Dư luận tiếp tục quan tâm đến hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha hiện đang phải thụ án tù về tội danh tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Yêu cầu hủy án sơ thẩm
Luật sư Hà Huy Sơn, người tham gia bào chữa cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên tại phiên xử sơ thẩm hồi ngày 16 tháng 5 vừa qua ở tòa án Long An, hồi ngày 25 tháng 6 có văn thư gửi đến tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến của bản thân ông về nội dung kháng cáo đối với bản án sơ thẩm tuyên cô sinh viên trẻ 21 tuổi yêu nước này 6 năm tù giam và ba năm quản chế.
Nội dung của văn thư gồm hai điểm chính là ông hoàn toàn đồng ý với kháng án của Nguyễn Phương Uyên với lý do không hề phạm tội như bị kết án.
Phần ý kiến thứ hai của ông gồm 6 điểm nêu ra những vi phạm nghiêm trọng về pháp luật của bản án sơ thẩm. Theo đó thì điều đầu tiên là bản án trái với mục đích của Pháp luật Hình sự được ghi trong lời nói đầu của Bộ Luật hình sự Việt Nam. Thứ hai, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, không có bằng chứng nào được đưa ra xem xét để buộc tội sinh viên Nguyễn Phương Uyên chống lại nhà nước CHXHCNVN.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, không có bằng chứng nào được đưa ra xem xét để buộc tội sinh viên Nguyễn Phương Uyên chống lại nhà nước CHXHCNVNLuật sư Hà Huy Sơn
Thứ ba, chuyện Nguyễn Phương Uyên phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam và những cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về thực trạng Việt Nam hiện nay là quyền của công dân được quy định rõ trong hiến pháp Việt Nam. Thứ tư, bản án sơ thẩm cho rằng vụ án là ‘đồng phạm có tổ chức’ với Nguyễn Thiện Thành là ‘người tổ chức’, Đinh Nguyên Kha là ‘người thực hành’ và Nguyễn Phương Uyên là ‘người giúp sức tích cực’; thế nhưng người tổ chức là Nguyễn Thiện Thành không bị bắt, không có lời khai, không có đối chất với những bị cáo và những người làm chứng…
Như thế không có chứng cứ khách quan chứng minh Nguyễn Thiện Thành là người tổ chức, từ đó không thể kết tội Đinh Nguyên Kha là người thực hành và Nguyễn Phương Uyên là người giúp sức tích cực. Thứ năm, luật sư Hà Huy Sơn phân tích những dấu hiệu bị cho là ‘đồng phạm’ trong vụ án về cả hai mặt chủ quan và khách quan. Điểm sai phạm thứ sáu của bản án sơ thẩm là những mâu thuẫn về ‘thẩm quyền điều tra’ và ‘thẩm quyền theo lãnh thổ’ của Bộ Luật Hình sự Việt Nam khi tòa án tỉnh Long An xác nhận việc rải truyền đơn ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Với những vi phạm như thế, luật sư Hà Huy Sơn đề nghị tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Phương Uyên.
Luật sư Hà Huy Sơn nói lại lý do mà ông có văn thư gửi cho tòa phúc thẩm:
Theo điều luật của Bộ Luật Tố tụng hình sự, tôi là người nhận được thông báo kháng cáo, tôi có trách nhiệm cho toàn phúc thẩm. Theo luật qui định, ý kiến của người tham gia phiên tòa sơ thẩm sẽ được lưu hồ sơ để Hội đồng Xét xử phiên tòa phúc thẩm xem xét. Còn xem xét đến đâu phải chờ đến phiên tòa phúc thẩm. Tôi cứ làm theo trách nhiệm của mình, còn kết quả đạt được không cao như mong muốn, còn thấp lắm.
Chuyển phòng giam khắc nghiệt hơn
Đối với cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên hiện đang phải thụ án tù theo bản án mà luật sư Hà Huy Sơn cho là vi phạm như thế nay phải chuyển sang một phòng giam mới mà theo gia đình thuật lại lời của cô cho biết là tồi tệ hơn.
Luật sư Hà Huy Sơn đề nghị tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Phương Uyên.
Bà Nguyễn thị Nhung, mẹ của Nguyễn Phương Uyên, sau ngày đi thăm lần mới nhất hôm 28 tháng 6, cho biết điều đó:
Cháu cho biết rằng là cháu bị chuyển đến một buồng giam mới. Sau phiên tòa đến nay cháu bị chuyển buồng giam đến ba lần. Nếu tôi nhớ không lầm: đó là buồng 15C, 16 B và bây giờ đến buồng 1B. Buồng 1B này rất chật chội, bẩn, không đủ điều kiện vệ sinh; rồi không có đủ ánh sáng và không khí để thở. Chỉ có một bóng đèn rất lu, không có đủ ánh nắng, ánh sáng. Rồi còn có mấy tổ ong nữa nên cháu rất sợ. Cháu nói nếu ở trong đó, sức khỏe sẽ giảm sút.
Bà Nguyễn thị Nhung cho biết trong chuyến thăm hôm ngày 28 tháng 6 còn có bà Nguyễn thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy. Kha bị án tù 8 năm trong cùng vụ án với Nguyễn Phương Uyên, nhưng nay phải bị tiếp tục điều tra. Theo bà Nguyễn thị Kim Liên thì tính đến ngày 7 tháng 7 này là hết hạn điều tra 4 tháng; nhưng rồi bà nhận định sẽ có thêm 4 tháng điều tra tiếp. Riêng người con Đinh Nhật Uy của bà cũng đang bị giam để điều tra mà đánh giá của gia đình vì không thuyết phục Đinh Nguyên Kha nhận tội.
Kháng án gặp khó
Dù Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đều có đơn kháng án, thế nhưng theo bà Nhung hiện việc kháng án như thế có một số trở ngại:
Đơn kháng án, cháu đã gửi. Vấn đề mời luật sư cho phiên phúc thẩm theo luật sư Nguyễn Phương Uyên thì đích thân người trong tù phải ký. Nên hôm ngày 14 đi thăm tôi có cho cháu ký rồi; nhưng luật sư nói làm thế người ta sẽ gây khó khăn cho luật sư vào tiếp xúc; cần phải có sự xác nhận của trại giam. Hôm 28 tháng 5 khi đi thăm đến đã trưa rồi, lại quên chứng minh nhân dân, đi lấy mất thời gian trong lúc rối nên cũng chưa kịp đi xác nhận đơn đó.
Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị bắt từ hồi tháng 10 năm ngoái. Mãi đến giữa tháng sáu năm nay mới được đưa ra xử; thế nhưng bản án tòa tuyên bị cho là vi phạm như chính luật sư tham gia bào chữa trong vụ án là luật sư Hà Huy Sơn vừa nêu ra.
Hai bà mẹ và gia đình tiếp tục hành trình đòi lại công lý cho hai sinh viên trẻ Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vì họ tin chắc rằng việc làm chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, cũng như lên án tình trạng tham nhũng tràn lan tại Việt Nam của các quan chức trong bộ máy Nhà nước và Đảng Cộng sản là không có tội mà đó là biểu hiện của lòng yêu nước.
No comments:
Post a Comment