Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, January 19, 2014

Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (31)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website http://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương VIX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 7)
Thiên Thứ Ba (1940-1946)
CHƯƠNG VIX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 7)

THỦ ĐOẠN ĐÀN ÁP CỦA CỘNG SẢN
Cầu Chiêm Sơn tại tỉnh Quảng Nam
Trước sự bành trướng của lực lượng Việt Quốc ở Đệ Thất Khu bộ, nhất là ở các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam, trước sự hưởng nhiệt liệt của nhân dân các giới, trước dân khí hào hùng truyền thống của cách mạng Nam-Ngãi. Xứ ủy Trung Việt Trần Hữu Dực, Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu của Cộng Sản nói riêng, Tổng Bộ Việt Minh nói chung, quyết định đàn áp đối lập để giữ vững địa vị của họ. Muốn giành lấy chính nghĩa và dễ bề lừa bịp quần chúng, che đậy bộ mặt độc tài phi nhân, không ngần ngại dùng những thủ đoạn bịa đặt, vu khống bỉ ổi mà bọn chính trị gian ác vẫn thường dùng để giữ vững ngôi thống trị. Vì thế ở Hà Nội họ xếp đặt ngụy tạo vụ “Ôn Như Hầu”, thì ở miền Trung, họ cũng xếp đặt giả tạo vụ “Cầu Chiêm Sơn” để triệt hạ cho kỳ được sức hoạt động của các Đảng viên VNQDĐ tỉnh Quảng Nam.
Trước đó ít lâu, bọn cán bộ cao cấp CS như Phan Bôi, Phan Thao đã lập kế mời cụ Chủ nhiệm Phan Khôi ra Hà Nội, để tránh cho cụ sự liên lụy mà họ sắp tạo ra, và tránh dư luận bất lợi cho Mặt Trận Việt Minh.
Ty Công An CS Quảng Nam do Huỳnh Lắm, Trịnh Quang Xuân cầm đầu, nhận lệnh của thượng cấp bố trí công việc đàn áp theo một kế hoạch chung. Trước hết ngầm vận động tên Nguyễn Phúc, tục gọi là Phó Đảnh làm nghề thợ rèn, nhà ở gầm cầu Chiêm Sơn thuộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam.
Rồi một đêm vào hạ tuần tháng 7 năm 1946, khi chuyến xe lửa chở binh sĩ tiếp viện cho mặt trận Nam bộ chạy đến cầu Chiêm Sơn, bỗn dưng ngừng lại, vì thấy có đốt lửa ra hiệu báo nguy. Tưởng là có người bị nạn, nhưng xuống xem, thời lại thấy có người đương tháo đinh bù lon ở dưới gầm cầu; đó là theo lời khai của tài xế trên chuyến xe lửa ấy.
Rồi ngay ngày hôm sau, Phó Đảnh cùng đứa con trai của y 15 tuổi, được Ty Công An đòi đến. Vì đã có sự dỗ dành mua chuộc với giá cả xong xuôi, bắt ép Phó Đảnh phải khai là những đảng viên VNQDĐ do Phan Bá Lân tổ chức với y phá cầu Chiêm Sơn, để cướp khí giới của đoàn quân đi Nam bộ, đặng có số khí giới cướp chính quyền tỉnh Quảng Nam. Kế tiếp, công an CS lại đọc thêm từng tên khác, buộc Phó Đảnh phải ký cung. Nắm được tờ cung khai của Phó Đảnh, công an ra lệnh lùng bắt Phan Bá Lân, Huỳnh Hòa, Phan Ngô và một số đảng viên khác đem về giam, rồi dùng cực hình tra tấn dã man tàn ác hơn cả mật thám thời Pháp thuộc, bắt buộc phải nhận những điều hoàn toàn bịa đặt.
Trong khi đó cán bộ CS mở chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc rầm rộ khắp nơi để hạ uy thế VNQDĐ, gây dư luận hoang mang trong dân chúng, và lấy cớ để khủng bố rộng rãi các cơ sở của VQ ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, … bắt hàng loạt 4, 50 người và khám xét nhà cửa, còng tay giải về huyện lỵ hoặc Ty Công An giam giữ đánh đập tra tấn các chiến sĩ VQ cực kỳ dã man vô nhân đạo, nhất là vì thù oán cá nhân, mà họ đã bắt nhiều lương dân vô tội (không phải là đảng viên VQ hay đảng phái đối lập nào), như gia đình họ Tào, họ Thiêu ở huyện Điện Bàn, và gia đình họ Nguyễn ở huyện Duy Xuyên về tra tấn cực hình đến bỏ mạng tại chỗ. Cảnh tượng khủng khiếp này diễn ra suốt 3, 4 tháng trời liền ở bên trong các phòng khai thác hoặc giam giữ của công an CS.
Về phía cán bộ VQ bị bắt giam vẫn khẳng khái không chịu nhận sự vu cáo đó, họ yêu cầu được đối chất với những can nhân đã khai là có hội họp với họ, nhưng các đương sự kia lại không hề nhận diện Phan Bá Lân, Huỳnh Hòa, Phan Ngô,…
Phó Đảnh khi thấy những người mà mình bắt buộc phải khai ra để được lãnh một số tiền thưởng, không ngờ chính mắt y thấy những người ấy lại bị tra tấn quá dã man, mà y cũng không được thả ra, y quay lại hối hận, rồi xé áo dùng làm dây treo cổ tự tử trong phòng xí. Còn đứa con của y, vì biết rõ âm mưu ấy, CS thấy không thể tha được nữa, buộc lòng đem đập cho chết luôn!
Hoàng Tăng, Đại Biểu công khai của Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam, đã đôi lần đến gặp Chủ tịch UBHC và Ty trưởng Công An Quảng Nam để xin được gặp mặt Phan Bá Lân là Bí thư Tỉnh bộ để hỏi về vụ cầu Chiêm Sơn ấy trước mặt chính quyền cho rõ chân giả, vì Tỉnh Đảng bộ VQ Quảng Nam không hề chủ trương những việc bạo động không hợp chính nghĩa như thế! Nhà cầm quyền CS cứ hứa hẹn dây dưa hoài, trì hoãn hết tuần này sang tuần khác, không hề dám để cho Hoàng Tăng được gặp mặt Phan Bá Lân lần nào cả.
Đồng thời ở các huyện Tam Kỳ, Quế Sơn, Đại Lộc, Hòa Vang, Thăng Bình, Tiên Phước, các Ban chấp hành địa phương lần lượt bị phá vỡ, các Đảng viên bị bắt bớ giam cầm, tra tấn tàn nhẫn. Chính quyền CS mượn cớ là ngăn ngừa hoạt động chính trị bất hợp pháp (không khai báo), quyên tiền trái phép, phá rối an ninh, để đàn áp các tổ chức đối lập. Dư luận dân chúng hoang mang, vì chưa phân biệt được trái phải. Phong trào VQ có phần giảm sút trước cơn khủng bố, song có một số cán bộ và đảng viên cơ sở trung kiên, vì quá phẫn nộ, nên vẫn ngầm tuyên truyền giải thích về thủ đoạn độc tài và lừa bịp của Cộng Sản. Vì thế ở rải rác nhiều nơi, các cán bộ bị bắt cóc, lao xá không còn chỗ nằm, các cấp lãnh đạo lại càng bị giam giữ nghiêm mật hơn.
Kế tiếp thời cuộc có phần nghiêm trọng, hội nghị Phông-ten-nơ-bờ-lô (Fontainebleau) giữa Cộng Sản với Pháp thất bại, chiến tranh có cơ sắp bùng nổ, không khí chính trị ở địa phương lại càng nặng nề hơn. Hoàng Tăng cùng với mấy đồng chí bí mật rút ra Trung ương Hà Nội thỉnh thị ý kiến, hầu tìm một giải pháp thích đáng cho cuộc tranh đấu chung của Đảng. Trước khi ra đi, Hoàng Tăng (23) ủy nhiệm lại cho Nguyễn Long (tức Tại Nguyên) là Chủ nhiệm Huyện Đảng bộ Tiên Phước, quyền Chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam.  
 Chẳng bao lâu, cuộc toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) bùng dậy, đất nước đắm chìm trong khói lửa, các nơi cũng nếm trải bao cảnh đau thương quằn quại trong các ngục tù của CS. Đình làng Nghi Hạ (thuộc huyện Quế Sơn) tối om, cửa đóng kín mít suốt ngày đêm, đã nhốt trên 5, 60 chính trị phạm, ngày hai bữa gạo hẩm với muối mè. Trại Trà Linh (thuộc miền núi Quế Sơn), nơi rừng sâu nước độc, voi gầm vượn hú là nơi an nghỉ ngàn thu của một số cán bộ VQ ưu tú đã hy sinh vì Đảng nghĩa.
 - “Trăng hai tròn xác chết đã năm thây, mượn đất Trà Linh chôn sấp ngửa;
Chiếu một manh kẹp tre thêm bảy tấm, gọi hồn Tổ Quốc chứng ngay gian.”
 Hai câu đối trên do một đồng chí ở Duy Xuyên đã chết ở trại Trà Linh sau đó vài tháng, tức cảnh sinh tình, đã phản ảnh khá đầy đủ sự đầy đọa vô nhân đạo các chiến sĩ dưới bàn tay sắt của chế độ Cộng Sản. Nhưng độc ác và nguy hiểm hơn nữa là vào khoảng tháng 3.4.1947, CS giả vờ làm lệnh phóng thích cho một số cán bộ VQ bị giam giữ ở các trại Nghi Hạ, Trà Linh như các đồng chí Võ Tụng, Nguyễn Thứ, Nguyễn Hoành, Lê Thận, Hà Cư, Phan Cáp, Đỗ Quý Thích,… để giải về nguyên quán; rồi thừa lúc đi đêm, giữa đường ám hại, vứt xác xuống các hố sâu. Trong khi đó, các UBHC Huyện và Chi Công An địa phương cho các thân nhân đến hỏi các can nhân trên, tại sao được trả tự do về nhà, lại không đến trình diện với các cơ quan an ninh? Thực là thủ đoạn vừa ăn cướp vừa la làng của bọn độc tài khát máu!
Cũng trong thời gian ấy ở nhiều nơi, một số cán bộ VQ chưa bị bắt trong các vụ nói trên, hoặc đã được tha về sau một thời kỳ giam giữ, đều lần lượt bị bắt cóc và ám sát một cách vô cùng hèn nhát như: Phan Đại, Nguyễn Đăng ở Tam Kỳ, Châu Đình Thám ở Thăng Bình, Phạm Phú Kỳ ở Đại Lộc, Nguyễn Tích ở Hòa Vang…
Nguyễn Long quyền Chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ thay thế Hoàng Tăng được ít lâu, cũng bị công an CS bắt nốt.  Đến sau ngày chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, vì để mua chuộc lòng dân chúng, CS thả Nguyễn Long về để hợp tác.  Đến năm 1952, Nguyễn Long lại bị công an CS bắt giam rồi bị xử bắn công khai tại Tiên Phước cùng với Bùi Ân ở Quế Sơn.
================================
Ghi chú:
(23) Hoàng Tăng tức Hoàng Binh, nguyên quán tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, (nay là Quảng Tín), đã tạ thế năm 1957 tại Nha Trang.

No comments:

Post a Comment