Tại Âu Châu nói chung và tại Pháp nói riêng, mùa hè đang đến trong mong đợi của mọi người sau một thời gian dài lạnh bất thường. Người Việt tại Pháp nghỉ hè như thế nào trong bầu không khí không mấy sáng sủa của nền kinh tế Âu châu?
Nghỉ hè kết hợp thăm thân nhân
Năm nay, mùa đông Âu Châu kéo dài một cách bất thường và được tiếp nối bằng những ngày mùa xuân se lạnh, nhưng rồi cuối cùng mùa hè cũng đã trải những ánh nắng rực rỡ trên khắp Âu Châu, từ đầu tháng 7, thang nhiệt độ ở Paris ngày nào cũng trên 25 độ. Có ngày lên đến trên 30 độ.
Những chiếc áo mùa hè được lấy ra khỏi tủ, vườn tược được chăm sóc để nướng thịt ngoài trời. Bạn bè gặp nhau, người ta không hỏi nhau «khoẻ không» nữa mà thay bằng câu hỏi «Bao giờ nghỉ hè ? hè này đi đâu ?» Những gia đình đi hè ngoài nước Pháp thì đã lên chương trình từ lâu. Những gia đình nghỉ hè trong nước Pháp thì cũng đang nao nức tìm cho mình một bờ biển, một vùng núi, một cánh rừng thích hợp.
Nghỉ hè trong Âu Châu, Người Pháp vẫn thích chọn người láng giềng phía Nam là Tây Ban Nha làm nơi nghỉ hè lý tưởng (16%), kế đến là Ý (10%). Chỉ khoảng 8% dân Pháp đi hè ở Hoa Kỳ, trong khi đến 16 % đi hè ở Châu Phi, có lẽ vì nhiều người nhập cư đến từ Algerie, Maroc..v.v… Và chỉ có 4% dân Pháp chọn Á Châu xa xôi làm nơi nghỉ hè.
Do kinh tế Âu Châu chưa hồi phục, Pháp cũng bị ảnh hưởng nặng nề nên năm nay có đến 89 % cư dân Pháp không đi ra nước ngoài. Họ đi xuống miền Nam, cắm trại trong các camping, đó là những trang trại có đầy đủ trò chơi thể thao, giải trí như một thành phố thu nhỏ, đặc biệt phần lớn người Việt thường kết hợp nghỉ hè và thăm bạn bè để tiết kiệm chi phí khách sạn và nhất là có thì giờ thăm hỏi, tâm sự với nhau. Anh Mười cũng chọn cách nghỉ hè này từ bao nhiêu năm nay :
Năm nay nghỉ hè cũng đi đi vòng vòng ở vùng Marseille thôi, thăm bạn bè, con cháu vậy thôi. Từ hồi tị nạn qua đây tới bây giờ thì cũng vẫn vậy.
- Anh Mười, cư dân Paris
«Năm nay nghỉ hè cũng đi đi vòng vòng ở vùng Marseille thôi, thăm bạn bè, con cháu vậy thôi. Từ hồi tị nạn qua đây tới bây giờ thì cũng vẫn vậy. Nhờ vậy mới giúp đỡ được gia đình, bà con anh em chứ nếu đi nghỉ hè như Tây thì chắc gia đình mình kể như húp cháo luôn. Thôi thì mình sống theo kiểu Việt Nam chứ không sống theo kiểu Tây.»
Hoặc tìm đến những bờ biển xanh mượt mà của vùng Địa Trung Hải như gia đình của chị Quỳnh Hạnh :
«Năm nay chương trình đi nghỉ hè của mình thì mình đi Juan- Les-Pins, một thành phố ở kế bên Nice. Đó là một thành phố rất êm ả và rất là đầy đủ tiện nghi, nơi đó có những bãi tắm, bên cạnh bãi tắm người ta làm những quán bar mà ghế cho khách ngồi nó tận sát bờ biển. Bãi biển rất là đẹp, rất là thơ mộng và có thể nói là rất là tiện nghi.
Người ta thường nói Nha Trang là Nice của nước Pháp, Nha Trang là đủ thứ nhưng mà mình thấy mỗi bên có một vẻ riêng của nó.
Thật sự mình thấy Juan-Les-Pins hay Nice hay biển Méditerranée ( Địa Trung Hải) vẫn còn nhiều lý do để hấp dẫn du khách.
Không phải mình vọng ngoại nhưng mình vẫn thích Juan-Les-Pins hơn, biển Méditerranée rất hiền hoà và êm ả. Bờ biển cát rất mịn, mặt trời rất là lâu, kéo dài từ 7-10 giờ đêm, mình có thể tận hưởng được cáo loang loáng của ánh sáng mặt trời vẫn còn tồn đọng trên mặt nước biển.»
Nghỉ hè cho người thu nhập thấp
Với những người có thu nhập thấp thì thị trưởng Paris cũng có một sáng kiến để họ không cần đi xa mà vẫn có thể cùng gia đình giải trí, vui đùa bên sóng nước trong những ngày nắng nóng. Từ năm 2002, thị trưởng Paris Bertrand Delanoë có sáng kiến biến 3,5 km đường xe hơi dọc theo sông Seine thành một bãi cát dài gọi là Paris plage để mọi người có thể vui chơi suốt từ khoảng cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 trên bãi biển nhân tạo này. Chị Mỹ Khanh, một cư dân Paris cho biết :
«Người có tiền thì mua giấy máy bay đi xa, người không có tiền thì chính phủ sẽ phát phiếu để mấy đứa con đi chơi xa trong nước Pháp, rồi người không tiền nữa thì có Paris plage. Nói đúng ra thì Paris plage không phải chỉ dành cho người không tiền. Nhưng mà sự tạo không khí biển cho dân Paris là một đời sống cần phải có; Thượng lưu, trung lưu, hạ lưu ai cũng có thể đóng góp được hết.
Paris plage giống như một bãi biển thực sự, nó có những cái douche (vòi tắm), họ tổ chức nhảy đầm, ai không biết nhảy đầm thì được dạy tại chỗ. Có bán thức ăn cầm tay, có terrasse ngồi uống cà-phê, uống nước. Nó làm giống như một bãi biển thật vậy đó.»
Tuy nhiên, hậu quả của cơn chấn động kinh tế vẫn còn để lại rõ dấu ấn trong các thành phố du lịch nổi tiếng dành cho giới thượng lưu ở Pháp. Gia đình chị Vĩnh vừa đi nghỉ hè ở Côte d’Azur về cho biết :
«Em mới đi hè hồi đầu tháng 7, ở dưới đó thì dĩ nhiên khung cảnh đẹp rồi đó, biển rất là đẹp. Có nhà người bạn ở dưới đó. Tại có nhà của người bạn ở dưới Côte d’ Azur, đi nhìn thấy buồn lắm, không vui như mọi năm, ít người, đồ ăn mắc. Ít người, không vui như mấy năm về trước. Mình đi xuống dưới nghỉ ngơi vậy thôi chứ ngày xưa xuống dưới là ồn ào, những cái bar ở camping mở nhạc, năm nay không có gì hết. Tụi em đi mọi lần là thấy người Ý, Đức, Ăng-Lê (Anh) đi nhiều lắm, năm nay cũng không thấy.»
Người có tiền thì mua giấy máy bay đi xa, người không có tiền thì chính phủ sẽ phát phiếu để mấy đứa con đi chơi xa trong nước Pháp, rồi người không tiền nữa thì có Paris plage.
- Chị Mỹ Khanh, cư dân Paris
Tháng 8, đến Paris, hầu như người ta chỉ thấy du khách, dân Paris thì đã tìm về làng mạc, bãi biển hoặc đi xa. Theo thống kê của DGCIS (la Direction générale de la compétitivité, de l'industrie et des services ) Paris vẫn còn là một điểm đến được ưa chuộng nhất cho du khách nước ngoài. Năm 2012, Pháp đã có đến 83 triệu du khách, tăng gần 3% so với năm 2011.
Từ đầu năm 2013 cho tới đầu tháng 7 cũng đã có trên 43 triệu người đến ngắm tháp Eiffel. Dân Á Châu dẫn đầu về số lượng du khách đến Pháp, kế đến là Phi Châu và sau đó là Anh, Đức, Hoa Kỳ. Tuy đứng đầu về số lượng du khách, nhưng thu nhập đưa đến do du khách thì Pháp chỉ đạt 54,5 tỉ euro trong năm 2012, sau Hoa Kỳ và Tây Ban Nha. Tháp Eiffel vẫn là nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất, tiếp đó là nhà thờ Đức Bà, viên bảo tàng Louvre, đồi Monmartre, Mont Saint Michel..v.v…
Ấn tượng Paris
Trong dịp ghé Pháp, Anh Bùi Thanh Hiếu cho biết những nơi anh đã viếng thăm và ấn tượng để lại trong anh về thành phố Paris :
«Tôi có đi cung điện Versailles, đi dọc theo bờ sông Seine, có ghé tháp Eiffel, tôi thấy kiến trúc của Paris thật là kinh ngạc, những ngôi nhà xây cách nay đã hàng trăm năm rồi mà vẫn còn nguyên dáng vẻ rất là đẹp, nó nói lên sự bảo tồn văn hoá của người Pháp rất là tốt và nó nói lên nền văn hoá của người Pháp rất là tốt bởi vì xây được những công trình như thế này nó đòi hỏi nghị lực và tố chất của con người Pháp rất là đặc biệt. Như ở đất nước chúng tôi thì hiếm có những công trình lâu đời mà mang tính chất nguy nga tráng lệ như thế này.
Tất nhiên tất cả những nơi tôi đi thì đều rất là đẹp và rất là tráng lệ, rất là hùng vĩ. Nhưng cái mà ấn tượng nhất tuỳ thuộc từng cảm tính của từng con người một, điều tôi thấy rất là thú vị là ở những chiếc cầu bắc qua sông Seine. Có rất là nhiều chiếc cầu, nhưng mỗi chiếc mang một dáng vẻ khác nhau, đó là một điều rất đặc biệt. Ở Việt Nam thì người Pháp có xây 2 chiếc cầu: cầu Long Biên và cầu Tràng Tiền. Hai chiếc cầu ấy đã đi vào thơ văn và thơ ca của văn học Việt Nam nhưng thật sự hai chiếc cầu ấy so với các cầu ở Pháp này thì nó cũng chưa là cái gì cả.»
Kinh tế đi lên, hay kinh tế đi xuống. Đó là nổi lo chung của chính phủ. Riêng người dân, hè về là thời gian để mọi người nghỉ ngơi, giải trí như một phần thưởng sau một năm làm việc mệt nhọc. Bỏ lại sau lưng tất cả mọi lo lắng, buồn phiền như câu nói của Fail P. Haney trong «Quẳng Gánh lo đi và vui sống» của Dale Carnegie «Từ trước đến giờ ta vẫn muốn đi du lịch thế giới trước khi chết. Giờ là lúc nên khởi hành đây.»
No comments:
Post a Comment