Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Trong chuyến công du “Hello Mỹ”, nhưng vẫn chưa dám làm phép thông công “adieu Tàu khựa” của chủ tịch nước Trương Tấn Sang kỳ này, chúng ta là những công dân tự do, yêu nước đã tùy khả năng, cung cách mỗi người cùng gói ghém chút tình thư, lời thơ tiếng nhạc, thỉnh nguyện thư với những thông điệp ngắn như bức điện tín, thư ngỏ, thư riêng, thư chung, thư gởi… để hòng lay động được hai con tim mỗi người nhìn về mỗi hướng, của hai vị nguyên thủ, đã từng cười toét miệng bên nhau ở Hawaii.
Điều đáng nói thêm nữa, là trong thứ hành trang của ông Trương Tấn Sang với phái đoàn hộ tống trên dưới 70 người thân tín này, nhóm sĩ phu Bắc Hà cũng vừa gởi thư vừa ráng bơm thêm nguyên khí quốc gia vào bầu ngực lép của ngài Tư Sâu (nickname này khá hay, nên chắc là ông T.T. Sang sẽ được dịp giải thích hộ với ông Obama). Đặc biệt là nhóm mạng lưới blogger Việt Nam với Tuyên bố 258 đã kịp nhét thêm 69 chữ ký có trọng lượng vào một túi xách của cận vệ ông Sang.
Có một điều không mấy vui, vì sợ là điềm gỡ cho chuyến đi những tưởng lung lay được vài hình ảnh Nữ Thần Tự Do, khi không hà cớ chi gần lúc lên đường lại bị phe nào chơi xấu ra lệnh bức bách Điếu Cày, đến nỗi đành bắt Obama nhận thêm chút quà mọn không hề muốn nhận là bốn tuần tuyệt thực của một người mà chính ông cũng đã từng nhắc nhở (nguyên văn như sau: “Chúng ta không được quên các nhà báo như blogger Điếu Cày, người bị bắt giữ năm 2008 trùng hợp với một khối lượng đàn áp báo chí công dân ở Việt Nam”, T.T. Obama đã nói như thế trong ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, 3/5/2012)
Thật ra chúng ta cũng không tài nào hiểu nổi có những hạng người tự tung tự tác, nhưng rượu mời lại không uống mà chỉ đi uống rượu phạt. Thế mới đau!
Trở lại với món khai vị được đặt tên Nhân Quyền, chúng ta thừa biết ngay chính ông Sang cũng không nuốt nổi. Đổi thành tên gọi khác là “Nhân Đạo” thì lại càng lố bịch hơn, bởi vì một khi con người ta đã sẵn sàng đập bỏ giá trị của quyền con người thì nhân đạo cũng chỉ là một chút gì rơi rớt lại, chứ không phải là những giá trị phổ quát dần được bảo đảm.
Bài thơ “Hoa Hồng & Khẩu Súng” được viết ra như một lời ủng hộ Tuyên Bố biểu tượng tuổi trẻ yêu nước Uyên & Kha và nhanh chóng được Dân Làm Báo góp thành tiếng thơ chung mang tên “Những Vần Thơ Cho Uyên và Kha”. Rồi thì bài thơ lại có dịp được nhạc sĩ Quốc Toản phổ nhạc và hòa âm, và ca sĩ Diễm Liên của trung tâm Asia đã chuyên chở hết lòng, vì cô bảo là rất thích. Dù sao Diễm Liên cũng đã không một mảy may tỏ vẻ nao núng, ngại ngùng vì có lẽ cô cũng chẳng cần mang tiếng hát của mình về với một nơi, mà mình sẽ không được hát bất cứ bài nào mình muốn.
Bài thơ vừa được GS Nguyễn Ngọc Bích dịch ra Anh ngữ, dù cũng đang rất bận phải ra vào Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Mỹ mấy ngày hôm nay (xin cám ơn và xin xem ở phần Show More trong video nhạc.
Tất cả, từ những thông cáo của những cộng đồng người Việt khắp nơi ở Mỹ sẽ tìm về thủ đô để biểu dương một quyết tâm sát cánh với quê nhà, để cùng gióng lên một tiếng nói thay cho những đồng bào có miệng mà bị chận họng không thốt được nên lời.
Nhạc phẩm này phải nói là có duyên đúng lúc, vào một thời điểm mà chính tôi cũng đang loay hoay không biết giữa Hoa Hồng và Khẩu Súng, chúng ta nên gởi tặng người đã làm mình thất vọng não nề món nào cho phải đạo (?!)
Điệu này chắc tôi phải đi hỏi người nhạc sĩ mới đây ở nước mình: Nếu một khi chúng ta đòi: “Trả lại đây quyền chính đáng của người dân” mà nhà cầm quyền cứ vừa đui vừa điếc thì chúng ta phải làm gì?
Không lẽ cứ hát khản cổ và cứ đòi khản cổ “Trả Lại Cho Dân”, hay hăm he “Hoa Hồng và Khẩu Súng”?
No comments:
Post a Comment