Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, January 19, 2014

Hoàng Sa và Trường Sa nhìn từ chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979


Nayan Chanda (Far Eastern Economic Review), Trần Quốc Việt (Danlambao) lược dịch - Mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố rút quân ra khỏi Việt Nam và Hà Nội nói sẵn sàng cho phép quân Trung Quốc rút quân êm thắm, nhưng cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt hoàn toàn chưa kết thúc. Quân đội Trung Quốc, tuy rút chậm chạp và nhỏ giọt về lại Trung Quốc sau chiến dịch tấn công 17 ngày, nhưng vẫn có ý định bám giữ hàng chục vị trí nhỏ nhưng chiến lược trên biên giới miền núi này-những nơi mà Bắc Kinh coi là của mình nhưng lại là những nơi Hà Nội tranh chấp.

Người Trung Quốc có ý định chiếm đóng những vị trí này vì những lý do chiến lược cũng như dùng chúng làm lá bài mặc cả cho một giải pháp toàn diện với Việt Nam về Vịnh Bắc Bộ và các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây dành cho một tờ báo Nhật, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm tiết lộ những khu vực tranh chấp dọc theo biên giới Trung-Việt chỉ có 60km vuông nằm rải rác trên khắp biên giới và ở một nơi hai bên tranh chấp về một diện tích chưa tới một km vuông. Thật sự những khu vực tranh chấp nhỏ đến mức các quan sát viên khó mà chỉ đúng và chính xác.

Mỉa mai thay, một khu vực ai cũng biết là 300 mét đường sắt gần Hữu Nghị Quan. Một khu vực khác là một bãi cát trên sông gần Móng Cái. Trong bất kỳ hoàn cảnh bình thường nào cuộc xung đột về những tấc đất lãnh thổ nhỏ bé như thế lẽ ra được giải quyết không có vấn đề gì, nhưng các quan sát viên cảm thấy rằng trong bầu không khí xung đột hiện nay không bên nào muốn thấy bên kia chiếm được ngọn đồi hay bờ sông đang tranh chấp.

Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của những khu vực tranh chấp nhỏ này thiên về biểu tượng hơn về quân sự. Sự chiếm đóng lâu dài của Trung Quốc sẽ luôn luôn gợi cho người Việt Nam nhớ lại cuộc tấn công của Trung Quốc và nhắc nhở họ về sự cần thiết phải có một giải pháp toàn diện. Thật ra, Lý Tiên Niệm nói Trung Quốc sẵn sàng nhường cho Việt Nam khu vực tranh chấp nếu Hà Nội hành xử hợp lý về những vấn đề lãnh thổ khác - phân chia hải phận ở Vịnh Bắc Bộ và các quần đảo trên biển Đông.

Theo Lý Tiên Niệm, trước đây Trung Quốc sẵn sàng chia đôi vùng biển Vịnh Bắc Bộ "năm mươi năm mươi" với Việt Nam, nhưng ở bàn thương lượng Hà Nội đã vẽ đường biên kiểm soát gần đảo Hải Nam. Lý Tiên Niệm cũng nói rằng vào năm 1956 Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng tán thành tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng kể từ cuối năm 1975 Việt Nam đã tuyên bố hai quần đảo ấy là của họ và đã và đang kiểm soát một phần quần đảo Trường Sa, còn Hoàng Sa hiện nay đang đặt dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Vào năm 1977 theo nhiều người kể lại thì Phạm Văn Đồng nói về lập trường của ông vào năm 1956 như sau: "Thời kỳ ấy là thời kỳ chiến tranh cho nên tôi phải nói như vậy."

Nguồn: Tạp chí Far Eastern Economic Review 16/3/1979. Tựa đề của người dịch. Nguyên tác tiếng Anh "End of the battle but not of the war".





Bản tiếng Việt:

No comments:

Post a Comment