lực thù địch ở nước ngoài nhằm kích động, lôi kéo nhân dân gây mất ổn định, có thể dẫn đến lật đổ chính quyền.
Các cuộc diễn tập diễn ra ở Sóc Trăng năm 2011, ở Điện Biên năm 2012 và gần đây nhất là ở Vũng Tàu, trong tháng 8/2013. Các hình ảnh được loan đi trong cuộc diễn tập được cho là lớn nhất ở Điện Biên với hơn 3500 người tham gia cho thấy tình huống giả định người dân diễu hành với các biểu ngữ “Đả đảo tham nhũng” khiến cho các dân oan nghĩ rằng chính quyền không bao giờ có thiện chí với người dân và rõ ràng chính quyền đi ngược lại với quyền lợi của dân nếu không nói là chống nghịch lại dân.
Các cuộc diễn tập quy mô như thế có khiến cho dân oan sợ hãi và bỏ cuộc không tham gia khiếu kiện nữa hay không? Bà Lương quả quyết:
“Dù họ nói bà về không thì tôi bắn bà thì họ cứ bắn. Bắn rồi thì ‘ông’ trả lời trước quốc tế, trước nhân dân quần chúng là chúng tôi tội gì mà bắn chúng tôi, mà giết chúng tôi? Giữa tôi và ‘ông’ thì ai là người có tội? ‘Ông’ làm gì được cứ làm chứ chúng tôi không chùn bước đâu”.
Vì sao dân oan không chùn bước?
“Người ta hy vọng nếu có được những áp lực của quốc tế thì sẽ có được tiếng nói tự do. Khi người dân được tự do dân chủ thì quyền lợi của người ta mới được giải quyết”.
Những chia sẻ của dân oan cho thấy “thủ phạm” xúi giục, kích động họ tham gia khiếu kiện, biểu tình đã được nhận dạng, là oan ức của chính họ. Như vậy, báo cáo của Bộ Công An trong tháng 8 vừa qua hoàn toàn không có giá trị nào và cho dù có hiệu quả thì chỉ trên văn bản mà thôi.

No comments:

Post a Comment