Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, July 28, 2013

Thương Binh & Thương Tật


S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Khi xem phim Saving Private Ryan, thỉnh thoảng, mấy đứa con tôi lại quay sang “tham khảo” với bố về tên các loại vũ khí của “bên mình” và “bên nó.” “Nó” đây là lực luợng quân đội Đức (đang chiếm đóng nước Pháp) và “mình” là một tiểu đội lính Mỹ, được lệnh phải đi tìm một binh sĩ – có tên là James Ryan – đang bị kẹt trong lòng địch. 

Vì ba người anh của James Ryan cũng đều tham chiến, và đã cùng lượt hy sinh, nên có lệnh phải đi tìm cho bằng được cậu út (còn sống sót) để mang về “trả lại” cho bà mẹ – trước khi… quá muộn! Cuốn phim dài 2 giờ 46 phút, do Steven Spielberg làm đạo diễn, Robert Roda viết kịch bản, Tom Hanks và Matt Damon là tài tử chính, và (nghe đâu) đã nhận được cả tỉ giải Oscar mà sao tôi coi không “đã” mấy. Tôi cứ bị lấn cấn về chuyện “phe mình” và “phe nó.”

Dù ra đời sau khi Thế Chiến Thứ Hai đã chấm dứt từ lâu, tôi vẫn “đứng” về phe Đồng Minh để chống lại phe Trục. Tôi cũng hoàn toàn tán đồng với quyết định nhân bản của quân đội Hoa Kỳ là phải giải cứu binh nhất James Ryan, bằng mọi giá.

Tuy thế, tôi thấy hơi kỳ nếu cũng nhận (vơ) những quân nhân Mỹ thuộc… “phe mình” – một cách tự nhiên và hồn nhiên – như lũ trẻ. Tôi không sinh ra và lớn lên ở California như chúng nó. Tôi chỉ là một di dân, một người tị nạn ở Hoa Kỳ.

I came from Viet Nam. Và rất nhiều đêm, nếu không muốn nói là hàng đêm, tôi vẫn cứ lò dò trở về chốn cũ.

Tôi thường trở về Đà Lạt, nơi mà tôi đã lớn lên, và đã ướp đẫm tuổi thơ (cũng như tuổi trẻ của mình) bằng rất nhiều đặc sản của núi rừng: nuớc hồ Xuân Hương, sương mù, phấn thông vàng, mùi cỏ dại của Đồi Cù, và cả trăm loại hương hoa man dại.

Có khi tôi trở lại những đồi trà, nương khoai, rẫy bắp ở Blao. Tôi cùng lũ bạn tù mệt lả, lếch thếch trong nắng chiều vàng, trên đường về trại Tân Rai – sau một ngày dài lao cải.

Cũng có lúc tôi ghé qua Rạch Giá, đi loanh quanh trong chợ Nhà Lồng – thơm nức mùi thức ăn, vào một sáng mưa mù trời vì biển động – mắt láo liên quét nhanh qua những bàn ăn thâm thấp, chỉ chờ thực khách buông đũa là nhào vào húp vội phần canh thừa hay cháo cặn, còn sót lại trong tô.

Chính phủ, cũng như dân chúng Hoa Kỳ – chắc chắn – đều không happy gì cho lắm với một công dân part - time (ngày ở/ đêm về) như thế. Còn tôi, tôi chưa bao giờ thực sự sống hết lòng với phần đất mới nên không khỏi cảm thấy ngại ngần trong việc nhận (đại) những người lính Mỹ trong Thế Chiến Thứ Hai cũng thuộc “phe mình” – như bao kẻ khác.

Rồi chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Iraq xẩy ra. Quân đội Mỹ vừa chiếm xong Baghdad thì ngay ngày hôm sau bà hàng xóm (hớn hở) mang sang một phần thịt quay và mấy gắp bánh hỏi, cùng với một dĩa rau tươi “để anh Tư nhậu sương sương vài ly lấy thảo.” Tuy chúng tôi đều là người Việt, và là láng giềng của nhau từ nhiều năm nhưng quà cáp/biếu xén kiểu này là một chuyện (rất) bất thường – ở Mỹ.

- Úy Trời, vụ gì đây cô Sáu? Bộ mới trúng lô tô hả?

- Đâu có, bữa trước em vái ông Địa cho tụi nó thua lẹ lẹ, chớ thấy lính mình qua bên đó nóng bức và nắng nôi tội nghiệp quá hà! Bữa nay, nó thua thiệt rồi nên em cúng tạ vậy thôi mà.

“Nó” đây là lính Iraq và “mình” (tất nhiên) là quân đội Hoa Kỳ. Chớ còn ai vô đó nữa? Rồi cô Sáu say mê kể lại chuyện lính Mỹ đã phải liều mạng ra sao trong chuyện giải cứu tù binh, và đã cứu được một cô binh nhì Jessica Lynch nào đó. Nghe cũng hào hùng và cảm động y như chuyện… phim Saving Private Ryan vậy.

Cô Sáu không phải là người Mỹ gốc Việt duy nhất đã biểu lộ tình cảm của mình một cách chân thành, và hồn nhiên, như thế. Ở tiểu bang California, thuộc miền Tây nước Mỹ, “chỉ trong vài hôm người Việt tị nạn đã quyên góp và chuyển tới Hội Hồng Thập Tự gần 30. 000 đô la để ủng hộ cho… tiền tuyến! Người cho 1 đồng, người cho 5, 10 đồng có người đến 2.000. Chúng tôi đi từng cơ sở thương mại, từng tư gia để nhắc nhở trách nhiệm mọi người khi đất nước đang phải đối phó với chiến tranh” (Đức Hà. “Tấm lòng người di dân gốc Việt.” Viet Mercury, 11 Apr. 2003: B1).

Còn ở miền Đông, phóng viên Lê Thùy Lan đã tường thuật như sau: “… một phái đoàn phụ nữ người Mỹ gốc Việt… đến viếng Quân Y Viện Walter Reed tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn để ủy lạo các thương binh trong trận chiến với Iraq… đồng thời phái đoàn cũng trao gần 80 tấm thiệp chúc mau lành bệnh mà các em nhi đồng, thế hệ sau của người Mỹ gốc Việt, đã thiết kế và gửi đến cho từng thương binh.”

Thiên hạ làm tôi chợt nhiên cảm thấy xấu hổ vì lối suy nghĩ, và cách sống (rất) thiếu cởi mở của mình ở phần đất mới – nơi đã bao dung để cho tôi và vài triệu người Việt khác nữa có một cuộc sống an bình – từ bấy lâu nay. 

Bữa đó, sẵn có thịt quay bánh hỏi, tôi nhậu cho tới bến luôn. Rồi tôi quyết định: từ nay sẽ từ bỏ cái kiểu sống của “công dân part - time” ở Hoa Kỳ. Cũng kể từ nay, tôi cũng sẽ coi lính Mỹ thuộc “phe mình” luôn – cho nó khỏe! Chớ ôm rơm (hoài) làm chi cho thêm nặng bụng, hả Trời?

Tình ngỡ đã quên đi nhưng tình bỗng lại về! 

Và “nó” về (hoàn toàn) không đúng lúc.

“Sáng nay mở e-mail ra đọc, tôi nhận được từ một người không hề quen biết, không kèm theo một dòng chữ nào, bức hình một người đàn ông mà tôi cũng chưa gặp bao giờ. Hình chụp người đàn ông đang ngồi trên giường có trải chiếu, đằng sau là bức tường loang lổ, hoen ố những vết đen mốc. Ông có một bộ ria, tóc dầy và đen, một mắt to, một mắt nhỏ mà tôi nghĩ là bị hư, chỉ còn một con. Ông không còn chân tay. Hai chân bị cụt trên đầu gối. Và hai tay cụt ở trên khuỷu tay, gần nách.”

“Trong hình có ghi tên ông. Ông tên là Thìn, Nguyễn Văn Thìn. Năm sinh được ghi là 1952. Hàng chữ phía dưới cho biết ông là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Đơn vị cuối của ông là Trung đoàn 49, Sư đoàn 25 Bộ binh. Cấp bậc của của ông là Trung sĩ Nhất. Ông sinh năm 1952, tuổi Thìn nên tên cũng là Thìn. Ông không còn chân tay. Từ 30 năm nay, ông không có chân, cũng không có tay”.

“Ông làm sao sống nổi qua bằng ấy năm không có hai chân mà cũng không có cả hai tay. Tôi tưởng tượng, không khó khăn lắm, cũng vẫn thấy ra được những khó khăn của ông. Trong một chế độ thân thiện với ông, ông cũng đã vô cùng bất hạnh vì thiếu con mắt, thiếu hai tay, lại thiếu luôn cả hai chân. Huống chi trong một khung cảnh không thân thiện nếu không muốn nói là thù nghịch, thì ông còn khổ biết là bao nhiêu nữa. Tôi không dám tưởng tượng thêm ra những chuyện khác trong đời sống hàng ngày của ông, nếu đó có thể gọi được là một đời sống.”

Những dòng chữ (in nghiêng, trong ngoặc kép) mà bạn vừa đọc là bức Thư Gửi Bạn Ta của ký giả (“hạng nhất”) Bùi Bảo Trúc. Ông không hiểu bằng cách nào tấm hình của thương binh Nguyễn Văn Thìn đã đến tay mình. Còn tôi thì không hiểu tại sao thư của ông viết ngày 24 tháng Giêng (từ năm 2003) mà mãi đến bây giờ mới nhận được.

Tôi không rời mắt được khỏi tấm hình. Tôi không chỉ nhận ra rằng đây mới đúng là “phe mình” mà còn nhìn thấy chính mình qua thân thể, với cấp độ tàn phế 100%, của ông Thìn.

Tôi cũng tuổi Thìn, và cũng là kẻ thất trận trong cuộc chiến vừa qua. Sao trung sĩ Nguyễn Văn Thìn mất hết cả chân tay và đui luôn một mắt mà tôi lại còn được nguyên vẹn cả hình hài, không sót một ngón chân hay ngón tay nào cả - vậy Trời?

Bỗng dưng mà tôi cảm thấy choáng ngợp vì sự may mắn (đến độ dư thừa) mà cuộc đời đã quá hào phóng dành cho bản thân mình. Lẽ ra, ít nhất, tôi cũng phải mất bớt một cánh tay để chia sẻ với ông Thìn - để ông ấy có thể “đánh răng rửa mặt buổi sáng, ôm mấy đứa con, xoa đầu chúng, cầm tay chúng, hay thậm chí gãi một chỗ ngứa” chứ.

Rồi tôi loay hoay tìm kiếm thì biết thêm rằng ông Thìn đã qua đời vào khoảng năm 2005 hay 2006 gì đó – ở Sài Gòn. Cả ngày hôm ấy, tôi tự hỏi: hơn một phần tư thế kỷ qua, liệu có phái đoàn nào ở miền Tây Hoa Kỳ ghé thăm ông Thìn không? Có tấm thiệp nào từ miền Đông Hoa Kỳ gửi đến cho ông ấy không?

Có ai “đi từng cơ sở thương mại, từng tư gia để nhắc nhở trách nhiệm của mọi người” đối với những phế binh còn ở lại quê nhà – như người ta đã làm để đền ơn đáp nghĩa đối với những chiến binh ở Irak – không ?

Hàng năm, cứ vào ngày 19 tháng 6, tại nhiều thành phố lớn ở khắp mọi nơi trên thế giới – ngoài Việt Nam - những người bạn đồng đội của ông Nguyễn Văn Thìn vẫn tổ chức Ngày Quân lực để vinh danh những chiến sĩ VNCH. Trong những bài diễn văn long trọng đọc vào dịp này, không mấy khi người ta nhắc đến những phế binh – như trung sĩ Nguyễn Văn Thìn.

Tương tự, trong những bài diễn văn long trọng được đọc hàng năm vào ngày thành lập Quân đội Nhân dân – ở Việt Nam – những đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng đều kiêng (cữ) nói đến đám phế binh.

Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh 
Bên nào thắng thì nhân dân cũng bại (N.D). 

Nói chi đến những phế binh, bất kể bên nào!

Khi thấy một phế nhân lê la xin ăn trên hè phố Sài Gòn, xin đừng vội nghĩ đó là thương binh của quân đội miền Nam – những kẻ thuộc bên thua cuộc. Không nhất thiết như thế đâu. Bây giờ ăn mày là một cơ hội đồng đều (equal opportunity) không phân biệt tuổi tác, giới tính hay thành phần xã hội.


Có năm, nơi thành phố tôi đang tạm cư, người Việt đã tổ chức Đại Hội Giúp Thương Phế Binh QLVNCH. Bên cạnh dư luận đồng tình, tán thưởng, tôi cũng nghe được vài ba điều tiếng eo xèo:

- Sao lại tổ chức vào lúc đó? Bộ có âm mưu gì sao? Chỉ cách có… hai ngày, ngày 19 tháng 5 là sinh nhật Hồ Chí Minh mà!

- Sao ban tổ chức lại dùng panneau là hình của một con tem cũ, vẽ một phế binh đang chống nạng “đạp” trên lá cờ vàng ba sọc đỏ. Như vậy là miệt thị cờ của VNCH.

Hoặc:

- Tiền mang về đến Việt Nam có khi lại vào tay phế binh… “bên nó”!

Bao giờ những người cộng sản còn nắm được quyền bính ở Việt Nam thì con số tổn thất về sinh mạng cũng như tài sản của nhân dân hai miền trong cuộc chiến (“thần thánh”) do họ phát động sẽ còn được dấu kín. Khó mà có thể ước đoán được bao nhiêu trăm ngàn người đã trở thành phế binh, và bao nhiêu kẻ khác nữa đã trở nên phế tật – về tâm lý! 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

No comments:

Post a Comment