Mục lục nỗi đau dan tôi

Thursday, May 22, 2014

CSVN đã mất chính nghĩa chống Tàu xâm lược


Phạm Trần (Danlambao) - Tổ tiên người Việt đã dạy: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Muốn chống được ngoại xâm, quân và dân phải một lòng, chính phủ phải cùng một dạ trên dưới như nhau. Nhưng từ ngày Trung Cộng đặt giàn khoan dầu HD-981 “vào trong biển chủ quyền” của Việt Nam thì tuy căn nhà Việt Nam mới “bén khói” thôi mà Lãnh đạo đã lộ ra cực kỳ hoang mang, lúng túng trước quân thù đến nỗi đã làm dân bất bình, ngờ vực như có ai đó “nối giáo cho giặc”. 

Trước hết là các tín hiệu lạc quan đã làm mọi người phấn khởi từ cuộc biểu tình tự phát của dân tại Hà Nội và Sài Gòn ngày 11/05/2014.

Lúc đầu có vẻ như đảng đã “đồng hành cùng dân tộc”, hay “lòng dân ý đảng” đã “không hẹn mà gặp” khi thấy lực lượng Công an-Cảnh sát, từng nhiều phen ăn sống nuốt tươi người biểu tình chống Trung Cộng trong 2 năm 2011 và 2012, không còn phá cuộc xuống đường tự phát của dân. Đôi chỗ, đôi lúc người đi biểu tình còn được Công an mở đường cho đi hét hò thoải mái chống giặc phương Bắc ngay trước Tòa Đại sứ quán của Bắc Kinh ở Hà Nội.

Nhưng cũng ngày 11/05 (2014) tại Sài Gòn thì đảng ủy Thành phố lại muốn lên mặt “ta độc lập” với Trung ương. Họ có sáng kiến “độc quyền yêu nước” kiểu trong Nam nên đã tổ chức cho Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “diễu hành phá đám” cuộc biểu tình tự phát của dân. 

Phe biểu tình Nhà nước in nhiều biểu ngữ vải lớn với những khẩu hiệu trơ trẻn, lạc điệu và phản cảm như: “Biểu tình bằng lòng yêu nước-Không lợi dụng biểu tình để xuyên tạc và kích động bạo động”, “Sống chiến đấu lao động học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Chúng ta giữ hòa bình trên Biển Đông”, “đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”.

Bên cạnh hành động “nối giáo cho giặc” của Thành ủy Sài Gòn là những tiếng phóng loa cực mạnh do họ chủ động để át đi tiếng nói vô vọng của một số Trí thức miền Nam, điển hình hôm 11/5 là hai ông Bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm và Giáo sư Tương Lai. 

Nhóm “nhân sỹ” này từng nuôi mộng ủng hộ chính phủ để “ôn hòa” và “lịch sự” chống xâm lược Trung Cộng! Họ thuộc thế hệ Lê Hiếu Đằng đã từng thất vọng cay đắng sau nhiều năm “nếm mùi sống chung với người Cộng sản” nhưng dường như vẫn chưa được “sáng mắt sáng lòng” với “trăm mưu nghìn kế” yêu nước là “yêu xã hội chủ nghĩa” và phải làm theo ý đảng!

Về phía nhân dân tự phát thì lập trường đã dứt khoát không thỏa hiệp. Họ hô vang và trưng cao qua đầu người các khẩu hiệu viết trên những tấm bảng giấy cứng: Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam”, “Hãy xứng đáng là Lãnh đạo đất nước”, “Tự do cho người yêu nước Đinh Nguyên Kha” (Nhạc sỹ Việt Khang), “Tẩy chay 16 vàng-4 tốt” (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.), “Bảo vệ ngư dân Việt Nam”, “China Back Off” v.v...

Lãng xẹc và phản cảm nhất là khi đoàn biểu tình Thanh niên của “nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh” cất lên tiếng hát “Như Có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” tại một cuộc biểu dương chống xâm lược Tầu.

Bừng con mắt dậy thấy gì?

Màn thứ nhất chống Tầu Bắc Kinh đã thành công và gây được cảm tình tốt trong nhân dân. Nhưng tình thế đã thay đổi bất ngờ trong 2 ngày 13 và 14/05 (2014) khi xảy các cuộc biểu tình bạo động có máu đổ, chết người và phá hoại tài sản đã bung ra tại hai khu doanh nghiệp Bình Dương và Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Báo chí Việt Nam đưa tin: “Theo thống kê đã có 697 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình bị thiệt hại, trong đó 365 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, 27 doanh nghiệp thiệt hại nghiêm trọng. Đến ngày hôm 16/5 vẫn còn khoảng 800 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp VSIP, Việt Hương, Đồng An... chưa thể hoạt động kéo theo khoảng 290.000 công nhân không thể đi làm.” 

Tuy nhiên vào ngày 20-5-2014, Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an Bình Dương cho biết: “Khi xảy ra vụ việc gây rối, toàn tỉnh Bình Dương có 700 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp bị các đối tượng đe dọa,trên 460 doanh nghiệp bị đập phá, đốt cháy nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp của Trung Quốc bị đốt cháy. Thiệt hại chủ yếu là các doanh nghiệp của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...” (Báo Đất Việt, 21/05/2014)

Nhưng tại sao có vụ “nổi loạn” này thì ông Đức cho biết: “Vụ việc xuất phát từ những bức xúc của các công nhân có lòng yêu nước trước hành động Trung Quốc đặt giàn khoan xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. 

Tuy nhiên, đã bị một nhóm phần tử xấu kích động, lợi dụng để cướp bóc tài sản. Ngoài ra, có một số người từng là công nhân có những mâu thuẫn với doanh nghiệp nên nhân cơ hội này lợi dụng đập phá để trả thù...”

Có gần 800 người bị bắt, trong số này có lối 300 người có thể bị truy tố nhưng không biết có bao nhiêu nghi can là công nhân. 

Tuy nhiên, dưới con mắt của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức nghiệp đoàn duy nhất của nhà nước thì vụ bạo loạn ở Bình Dương không phải như thế.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nói rằng hầu hết những kẻ đi đập phá, lấy trộm máy móc, dụng cụ và đồ đạc ở Bình Dương không phải là công nhân mà là “những kẻ xấu” đầu xanh đầu đỏ.

Báo Người Lao Động đưa tin ngày 16/05/2014: “Theo ông Mai Đức Chính, trong các vụ việc xảy ra, các đối tượng kích động gây bạo loạn có tổ chức rất chặt chẽ. Theo phản ánh của cán bộ công đoàn (CĐ) cơ sở thì từ trước đó, chúng đã mua cờ Tổ quốc, áo với số lượng rất lớn. Dụ dỗ được công nhân đi biểu tình, khi công nhân vừa ra khỏi cửa nhà máy đã được phát áo. 

Chuyên nghiệp hơn, chúng đã photocopy bản đồ tất cả doanh nghiệp (DN) Trung Quốc, Đài Loan để thuận tiện ra tay. Chúng còn sử dụng cả bộ đàm liên lạc với nhau, đi bằng xe máy cho cơ động. Trong xe đều có đủ đồ nghề dao, kiếm. Chúng còn sử dụng cả “bom xăng” để đốt công ty. 

Thậm chí, có nơi còn phát tiền mỗi công nhân được 50.000 đồng. Việc này đã có sự chuẩn bị với số đông lực lượng bất hảo. Ở thời điểm biểu tình đang “nóng”, chúng nhắn tin kêu gọi biểu tình cho 200 - 300.000 đồng, yêu cầu nếu có cả trẻ con thì cho mang theo. 

Những đối tượng xấu bị bắt hầu hết đều xăm trổ, ăn mặc “đầu xanh, đầu đỏ”. Hầu hết được xác định không phải là công nhân ở các nhà máy. Ở Bình Dương hiện đã bắt trên 800 người và phân loại trên 300 người có thể bị khởi tố.”

Song song với vụ Bình Dương, công nhân làm việc cho nhiều Công ty nước ngoài, đặc biệt của Trung Cộng ở nhiều vùng trong nước cũng đã nổi lên biểu tình chống giàn khoan HD-981.

Riêng tại Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh, nơi Tổ hợp Formosa của Đài Loan đang xây dựng dự án Nhà máy Thép và bến cảng trị giá 8 tỷ dollars, có 76 người bị tạm giữ nhưng chỉ có 16 bị can bị truy tố về tội "gây rối trật tự công cộng", "trộm cắp tài sản" của Formosa.

Các cuộc tấn công ở Vũng Áng đã tập trung vào công nhân Trung Cộng khiến 2 người chết và trên 100 bị thương, theo tin của chính phủ Bắc Kinh. Con số 16 công nhân Trung Cộng đầu tiên tưởng chết sau khi bị chận đánh đã được cứu chữa và tải thường về nước.

Trung tá Nguyễn Thanh Liêm - Phó giám đốc Công an Hà Tĩnh nói: “Vụ xô xát là tự phát, chưa xác định được có tổ chức, cá nhân nào đứng sau vụ việc này”.

Như vậy là cả hai nơi, Bình Dương và Vũng Áng đều do những “kẻ xấu” chủ động. Nhưng ai cũng muốn Công an trả lời thắc mắc: Tại sao các kẻ xấu này lại biết tổ chức có bài bản và có nguồn tài chính lớn để thuê vẽ biểu ngữ, mua cờ, in áo và mua chuộc người đi đốt phá?”

Nhiều Nhà báo xã hội (Bloggers) đã phát đi nhiều bài viết tỏ ý ngạc nhiên khi họ thấy nhiều cảnh sát, công an đứng nhìn khi có bạo động và không can thiệp ở Bình Dương. Riêng tại Vũng Áng, chính quyền Hà Tĩnh phải triệu tập cả Lực lượng biên phòng mới có thể vãn hội được an ninh.

Hậu quả kinh tế

Khác với Bình Dương, đến ngày 19/5 (2014) đã có gần 4.000 công nhân của Công ty luyện kim Trung Cộng đã rút khỏi Vũng Áng về nước. Trung Cộng cũng “đình chỉ một số quan hệ đã có kế hoạch từ trước với Việt Nam”, nhưng Bắc Kinh không tiết lộ các “quan hệ” này có liên quan đến các dự án kinh tế hay không.

Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói: “Chưa có việc rút thỏa thuận nào cả vì quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc là quan hệ phát triển giữa hai nước và nhân dân hai nước nên chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển mối quan hệ này. Còn việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì đó vẫn là công việc phải làm của chúng ta, không cho các nước xâm phạm quyền chủ quyền của chúng ta.

Tất cả các biện pháp hòa bình chúng ta đều có thể sử dụng để bảo vệ chủ quyền của ta.”(VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam, 20/05/2014)

Vì e ngại an ninh đối với du khách, một số Công ty hàng không của Trung Cộng cho biết họ sẽ giảm các chuyến bay đến Việt Nam vì du khách người Hoa đã hủy bỏ các chuyến du hành. 

Theo báo chí Việt Nam, tại họp báo về tình hình khách du lịch quốc tế tháng 5, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (HTT&DL) tổ chức sáng 19/5, Tổng cục Du lịch cho biết: “Từ 15/5, du khách Trung Quốc đi qua đường cửa khẩu phía Bắc bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh (theo quy chế 849) tạm ngừng. Ngày 17/5, khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường bộ giảm mạnh. Năm 2013, trong số 7,57 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, riêng Trung Quốc chiếm 1,9 triệu lượt, khoảng 25%.”

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết:“Bốn tháng đầu năm Việt Nam đón khoảng 800 nghìn lượt khách Trung Quốc, tháng 5 có giảm nhưng chưa nhiều, từ tháng 6 trở đi sẽ hầu như không có khách. Đánh giá thiệt hại trước mắt, ông Tuấn cho biết với mức chi tiêu trung bình khoảng 500 USD/người, tuy thuộc loại thấp nhưng tổng thu sẽ giảm hơn 500 triệu USD. Đấy là thiệt hại trước mắt, lâu dài ông Tuấn quan ngại cuộc khủng hoảng của ngành du lịch lần thứ tư là “thách thức chưa từng có.”

Lợi dụng các vụ bạo động “đã chứng minh bằng sự vô hiệu của Liên đoàn Lao động của nhà nước” và “tình trạng như rắn mất đầu khi hữu sự” của lực lượng Công an, Trung Cộng đã phát động chiến dịch tuyên truyền chống Việt Nam và dùng đe dọa bao vây kinh tế để buộc Việt Nam phải nhượng bộ trên Biển Đông.

Ngoại giao và chống dân biểu tình

Về phía Cộng sản Việt Nam thì đã “thổi phồng” các vụ bạo động chống Tầu của công nhân để chống nhân dân biểu tình chống xâm lược Trung Cộng như đã xảy ra tại Hà Nội và Sài Gòn ngày 18/5 (2014) vừa qua.

Trái với những nụ cười “tự mãn” cho rằng nhân dân đã ủng hộ đường lối đấu tranh hòa bình của đảng để đòi Trung Cộng phải rút giàn khoan HD-981 như diễn ra trong cuộc biểu tình ngày 11/5 (2014), nhà nước đã “quay lưng” phản bội lòng yêu nước của dân khi ra lệnh cho Công an ngăn chặn và đánh đập dã man những người đi biểu tình ngày 18/5 tại Hà Nội và Sài Gòn.

Nhóm chữ “những kẻ xấu” được Nhà nước cho báo, đài sử dụng khi nói về số người bị bắt trong các cuộc biểu tình bạo động tại Bình Dương và Vũng Áng đã biến thành “đề phòng những thế lực thù địch, chống đảng, chống nhân dân” trên một số báo, đài nhà nước khi loan tin kêu gọi của nhà nước “không tham gia tuần hành, biểu tình làm ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông và đời sống sinh hoạt của nhân dân…”

Hành động chụp mũ và đàn áp, đánh đập thô bạo người dân đi biểu tình hòa bình chống Trung Cộng của Công an Hà Nội và Sài Gòn đã được “nấu nướng” điển hình nhất bởi báo PetroTimes (Năng Lượng) của Công ty Dầu khí Việt Nam.

Một số đoạn trong bài viết ngày 18/05/2014 có nội dung như sau:

“Như PetroTimes đã đăng tải, nhiều ngày nay, lợi dụng lòng yêu nước của người dân khi phản ứng lại sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, các đối tượng phản động lưu vong đã kích động bạo loạn, gây ra tình trạng mất trật tự, an ninh ở nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Bình Dương... 

Bọn chúng còn kêu gọi biến ngày chủ nhật, 18/5 trở thành ngày “đại biểu tình” với các cuộc tuần hành ở khắp nơi. Để chuẩn bị cho việc này, các đối tượng gây rối đã đi đến tận làng, xóm, xã để kêu gọi người dân biểu tình, thậm chí hứa sẽ hỗ trợ phương tiện, kinh phí để người dân biểu tình càng lâu càng tốt.

Việc tổ chức này đã được các cán bộ công đoàn cơ sở ở các khu công nghiệp và nhiều nhà máy phát hiện ra. Bọn chúng còn chuẩn bị sẵn bản đồ vị trí các công ty nước ngoài để tiện phá hoại và cướp tài sản. Các đối tượng này trang bị sẵn cờ, áo, mũ, băng rôn khẩu hiệu để kích thích người dân tham gia tuần hành. Đấy là chưa kể một số nơi, có những tổ chức lạ còn đứng ra phát tiền cho dân từ 50 - 200 nghìn đồng/người, yêu cầu có trẻ nhỏ mang theo càng tốt.

Trong ngày 16, 17/5, người dân ở nhiều địa phương cũng đã phát hiện sự có mặt của một số đối tượng lạ, rủ rê kích động người dân tham gia tuần hành vào ngày 18/5.

Trước ngày 18/5, trên các diễn đàn Internet, nhiều đối tượng lưu vong còn “ra điều kiện” yêu cầu chính quyền chấm dứt quan hệ với Trung Quốc, thả các đối tượng phạm pháp mà chúng gọi là “nhà bất đồng chính kiến”.

Quả là báo Petro Times đã “thay trắng đổi đen” về đối tượng chủ động các cuộc bạo động ở Bình Dương và Vũng Áng. Báo này biết rõ hơn cả các cấp chỉ huy Công an, Công đoàn và Xã-Huyện ở Bình Dương và Vũng Áng, như đã ghi lại ở các đoạn trong bài này, là những viên chức có thẩm quyền và trách nhiệm tại địa phương mà không hề có lời cáo buộc nào “sắt máu” như báo Petro Times.

Như vậy thì một khi Ban Tuyên Giáo Trung ương, cơ quan kiểm soát báo chí của đảng để cho những báo, đài như báo Petro Times tự do chụp mũ, xuyên tạc hành động yêu nước của người dân chống quân xâm lược Trung Cộng thì đảng có còn bảo vệ được chính nghĩa không?

Việt Nam đã mở cuộc phản công ngoại giao quốc tế để đòi Trung Cộng phải rút giàn khoan HD-981 và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã báo cáo với Quốc hội trong “phiên họp kín” chiều 20/05/2014 rằng: “Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì biện pháp đấu tranh ngoại giao. Một trong những biện pháp đấu tranh ngoại giao là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc. Đến nay, đã có khoảng 20 cuộc giao thiệp giữa hai bên. 

Kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tàu hộ tống ra khỏi khu vực đó là lập trường kiên quyết của Việt Nam

Nhưng theo ông Minh: “Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan và ngày càng tăng cường lượng tàu ở khu vực xung quanh giành khoan. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn ngoan cố không chịu rút giàn khoan về.” 

Ngay sau đó ông Minh lại xuống giọng: “Lập trường nhất quán của đảng và Nhà nước Việt Nam là thực hiện mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.”

Với một lập trường chưa dám kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm và cũng không dám để dân đứng lên bảo vệ đất nước thì liệu nhà nước CSVN có được Quốc tế ủng hộ trong cuộc đấu tranh với kẻ thù ngoan cố và liều lĩnh như Trung Cộng đã chứng minh với Việt Nam trong lịch sử?

Ngay đến Quốc hội, sau khi nghe ông Phạm Bình Minh báo cáo, cũng không dám họp công khai để cho các Đại biểu Quốc hội lên tiếng mà chỉ tổ chức “họp Tổ” để “than vãn” với nhau thì lấy gì để bảo vệ đất nước?

Sau cuộc họp “Tổ” này, Quốc hội cũng không dám có một Nghị quyết mà chỉ ghi lại lập trường “biết rồi khổ lắm nói mãi” nguyên văn 4 điểm như sau:

1. Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai đảng, Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.

2. Quốc hội cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.

3. Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

4. Diễn biến tình hình trên biển Đông còn phức tạp và khó lường. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

Với một đảng cầm quyền nhát gan, Chính phủ sợ dân biểu tình sẽ làm mất lòng Trung Cộng, một Quốc hội mất định hướng và không có dân đoàn kết đứng sau lưng như Nhà nước Cộng sản Việt Nam đang phải đối diện thì liệu chính nghĩa có còn khi quân Trung Cộng tràn qua biên giới như khi Lãnh tụ Trung Cộng Đặng Tiểu Bình đã “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979?

(05/014)

Phạm Trần 

No comments:

Post a Comment