Mục lục nỗi đau dan tôi

Monday, March 24, 2014

Người Việt trước ý đồ Hán hóa


Cập nhật: 03:24 GMT - thứ sáu, 21 tháng 2, 2014
Lịch sử Việt Nam là chiều dài của những chiến tích chống ngoại xâm. Nhiều lần bị Bắc thuộc rồi nước Việt cũng giành được độc lập, tự chủ. Nhiều lần bị xâm lăng rồi dân Việt cũng đánh đuổi được giặc ngoại xâm.

Qua hàng nghìn năm, lịch sử đã chứng minh Trung Quốc luôn muốn biến đất Nam Việt thành một tỉnh của họ nhưng không thành. Các đoàn quân với binh hùng, tướng mạnh sau những chinh phục lẫy lừng ở nhiều nơi khác, khi đến biên cương Việt Nam đều phải khựng lại vì sức kháng cự của dân Việt.
Nhưng lịch sử cận đại vẫn cho thấy hiểm họa xâm lăng từ phương bắc thời nào, lúc nào cũng có.
Tháng 1/1974 lãnh đạo Bắc Kinh đưa chiến hạm xuống chiếm Hoàng Sa, lúc đó còn là một phần của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Dù không giữ được các đảo, những người lính hải quân Việt Nam Cộng hòa đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ miền đất đó. Trong trận hải chiến Hoàng Sa, 74 binh lính Việt Nam Cộng hòa đã tử trận.
Năm năm sau, khi đất nước đã thống nhất, đêm 17/2/1979 Trung Quốc lại đem 60 vạn quân tấn công vào các tỉnh dọc biên giới phía bắc của lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến kéo dài một tháng trước khi bộ đội Việt Nam đẩy lui quân xâm lăng về qua biên giới. Bảo vệ được đất nước nhưng con số binh lính và dân Việt hy sinh trong cuộc chiến này lên đến 6 vạn người.
Chiến tranh biên giới còn âm ỉ kéo dài nhiều năm sau đó và có lúc đã nóng lên ở Hoàng Liên Sơn.
Đến tháng 3/1988 Trung Quốc lại đem tàu chiến xuống chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong trận hải chiến Gạc Ma, 64 bộ đội hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh.

Ý đồ Hán hóa

Lịch sử Việt Nam từ xa xưa với Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo đánh bại đoàn quân giặc nhưng gần đây xung đột biên giới, đụng độ trên Biển Đông là nhắc nhở dân Việt về ý đồ Hán hóa nước Việt từ phương Bắc vẫn còn.
"Nếu không cảnh tỉnh, cùng nhau đoàn kết trong tinh thần Diên Hồng thì hiểm họa lại bị Bắc thuộc có thể xảy ra."
Nếu không cảnh tỉnh, cùng nhau đoàn kết trong tinh thần Diên Hồng thì hiểm họa lại bị Bắc thuộc có thể xảy ra.
Nhiều người Việt đã nhận thức được điều này. Trong nước dù có những khó khăn, nhưng để khơi dậy tinh thần Diên Hồng nên từ vài năm qua, đặc biệt là vào đầu năm nay nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa, một số cơ sở truyền thông đã nhắc đến trận chiến và sự hy sinh của 74 binh lính Việt Nam Cộng hòa trong việc bảo vệ Tổ quốc.
Mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tán đồng việc đưa chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình giáo khoa. Tuy nhiên các báo sau khi đưa tin về đề nghị này lại phải gỡ bài xuống, rồi chương trình tưởng niệm Hoàng Sa tại Đà Nẵng bị hủy bỏ vào giờ chót. Những sự kiện đó cho thấy sự phức tạp của vấn đề.
Ngày 17/2 vừa qua là mốc thời gian ghi dấu 35 năm cuộc chiến tranh chống lại tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Ở thủ đô Hà Nội, sáng Chủ nhật 16/2 dự trù có tập họp tưởng niệm trước tượng đài Lý Thái Tổ, nhưng nơi đây đã bị giới chức chính quyền giành chỗ, cho dựng sân khấu và đúng lúc cuộc biểu tình diễn ra, giới chức năng thành phố đã mở nhạc cho ca hát nhảy múa, một việc làm bị nhiều người lên án là hành động vô ơn và sỉ nhục đối với anh linh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ.
Tại Sài Gòn, tuy số công an theo dõi đông hơn số người tham dự, sáng 18/2 khoảng 30 nhân sĩ, trí thức đã tụ họp dưới tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh để tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979.
Xét về ý nghĩa thì địa điểm tại Sài Gòn thật thích hợp với truyền thống dân tộc vì nơi đó mang danh những anh hùng đã được người Việt của mọi thời đại tôn vinh.
Dấu tích lịch sử chống xâm lăng từ phương Bắc của dân tộc Việt được thể hiện qua việc đặt tên đường phố, tên đơn vị hành chánh trên toàn lãnh thổ, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội và tại Sài Gòn, thủ đô cũ của Việt Nam Cộng Hòa.
Biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco để phản đối chính sách bành trướng của Bắc Kinh (ảnh Bùi Văn Phú)

Không nên ngăn cản

Hà Nội có con phố và một quận mang tên Hai Bà Trưng thì Sài Gòn một thời cũng đã có con đường lớn ghi công hai vị nữ anh hùng cỡi voi dẹp quân phương Bắc. Trước năm 1975, lễ Hai Bà Trưng được tổ chức lớn tại thủ đô miền nam.
Sài Gòn và Hà Nội đều có đại lộ Trần Hưng Đạo là dũng tướng dẹp quân Nguyên, có đường Lý Thường Kiệt là tác giả bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt: “Nam quốc Sơn hà Nam đế cư”. Sài Gòn đã từng có những trường cấp ba mang danh Trưng Vương và Hưng Đạo.
Thủ đô của Việt Nam ngày nay có đường Quang Trung, anh hùng đại phá quân Thanh, có quận Đống Đa. Trung tâm Sài Gòn giờ vẫn còn phố Nguyễn Huệ là một tên khác của vua Quang Trung, vẫn có đại lộ Lê Lợi ghi công anh hùng áo vải đất Lam Sơn đã thắng quân Minh, có đường Trần Bình Trọng, bị giặc bắt và đã để lại câu nói bất hủ “Ta thà là quỉ nước nam còn hơn làm vua đất bắc”. Những con đường lịch sử đó của Sài Gòn đã có từ hơn nửa thế kỷ.
Những năm qua một số tỉnh thành đã đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa là sự khẳng định chủ quyền quốc gia trên những vùng đất đó.
"Trước hiểm họa mất đất mất biển là có thật, nhà nước không nên ngăn cản sinh hoạt tưởng niệm những người đã chết để bảo vệ Tổ quốc và cũng không nên phân biệt những chiến binh đã hy sinh."
Tuy nhà nước có tỏ động thái bảo vệ lãnh thổ một cách hòa bình và trong tinh thần ngoại giao, nhưng mặt khác lại có những sự việc làm nhiều người bức xúc. Đó là khi dân muốn biểu tỏ lòng yêu nước qua những phát biểu, những bài viết hay những cuộc xuống đường để phản đối chính sách hung hãn, âm mưu lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc thì lại bị ngăn cản.
Trong một số trường hợp nhà nước còn bỏ tù nhiều người, như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phương Uyên, Tạ Phong Tần. Nhiều người lên tiếng phản đối chính sách xâm lăng của Bắc Kinh đã bị trấn áp dưới nhiều hình thức.
Trước hiểm họa mất đất mất biển là có thật, nhà nước không nên ngăn cản sinh hoạt tưởng niệm những người đã chết để bảo vệ Tổ quốc và cũng không nên phân biệt những chiến binh đã hy sinh, dù họ đứng ở phía nào trong cuộc chiến Nam Bắc trước đây, dù bỏ mình ở Hoàng Sa năm 1974, dọc biên giới phía Bắc năm 1979 hay ở Gạc Ma năm 1988.
Như thế mới khơi dậy được tinh thần Diên Hồng trong lòng dân Việt trước sự đe dọa từ phương Bắc ngày một lớn. Như thế mới thể hiện được tinh thần dân tộc như đã biểu hiện qua những hùng ca vang tiếng: Hội nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang; hay như ca từ trong một bài hát được nhiều người lắng nghe: “Truyền thống cha ông, gìn giữ non sông / Từ thuở Thăng Long vẫn mang trong lòng…”
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California

Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

No comments:

Post a Comment