Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, March 16, 2014

Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (45)

Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (45)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website http://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ  Năm (1950-1954)/Chương I: “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG GIỮA HAI GỌNG KÌM THỰC DÂN-CỘNG SẢN” (Phần 1)
Thiên Thứ NĂM (1950-1954)


Chương I: VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG GIỮA HAI GỌNG KÌM THỰC DÂN-CỘNG SẢN”  (Phần 1)
XÂY DỰNG LẠI CƠ SỞ ĐẢNG 
 Sau tiếng súng nổ đêm 19 tháng 12 năm 1946, có một số đảng viên các đảng phái Quốc Gia bị mắc kẹt trong thành phố Hà Nội. Sau hơn năm tháng trời lần hồi, tình hình khá yên tĩnh, họ mới liên lạc được với nhau.
 Nhóm họ Nghiêm, họ Trần, họ Đào được Cao Ủy Pháp giao cho ra tờ báo “Thời Sự” để thay cho tờ “Trật Tự” là cơ quan thông tin do Chính trị vụ Cao Ủy phủ phụ trách.
 Mục đích của nhóm họ Nghiêm lúc đó là muốn dùng tờ “Thời Sự” làm cơ quan và đội lốt VNQDĐ mời ông Ngô Đình Diệm (lúc đó nằm trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Nam Đồng Thái Hà ấp) làm lãnh tụ để cộng tác với Pháp. Vì vậy họ Nghiêm mới xin với Pháp xung công nhà in và là trụ sở của tòa báo “Việt Nam” cũ ở số 80 đường Quan Thánh làm tòa báo “Thời Sự”. Đồng thời xin tòa nhà số 90 cũng ở đường Quan Thánh làm bản doanh cho lãnh tụ họ Ngô. Nhưng sự mưu toan của họ Nghiêm không được các đồng chí VNQDĐ tán thành, và ông Ngô Đình Diệm cũng không trở về ở căn nhà số 90 đường Quan Thánh, rồi sau đó xuất dương qua Âu Châu.
 Không tán thành đường lối của họ Nghiêm, vì các đồng chí VNQDĐ lý luận rằng VNQDĐ là một đảng từng có một lịch sử chống xâm lăng vẻ vang, thì mặc dầu trong cuộc kháng chiến, đảng mình không đóng vai trò chủ động, nhưng bổn phận là đảng viên VNQDĐ không ai được phép làm hoen ố lịch sử và làm sai lạc lập trường tranh đấu của Đảng.
 Tuy nhiên quyết nghị này được giữ kín đối với nhóm họ Nghiêm để tránh sự phản ứng có hại cho việc xây dựng lại các cơ cấu tổ chức Đảng. Cũng vì vậy mà một số cán bộ được quyết định ở lại cộng tác với họ Nghiêm. Số cán bộ này có nhiệm vụ ngăn đón, tránh cho những đồng chí mới hồi cư khỏi lầm lạc sa vào tổ chức của họ Nghiêm.
 Cấp Trung ủy QDĐ còn lại ở Hà Nội khi ấy duy có Phan Trâm thì ẩn náu trong Lãnh sự quán Trung Hoa, Nguyễn Văn Chấn cũng lánh mặt một nơi kín.
 Có một số đồng chí liên lạc được với nhau tạm tổ chức thành một cơ quan duy nhất “Thị Bộ Hà Nội” dưới sự lãnh đạo của Lê Ngọc Chấn tức Quang Minh. (1)
 Công tác chính của Thị Bộ lúc đó là tìm liên lạc với các đồng chí bị mắc kẹt trong thành phố, và tiếp cư các đồng chí trở về thành, mà đường lối là “thụ động kháng chiến” bằng phương pháp bất đề kháng.
 Vào khoảng lối cuối năm 1947, qua đầu năm 1948, số đồng chí hồi cư cùng dân chúng thành phố đã khá đông đảo, và sự liên lạc với các tỉnh đã có phần dễ dãi đôi phần, nên “Bắc Bộ Khu VNQDĐ” cũng được tái lập.
Hoạt động của Đảng cũng được tích cực hơn, nhiều lớp huấn luyện sơ cấp và trung cấp được mở ra cho từng nhóm 6, 7 đồng chí một, để cung ứng kịp thời cán bộ cho các cấp và các địa phương. Đường lối và chủ trương tranh đấu của Đảng lúc này cũng được phổ biến qua tờ bích báo, tuần san “Nguồn Sống”.
 Các ngày lễ của Đảng như Kỷ Niệm Ngày Thành Lập Đảng, Ngày Tổng Khởi Nghĩa, ngày các vị liệt sĩ lên máy chém Thực dân đều được kỷ niệm xứng đáng bằng các công tác rải truyền đơn, dán biểu ngữ, diễn thuyết tại các trường học, v.v…
 Trước sự lớn mạnh của VNQDĐ, Thực Dân Pháp đã bắt đầu e dè, trụ sở ở phố Cửa Nam và một vài nơi khác lần lượt bị khám xét.
 Để chống đỡ, “Bắc Bộ Khu VNQDĐ” đành phải quyết nghị dụng kế khai trừ Nhượng Tống, để Nhượng Tống có đủ tín nhiệm là Cố vấn Chính trị cho Tổng Trấn họ Nghiêm.
 Nhiệm vụ của Nhượng Tống là chống đỡ cho Đảng về mặt chính trị, duy trì sự liên lạc và giữ vững tinh thần đồng chí đã tham chính.
 Tuy chịu hy sinh cho khổ nhục kế, nhưng với tấm lòng nhiệt thành yêu Đảng, yêu Tổ Quốc, quí mến đồng chí của Nhượng Tống; sự khai trừ đó không làm giảm sút sự kính mến của các đồng chí đối với Nhượng Tống. Vì vậy mà khi hay tin Nhượng Tống bị kẻ thù ám hại, (2) các đồng chí đều thương xót vô cùng.
 Sau khi Nhượng Tống chết rồi, sự mâu thuẫn giữa Lê Ngọc Chấn với các lãnh tụ vẫn ngấm ngầm và trở nên quyết liệt khi Vũ Hồng Khanh và các đồng chí Hải Ngoại trở về nước lần thứ hai vào tháng Giêng 1950. 
 ———————
Ghi Chú:
(1) Lê Ngọc Chấn xuất thân tri huyện. Gia nhập VNQDĐ từ sau ngày CS đoạt được chính quyền tháng 8 năm 1945. 
(2) Nhượng Tống chính tên là Hoàng Phạm Trân, sinh năm Giáp Thìn (1904) tại làng Phú Khê, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thân phụ của ông đậu Tú Tài, cảnh gia đình rất thanh bạch. Nhượng Tống bẩm tính hiền hậu, nhưng rất thông minh. Được thụ giáo Hán học đến năm 16 tuổi, rồi đến làm con nuôi ông Phạm Bùi Cầm ở phủ Lý Nhân, thuộc tỉnh Hà Nam. Tự học Quốc Văn và Pháp Văn. Nhượng Tống không có một văn bằng nào cả, nhưng học lực rất uyên bác.
 Năm 1924, được giới thiệu vào làm trợ bút cho “Thực Nghiệp Dân Báo” ở Hà Nội, ký dưới bút hiệu Nhượng Tống.
 Năm 1926, cùng Phạm Tuấn Tài, Phạm Quế Lâm thành lập “Nam Đồng Thư Xã”. Năm 1927, cùng Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch cùng một số đồng chí khác, thành lập VNQDĐ. Năm 1929, bị Hội Đồng Đề Hình kết án 10 năm cấm cố lưu đày ra Côn Đảo.
 Cuối năm 1936, được ân xá trở về nguyên quán để chịu nốt cái án 5 năm biệt xứ. Trong thời gian này, Nhượng Tống sinh sống bằng nghề làm thầy lang và bán thuốc Bắc tại chợ Thành Cách thuộc huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam. Ngoài thì giờ làm nghề thầy lang hốt thuốc, Nhượng Tống còn chuyên chú vào việc phiên dịch các tác phẩm Trung Hoa: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Đạo Đức Kinh, Sử Ký Tư Mã Thiên, Ly Tao, Mái Tây, Thơ Đỗ Phủ, v.v… toàn là những áng văn có giá trị và khó phiên dịch nhất. Ngoài ra còn sáng tác vở chèo Hoàng Diệu, Phất Cờ Nương Tử, Nguyễn Thái Học, tiểu thuyết dài “Lan và Hữu”, v.v…
 Sau khi mãn hạn 5 năm biệt xứ, Nhượng Tống mới rời chợ Thành Cách trở ra Hà Nội, sinh sống với nghề viết văn, và lại bắt đầu hoạt động công tác Đảng.
 Năm 1948, Nhượng Tống được mời ra làm Cố Vấn Chính Trị cho Tổng Trấn Nghiêm Xuân Thiện, nhưng lại sống bằng nghề thầy lang, mở cửa hàng bào chế thuốc Bắc tại căn nhà số 128 phố Chợ Hôm, Hà Nội.
 Sang ngày 26 tháng 7 năm Kỷ Sữu (20-8-1949), vào hồi 8 giờ sáng, Nhượng Tống vừa đi chơi tổ tôm về, mệt mỏi định đi nghỉ thì có một đứa nhỏ đến mời đi thăm bệnh cho người cha của nó bị bệnh nặng, nhà ở sau khu nhà rượu. Nhượng Tống từ chối không muốn đi, nhưng sau lại nghĩ “cứu nhân như cứu hỏa”, nên ông lại khoác áo ra đi.
 Vì quãng đường không bao xa, nên Nhượng Tống cùng đứa nhỏ lững thững đi bộ.
 Đi được một quãng cách nhà của ông độ 500 thước, thì có một tên lạ mặt đi xe đạp tiến lên bắn một phát súng lục xuyên qua gáy chết.
 Có nhiều giả thuyết về cái chết của Nhượng Tống, nhưng theo sự điều tra riêng của tác giả thì tên lạ mặt bắn Nhượng Tống chết là Nguyễn Văn Kịch người làng Mai Động, Quỳnh Lôi, ngoại thành Hà Nội, là biệt đội nội thành của CS.
 Chứng cớ cụ thể, là ngay sau khi Nhượng Tống bị ám sát, CS đã cho tuyên truyền ầm ỷ ở hậu phương, xác nhận chính CS đã thi hành xong bản án xử tử Nhượng Tống năm 1945.

No comments:

Post a Comment