Trước sau "không như một"?
Phó Tổng thống Mỹ Josepth Biden công du châu Á lần này để thực hiện đường lối ngoại giao tế nhị của Hoa Kỳ ở Đông Á: một mặt tìm cách hạ nhiệt mối căng thẳng quân sự với Trung Quốc, mặt khác bày tỏ lập trường ủng hộ đồng minh Nhật Bản giữa lúc Tokyo cương quyết đối đầu với Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông.
Chuyến đi Nhật Bản-Trung Quốc-Hàn quốc của ông Biden đã được Tòa Bạch ốc hoạch định từ lâu, để chứng minh chính sách chuyển trục chiến lược sang châu Á, giữa khi nhiều nước Á châu quan ngại rằng Mỹ đã lơ là với khu vực địa chính trị quan trọng này vì Tổng thống cùng các cố vấn hàng đầu phải chú tâm vào những cuộc tranh chấp chính trị nội bộ, trong khi Ngoại trưởng Kerry để hết thì giờ và tâm trí vào vấn đề Iran ở Trung đông.
Cuộc đối đầu Tokyo-Bắc Kinh đưa đến quyết định của Trung Quốc xác lập vùng xác định phòng không, ngôn ngữ quốc tế gọi là ADIZ, viết tắt nhóm từ Air Defense Idendification Zone. Khu vực ADIZ này bao gồm cả vùng đảo tranh chấp Senkakư/ Điếu Ngư với Nhật Bản và đảo Ieodo tranh chấp với Hàn quốc.
Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc đã làm tình hình căng thẳng, và tái xác nhận quyền hành chính của Nhật Bản trên vùng đảo tranh chấp. Và đột nhiên hai pháo đài bay B-52 không võ trang từ Guam được điều động bay qua không phận này lúc sáng thứ ba, 3 ngày sau khi Bắc Kinh công bố về ADIZ của họ. Không ngoài dự kiến, Trung Quốc chỉ phản ứng bằng lời lẽ ngoại giao. Nhật Bản liền khuyến cáo các phi cơ dân dụng bay qua đó đừng thông báo theo Trung Quốc yêu cầu, như họ đã làm trước đó một ngày, và các phi cơ của All Nippon Ailines và Japan Airlines cùng với Peach Aviation đã ngưng thông báo.
Điều đáng lưu ý là trước khi B-52 bay qua ADIZ mới của Trung Quốc, chính Tokyo đã khuyên các hãng bay hãy thi hành quy định của Bắc Kinh về thông báo như vậy trong không phận này.
Sau đó Nhật Bản, Đài Loan và Hàn quốc liền theo chân phi vụ B-52 của Hoa Kỳ, điều động nhiều phi cơ thám sát và chiến đấu cơ bay qua đó trong những ngày kế tiếp. Trung Quốc cũng đưa phi cơ chiến đấu tới, gọi là để quan sát, theo dõi, và dành cơ hội cho báo chí Nhà nước tô vẽ lại thể diện của chính quyền Bắc Kinh. Báo chí và dư luận theo khuynh hướng quốc gia cực đoan của Trung Quốc liền thổi phồng điều họ gọi là "khả năng theo dõi và kiểm soát những hành vi phạm pháp của các phi cơ nước ngoài, để những lực lượng đó không dám hành động quá trớn!"
Nhưng, đang lúc Bắc Kinh còn rụt rè chỉ lên gân nửa chừng, thì lại một lần bất ngờ, vào lúc phó Tổng thống Biden lên đường đi Tokyo, tòa Bạch ốc thông báo rằng chính phủ Mỹ đã đề nghị những công ty hàng không quốc tế của Mỹ hãy tuân thủ quy định của Bắc Kinh về việc thông báo mọi chi tiết về đường bay của những phi cơ Mỹ bay qua không phận ADIZ mới được Trung Quốc thiết lập.
Tokyo hiển nhiên khá thất vọng trước thái độ gọi là "trước sau như hai, ba" của Washington, trong khi mọi đồng minh châu Á đang kỳ vọng vào lập trường "trước sau như một" của quốc gia đứng đầu phương Tây, mặc dù tòa Bạch ốc khẳng định ngay rằng đề nghị như vậy không phải là công nhận vùng ADIZ do Trung Quốc đơn phương áp đặt.
Lý do nào đưa đến quyết định xem ra như một bước lùi của Washington trong khi Bắc Kinh vẫn còn lấp ló chung quanh vùng ADIZ đó?
Lùi một bước, tiến bao nhiêu?
Các chuyên gia về Trung Quốc và châu Á đều đoan chắc là tại Tokyo phó Tổng thống Biden sẽ tái xác định một cách chắc chắn nhất rằng Hoa Kỳ luôn luôn có mặt đúng lúc và đúng nơi trong mọi tình huống an ninh của đồng minh Nhật Bản, thể theo chương 5 của Hiệp ước phòng thủ chung ký kết từ thập niên 1950, đồng thời khẳng định lại sự nhìn nhận quyền kiểm soát hành chính của Tokyo trên vùng tranh chấp, và phản kháng mọi hành động xâm hại đến quyền đó.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia tại Luân Đôn, Jonathal Eyal, cho rằng ngày thứ tư này Phó Tổng thống Biden sẽ nêu ra với chủ tịch Tập Cận Bình một cách thức để thoát khỏi cuộc khủng hoảng, "Người Mỹ có thể sẽ nói với người Hoa rằng cuộc khua chiêng gõ trống này chẳng phải là điều khôn ngoan lắm, chỉ gây phản tác dụng, và lối thoát chỉ đơn giản là Trung Quốc hãy xuống thang trong việc khẳng định cứng nhắc vùng ADIZ như đã làm, và đừng cưỡng hành một cách cứng rắn quy định riêng của họ như đã đe dọa biện pháp quân sự vào lúc công bố không phận xác định phòng không này.
Nguyên cố vấn của phó Tổng thống Biden, bà Julie Smith, cho rằng ông Biden luôn luôn tự tin vào khả năng xã giao lịch thiệp hòa nhã cùng với tài năng riêng của ông trong những mối quan hệ cá nhân, khi ông diện kiến chủ tịch họ Tập, mà ông từng quen biết từ trước khi ông Cận-Bình bước lên ngôi vị tối cao của đại cường Trung Hoa. Bà Smith nói "Ông Biden biết cách nói chuyện, để cho người đối diện hiểu rằng ông không chỉ vẽ họ phải làm gì, mà chỉ nêu ra những điều tư vấn để bên ấy tham khảo. Vì họ đã có quan hệ cá nhân từ trước, phía ông Tập sẽ lắng nghe nghiêm chỉnh và cân nhắc kỹ lưỡng những đề nghị ấy".
Vai trò lãnh đạo
Một năm sau khi ông Tập bước lên ngôi vị tối cao ở Hoa lục, Hoa Kỳ tuy còn đối đầu quân sự với Trung Quốc nhưng đã thấy nhiều tiến bộ trong công cuộc hợp tác với Trung Quốc trên sân khấu quốc tế, từ vấn đề thay đổi khi hậu đến vấn đề tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, mới nhất là vấn đề hạt nhân tại Iran.
Giáo sư Jia Qingguo, phó viện trưởng Học viện nghiên cứu quốc tế của đại học Bắc Kinh, cho rằng một giải pháp lập tức cho vấn đề ADIZ có thể không thành hình. Ông nói :"Có thể phía Trung Quốc sẽ hỏi rằng đó là hành động thông thường của trên 20 quốc gia, sao phải ầm ỹ thế? Vì vậy hai bên nên tìm hiểu ý định của nhau, và minh định ý muốn, rồi cùng tìm hiểu xem nên cùng mong đợi điều gì. Tuy vậy vấn đề này có thể vẫn dai dẳng. Dù sao thì ông Biden đến Bắc Kinh lần này cũng là điều hay để vấn đề được thảo luận ở cấp tối cao. Ngoài ra còn những vấn đề khác cũng cần được nói tới"
Nhà nghiên cứu Jonathal Eyal thì cho rằng chuyến công tác của phó Tổng thống Biden đi đến với cả các đồng minh cũng như đối thủ chính yếu trong khu vực là nhằm chứng tỏ rằng Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất đủ sức duy trì sự cân bằng của khu vực, và đó là mục đích chính khi người Mỹ xác định chính sách chuyển trục sang châu Á"
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia tại Luân Đôn, Jonathal Eyal, cho rằng Trung Quốc đã mạnh bạo thiết lập ADIZ là vì quan điểm phổ biến tại châu Á rằng Washington không dám đụng tới biện pháp quân sự sau những tổn thất sinh mạng và phí tổn tài chính khổng lồ ở Iraq, Afghanistan, cùng với mối nghi ngờ của người châu Á về sự lơ là của người Mỹ với khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Vì thế Hoa Kỳ đã đi đầu trong phản ứng mang tính cách quân sự đối với ADIZ, và lại dịu ngọt xuống thang để đóng vai trò cường quốc duy nhất có khả năng hòa giải, lấy lại thăng bằng cho cán cân lực lượng và sự ổn định cho khu vực châu Á Thái Bình Dương.
No comments:
Post a Comment