Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, March 9, 2014

Mùa Xuân của những người mù xứ Huế


Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-02-26
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
nguoi-mu-1-305.jpg
Những cụ già trong hội người mù Hương Vinh, Huế.
RFA

Những ngày đầu năm ở Huế mưa nhì nhằng, thời tiết lạnh và buồn. Với người lành lặn, mùa xuân trở nên ảm đạm và lười biếng chẳng muốn đi đâu, còn với người mù, những trận mưa xuân tiềm ẩn mối nguy hiểm khó lường vì âm thanh bị nhiễu loạn và có thể bị va chạm bất kì lúc nào. Chúng tôi đến thăm Hội người mù Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế trong dịp các hội viên ở đây nhận quà cứu trợ từ gia đình Việt kiều Trần Dật, một gia đình có bề dày bền bĩ gần hai mươi năm gắn với những cuộc đời nghèo khổ, không may.

Sứ mệnh của đôi bàn tay

Ông Trần Dật, mạnh thường quân trong chuyến đi chia sẻ: “Họ là những người mù không thấy cuộc đời, nhưng tâm họ biết được. Họ là người bất hạnh, họ có thể nghe mà không được thấy, cho nên mình chia sẻ với họ những nỗi niềm đó. Mình để họ thấy cuộc đời vẫn có những người bên họ, nghĩ đến họ, để họ hy vọng, tin tưởng và sống. Nghĩ về họ, thấy họ, mình thấy mình rất may mắn vì có hai con mắt để nhìn thấy cuộc đời, cho nên những việc mình làm xuất phát từ những cảm xúc đó, đó là một điều mình nên làm!”

Cũng theo ông Dật, đối với con người nói chung và với người mù nói riêng, đôi bàn tay có sứ mệnh dẫn đường. Nếu như với người lành lặn, đôi bàn tay dẫn dắt con người đi từ sự cảm thông này đến nỗi ưu tư, thao thức nọ thì đối với người không may mắn, rơi vào hoàn cảnh mù lòa, đôi bàn tay mang ý nghĩa làm con mắt thứ hai, cảm nhận ánh sáng và bóng tối, cái ác và cái thiện.
Giải thích vấn đề vừa nêu, ông Dật nói rằng đôi bàn tay con người có ba sứ mệnh chính gồm úp xuống, ngửa lên và xoa vào nhau. Bởi vì bàn tay con người luôn biết úp xuống, san sẻ một chút hơi ấm và sự may mắn của mình cho đồng loại nghèo khổ, bất hạnh hơn mình. Và một khi không may, mình rơi vào hoàn cảnh khốn khó, gian nan, bàn tay lại hoan hỉ ngửa ra đón nhận sự chia sẻ của đồng loại từ một bàn tay khác đang úp lên bàn tay mình.
Để rồi, trong một ngày nào đó, ai rồi cũng có đôi lần ngậm ngùi phủi hai bàn tay và nhau để thẩy những hạt bụi đất cuối cùng xuống huyệt mộ của người thân như một lời an ủi, tiễn biệt. Không có ai thoát khỏi những sứ mệnh này, vấn đề là thấy hay không thấy mà thôi! Bàn tay con người tuy làm rất nhiều nhưng xoay quanh những sứ mệnh tưởng là rất đơn giản này.
Cũng vì luôn thao thức và luôn lắng nghe bàn tay chìa về hướng nào, đối với gia đình ông Trần Dật, Tết về, ngoài ý nghĩa là cuộc đại đoàn tụ gia đình, về quê ăn Tết, thắp nhang gia tiên, Tết còn là cuộc hành hương đến viếng những cái nghèo. Bởi nghèo là thủy tổ, là căn phận sâu xa của người Việt Nam, thăm cái nghèo, chia sẻ với cái nghèo cũng giống như thăm lại quá khứ, tiền thân và chia sẻ cũng là cách tự làm ấm tâm hồn mình sau nhừng tháng ngày đau đáu xa quê.
Một hội viên người mù Hương Vinh tên Nguyệt, chia sẻ với chúng tôi: “Dù muốn hay không thì chúng tôi cũng bị mù. Thi thoảng chúng tôi cũng nhận được quà, nhưng không quý ở phần quà mấy anh chị à, mà cốt quý ở tấm lòng chứ nhiều khi quà cũng không quan trọng. Đầu năm mà nhận được quà thế này là may lắm, rất vui ! Rất cám ơn gia đình Bác!”
nguoi-mu-1-250.jpg
Những em bé hội viên Hội người mù Hương Vinh, Huế. RFA PHOTO.
Cô Nguyệt cho biết thêm là thu nhập bình quân của người mù rất thấp, mỗi ngày chưa đến 30 ngàn đồng với nghề vót tăm tre cung cấp cho cơ sở làm nhang. Hội người mù Hương Vinh lên đến hơn 100 hội viên nhưng có hoạt động cách gì vẫn không thể chống chọi lại được cơn lốc của bão giá. Trước đây, với thu nhập mỗi ngày 30 ngàn đồng có thể trang trải qua ngày. Nhưng đến thời điểm hiện nay, ba mươi ngàn đồng không đủ trang trải ba bữa cơm dù rất đạm bạc. Chính vì thế, ngày đầu năm, có ai đó lì xì cho vài đồng hoặc tặng cho một món quà, cảm giác vui mừng chẳng kém gì trẻ con được cho kẹo.
Bởi vì với người mù, khái niệm thời gian và không gian rất mơ hồ, ánh sáng của người mù là một màng đêm dày cộm âm thanh cuộc đời, màu sắc của người mù không có gì khác ngoài những cảm xúc vui, buồn, hỉ nộ ái ố mà họ trải qua suốt một ngày dài. Trong các khu nhà, chỉ có nhà của người mù là không bao giờ tốn tiền điện mà chỉ tốn tiền nhang diệt muỗi, vì một khi đã không thấy gì thì có thắp đèn hay không thắp đèn cũng như nhau. Chỉ cần nhang diệt muỗi bởi căn nhà u ám, tối như mực của họ là nơi muỗi mòng dễ sinh sản, hoành hành.
Chị Nguyệt kể thêm là trong thời đại xe cộ nghẹt đường như thế này, chuyện tai nạn đối với người mù rất dễ xãy ra. Trong hội từng có người bị rơi xuống hố cột điện gãy chân tay, bể xương bàn tọa, cũng có người từng bị một thanh niên say rượu tông xe đến gãy sống lưng. Nói chung, mọi tai nạn luôn rình rập người mù. Trong khi đó, người mù chỉ biết chìa bàn tay hoặc cây gậy về phía trước để dọ dẫm cuộc đời.

Những người mù bán chổi tội nghiệp

Nếu như đầu năm, đến thăm hội người mù chỉ cảm nhận được ở đây một bầu không khí ảm đạm, hiu hắt, không tiếng nói cười, cảm giác như đang có những tiếng thở va chạm nhau trong không gian, thì những ngày cuối năm, trên mọi nẻo đường cố đô, tiếng rao dài thê thiết của người mù bán chổi lại tao ra một phức hợp âm thanh khá đặc biệt.
Giữa tiếng xe cộ rộn chộn rộn và inh ỏi, giữa tiếng người mua bán trả chác, tiếng rao bán chổi của người mù lọt thỏm, yếu ớt nhưng lại tràn ngập nỗi gắng gượng, cố ngoi lên để bứt thoát khỏi những bức tường âm đè nặng trên đôi chân có khi phải đi bộ mỗi ngày vài ba chục cây số.
Ông Cứ, một hội viên người mù Hương Vinh chia sẻ, hội người mù Hương Vinh có số lượng hội viên rất đông, có cụ đã lên đến 90 tuổi, cũng có những em bé chỉ được vài ba tuổi. Tất cả quần tụ về đây để chia sẻ, thông cảm với nhau, người nào làm được việc gì thì cứ làm để chia sẻ cho những em bé mồ côi, không nơi nương tựa và cũng bị mù lòa. Dường như các thành viên trong hội, ít ai để ý đến chuyện nhà nước có tài trợ cho mình những gì và vào hội mình được gì.
Mà những người mù đến hội, tham gia hoạt động hội thông qua những trao đổi, chia sẻ, tự bươn bả kiếm cơm ngoài đời, đến khi về nhà, lại ngồi với nhau để san sẻ vui buồn, tự đấm bóp, xoa dầu vào những chỗ đau của nhau sau một ngày dài va quẹt, đụng chạm với thế giới bên ngoài.
Với những em bé hội viên nhỏ tuổi, đến hội người mù để được các ông, bà, cô, chú dạy cho cách đọc chữ nổi, cách miết ngón tay lên tờ giấy bạc để phân biệt tờ này mấy đồng, tờ kia bao nhiêu. Và đặc biệt, những bộ áo quần mới do người lớn may cho những em bé mồ côi cũng làm cho chúng bớt lạnh, bớt cô đơn mỗi khi Tết về.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment