UPR là gì?
UPR (Universal Periodic Review) là thủ tục Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát đối với tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc (chứ không phải là chỉ với các thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc - như một số người có thể lầm tưởng vì thấy Việt Nam chuẩn bị tiến hành “làm UPR” sau khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc).
Sáng kiến UPR được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 15/3/2006. Tất cả các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc đều lần lượt thực hiện thủ tục kiểm điểm định kỳ này, khi nào hết một vòng (gần 200 quốc gia) thì lại tiếp tục vòng thứ hai, thứ ba... cứ thế quay vòng. Hiện nay, hoạt động kiểm điểm định kỳ đã được thực hiện sang vòng thứ hai.
Một quốc gia, khi tiến hành kiểm điểm UPR, sẽ phải báo cáo trước Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền của nước mình, những gì chính quyền đã làm để cải thiện nhân quyền cho người dân và đã tuân thủ các nghĩa vụ của mình về nhân quyền như thế nào.
Bao giờ đến phiên Việt Nam?
Mỗi năm, Nhóm Làm Việc về UPR của Liên Hiệp Quốc tổ chức ba kỳ họp, mỗi kỳ kéo dài khoảng hai tuần. Tại mỗi kỳ, có 16 quốc gia được/bị xét duyệt về tình hình nhân quyền. Như vậy, trong một năm, với ba kỳ UPR, có 48 quốc gia điều trần, mỗi nước điều trần trong vòng ba tiếng đồng hồ.
Và trong vòng bốn năm 2008-2011 (vòng UPR đầu tiên), đã có 192 quốc gia thành viên của LHQ thực hiện thủ tục Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.
Bước sang vòng UPR thứ hai, bắt đầu từ năm 2012 đến năm 2016, người ta đã điều chỉnh lại: Mỗi năm, Nhóm Làm Việc về UPR của Liên Hiệp Quốc vẫn tổ chức ba kỳ họp, nhưng mỗi kỳ có 14 (chứ không phải 16) quốc gia được/bị xét duyệt. Vậy là mỗi năm, với ba kỳ UPR, có tổng cộng 42 quốc gia điều trần, mỗi nước phải điều trần trong vòng ba tiếng rưỡi.
Việt Nam đã có một lần thực hiện thủ tục UPR, vào kỳ UPR thứ năm, tổ chức vào 4-15/5/2009. Lần tham gia sắp tới của Việt Nam là lần thứ hai, vào kỳ UPR thứ 18, kéo dài từ 27/1 đến 7/2/2014. Buổi trình bày của Việt Nam được tiến hành ngày 5/2.
Ai có quyền “kiểm điểm” Việt Nam?
Nhóm Làm Việc về UPR của Liên Hiệp Quốc là cơ quan có quyền kiểm điểm, đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Căn cứ vào đâu để “kiểm điểm”?
Nhóm Làm Việc về UPR của Liên Hiệp Quốc căn cứ vào ba nguồn thông tin - dữ liệu sau:
1. Báo cáo quốc gia, tức là báo cáo của Chính phủ Việt Nam (hay như chúng ta đều biết, của “Đảng và Nhà nước Việt Nam”).
2. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc, bao gồm:
- Thông tin từ các chuyên gia và nhóm nghiên cứu độc lập về nhân quyền (gọi là “Báo cáo viên Đặc biệt” của Liên Hiệp Quốc - UN Special Rapporteur). Hiện nay Liên Hiệp Quốc có 37 Báo cáo viên Đặc biệt, đều là những chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Ví dụ, ông Frank William La Rue - Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do ngôn luận và biểu đạt - là một luật sư và nhà báo nổi tiếng người Guatemala.
- Thông tin từ các định chế nhân quyền khác của Liên Hiệp Quốc (ví dụ từ Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, từ Ủy ban Các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, v.v...). Hiện nay Liên Hiệp Quốc có 10 định chế như vậy.
Chính phủ Việt Nam không hào hứng với việc để cho các Báo cáo viên Đặc biệt vào nước mình, và đến nay đã từ chối nhiều người, trong đó có ông Frank La Rue, không cho họ vào Việt Nam “thanh kiểm tra” tình hình nhân quyền trong lĩnh vực chuyên môn liên quan. Trường hợp có người được chấp nhận cho thăm Việt Nam thì báo chí cũng chỉ được đưa tin một cách hạn chế, theo đúng định hướng.
3. Báo cáo của các bên liên quan (stakeholders), trong đó có cả xã hội dân sự, tức là các tổ chức phi chính phủ.
Đảng và Nhà nước, cho đến nay, “quản lý” khá tốt xã hội dân sự - từ “quản lý” là cách nói giảm nói tránh của “kiểm soát”. Cho nên, có thể thấy là ở Việt Nam không tồn tại xã hội dân sự thực chất với sự tồn tại của các tổ chức phi chính phủ độc lập. Nói cách khác, xã hội dân sự ở nước ta được dựng nên chủ yếu nhờ các tổ chức phi chính phủ của chính phủ (GONGO).
Dựa vào ba nguồn thông tin - dữ liệu tham khảo nói trên (của nhà nước, của Liên Hiệp Quốc, và của xã hội dân sự), Nhóm Làm Việc về UPR của Liên Hiệp Quốc sẽ tiến hành đánh giá, xét duyệt, kiểm điểm (review) tình hình nhân quyền của quốc gia được/ bị kiểm điểm định kỳ.
Kỳ sau: Các nước làm gì trong buổi điều trần?
No comments:
Post a Comment