Cập nhật: 07:20 GMT - thứ hai, 27 tháng 1, 2014
Bà Huỳnh Thị Huyền Như, cựu cán bộ ngân hàng VietinBank, lãnh án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong phiên tòa kết thúc trưa thứ Hai 27/1.
Hội đồng xét xử cũng phán quyết rằng VietinBank "không biết về các hành vi lừa đảo" của bà Như nên không phải chịu trách nhiệm về khoản tiền lừa đảo lên tới 4.000 tỷ đồng (200 triệu đôla Mỹ).
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Tổng cộng 23 bị cáo đã ra tòa trong phiên xử kéo dài ba tuần với các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cho vay nặng lãi và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Ngoài bà Như, 5 bị cáo khác bị từ 9 tới 20 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
12 bị cáo bị từ 4 tới 17 năm tù vì tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Hai bị cáo bị 7 và 14 năm tù tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
5 bị cáo bị tội Cho vay nặng lãi, án nặng nhất là 1 năm cho hưởng án treo.
Bà Huỳnh Thị Huyền Như, 35 tuổi, còn bị 6 năm tù giam vì tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp các hình phạt là án chung thân.
Bà cũng phải bồi thường bên bị hại, gồm 9 tổ chức, 3 ngân hàng và 3 cá nhân, gần 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên khả năng hoàn lại số tiền này gần như không có.
Trách nhiệm của VietinBank
Sau khi phán quyết của tòa được đưa ra, thắc mắc về vai trò và trách nhiệm của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) vẫn chưa được giải tỏa.
Bà Như nguyên là phó Phòng Quản lý rủi ro của VietinBank, chi nhánh TP.HCM. Bà bị bắt tạm giam từ tháng 10/2011.
Hội đồng xét xử cho rằng trong vụ lừa đảo này, bà Huỳnh Thị Huyền Như là chủ mưu, đã nhận hoàn toàn trách nhiệm và VietinBank không hay biết về các hành vi lừa đảo của bà.
"Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước - cơ quan chủ quản VietinBank, một ngân hàng quốc doanh, với trách nhiệm quản lý nhà nước và chủ sở hữu vốn nhà nước là rõ ràng, đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Tại phiên tòa, các luật sư đều đã đưa ra nhiều lập luận quy trách nhiệm cho VietinBank nhưng đều bị Viện Kiểm sát bác bỏ, giữ nguyên kết luận Vietinbank không có trách nhiệm.
Trong số các bên bị hại có công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank-Berjaya (SBBS) bị chiếm đoạt 210 tỷ đồng. Công ty này có chủ người Malaysia do vậy đại diện công ty này nói chính phủ Malaysia 'quan tâm vụ án'.
SBBS đòi VietinBank bồi thường thiệt hại, nhưng không được chấp thuận.
Vụ án, được biết dưới tên Đại án 4.000 tỷ đồng, được cho là vụ xử lừa đảo lớn nhất nước.
Bình luận về vụ này, Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo: "Hệ quả sẽ rất nghiêm trọng".
"Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước - cơ quan chủ quản VietinBank, một ngân hàng quốc doanh, với trách nhiệm quản lý nhà nước và chủ sở hữu vốn nhà nước là rõ ràng, đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."
Ông Doanh cũng đặt câu hỏi về tác động của đại án này đến toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh và hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung: "Liệu còn bao nhiêu 'Huyền Như' khác chưa bị phát hiện?"
Niềm tin của người dân sau vụ này vào các ngân hàng, trước tiên là VietinBank, chắc chắn giảm sút.
Trên các mạng xã hội đã có kêu gọi người dân rút tiền gửi khỏi VietinBank.
No comments:
Post a Comment