Mục lục nỗi đau dan tôi

Saturday, December 14, 2013

Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam, sẽ 'thẳng thắn' về nhân quyền


Ngoại trưởng Kerry và một người bạn đồng ngũ trong chiến tranh Việt Nam Tommy Vallely đi bộ đến Nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM để dự thánh lễ, ngày 14 tháng 12, 2013.
Ngoại trưởng Kerry và một người bạn đồng ngũ trong chiến tranh Việt Nam Tommy Vallely đi bộ đến Nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM để dự thánh lễ, ngày 14 tháng 12, 2013.
CỠ CHỮ 
Thứ Bảy ngày 14 tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chính thức bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tại Việt Nam 44 năm sau khi ông đặt chân tới đây lần đầu tiên khi còn là một sĩ quan hải quân trẻ tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên ông quay trở lại Việt Nam kể từ năm 2000 khi ông tháp tùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến công du lịch sử.

“Tôi không nghĩ ra được có hai nước nào lại nỗ lực nhiều hơn, làm nhiều hơn và tốt hơn để cố gắng đưa hai nước xích lại với nhau và thay đổi lịch sử, thay đổi tương lai, mang lại tương lai cho những người vốn rất khác biệt.” Ông Kerry phát biểu như vậy về quan hệ Việt-Mỹ trong buổi gặp mặt những thành viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cùng giảng viên, sinh viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP. HCM.

Ông ca ngợi những chuyển biến kinh tế to lớn của Việt Nam trong những năm qua và lưu ý rằng thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng gấp 50 lần kể từ năm 1995, thời điểm mà Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. “Việt Nam đã chứng tỏ sự cởi mở nhiều hơn là chất xúc tác to lớn cho một xã hội cường thịnh hơn, và ngày hôm nay Việt Nam có cơ hội lịch sử để chứng tỏ còn hơn thế nữa,” ông Kerry nói.

“Sự cam kết ủng hộ mạng Internet thông thoáng, xã hội cởi mở, quyền của người dân được trao đổi ý tưởng, nền giáo dục chất lượng cao, môi trường kinh doanh hỗ trợ những công ty biết cách tân, ủng hộ việc bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân và việc người dân được tụ hội với nhau và thể hiện quan điểm - tất cả những điều đó tạo nên một nền kinh tế cũng như một xã hội đầy sức sống và mạnh mẽ.

“Mỹ kêu gọi những nhà lãnh đạo ở đây ủng hộ khả năng đó và bảo vệ những quyền đó,” ông Kerry nói thêm.
Ông Kerry chào hỏi một sinh viên chương trình Fulbright ở Lãnh sự quán Mỹ.Ông Kerry chào hỏi một sinh viên chương trình Fulbright ở Lãnh sự quán Mỹ.

TPP và nhân quyền

Chuyến thăm của ông Kerry đến Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng đạt được một thỏa thuận tự do thương mại có tên Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia trong khu vực này, trong đó có Việt Nam. TPP là trọng tâm trong chiến lược tái tập trung sự chú ý về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Tại buổi gặp mặt ở Lãnh sự quán Mỹ hôm thứ Bảy, ông Kerry loan báo cấp một khoản đầu tư trị giá 4,2 triệu đô la cho một chương trình do Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) của Mỹ bảo trợ, nhằm giúp thực thi thỏa thuận TPP.

Nhưng trước khi lên đường sang Việt Nam, các nhà lập pháp của Mỹ đã hối thúc ông Kerry gắn tiến độ đàm phán gia nhập TPP với thành tích nhân quyền của Việt Nam. Tuần trước, 47 dân biểu Hạ viện Mỹ đã gửi thư cho ông Kerry bày tỏ quan ngại về sự gia tăng những vụ bắt giữ các blogger và nhà hoạt động ở Việt Nam.

Báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố năm ngoái nêu tình trạng người dân bị hạn chế quyền tự do chính trị, quyền tự do dân sự và tham nhũng là những vấn đề lớn, cùng với việc đàn áp một số tổ chức tôn giáo.

Một bài xã luận của ban biên tập nhật báo The Washington Post hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh nhân quyền phải là một ưu tiên khi đàm phán TPP với Việt Nam. Bài báo nói thỏa thuận sẽ vấp phải sự ngờ vực của Quốc hội Mỹ và ít có cơ may được chuẩn thuận “nếu một trong những nền kinh tế tham gia dần dần trở nên áp chế hơn.”

Trả lời phỏng vấn của Reuters, một giới chức tháp tùng chuyến đi nói Mỹ tin rằng tiến bộ về nhân quyền và nền pháp trị là “điều kiện tiên quyết thiết yếu” cho việc cải thiện quan hệ song phương. Giới chức này nói ông Kerry sẽ có những cuộc trò chuyện “thẳng thắn ở nơi riêng tư” về những quan ngại nhân quyền với Việt Nam chứ không “rao giảng.”

Hãng tin AP cho hay ông Kerry cũng sẽ nêu lên một số trường hợp cụ thể tù nhân chính trị mà Mỹ muốn thấy được thả.

Biển Đông và an ninh hàng hải

Ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vắng mặt do phải tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN.

Cuộc hội đàm ở Hà Nội dự kiến sẽ tập trung chủ yếu vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ và tăng cường an ninh hàng hải ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt hơn với những tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.

Là một trong những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc, Việt Nam hết sức lo ngại về sự quyết liệt này và trông đợi Mỹ tăng cường vai trò truyền thống của mình là nước đảm bảo an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Lập trường của Mỹ là duy trì một vùng tự do lưu thông hàng hải và không bị cản trở ở Biển Đông cũng như ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc được áp dụng ở đây.

Vào ngày Chủ nhật, ông Kerry sẽ đến thăm vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông từng làm chỉ huy một tàu tuần tra cao tốc của Mỹ trong những năm 1968 và 1969. Tại đây ông sẽ đi thuyền ra nơi mà ông đã từng đi tuần để thị sát những hoạt động nuôi trồng hải sản, cũng như đánh giá tác động của việc phát triển thượng nguồn và biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Kerry nói về chuyến công du Việt Nam:

No comments:

Post a Comment