Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, March 16, 2014

ÂM NHẠC LÀ GÌ?


Âm Nhạc là gì, có các công dụng nào và các thể loại nào? Âm nhạc là các âm thanh được xếp đặt theo các mẫu (patterns) êm tai và hấp dẫn. Mọi người dùng âm nhạc để diễn tả các cảm xúc và tư tưởng. Âm nhạc cũng được dùng để giải trí và thư dãn tâm hồn, vì vậy âm nhạc là một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày, trong nhiều hoạt động xã hội và văn hóa. 
Âm nhạc là một nghệ thuật trình diễn. Khác với vài bộ môn nghệ thuật như Thơ Phú và Hội Họa trong đó người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm rồi phổ biến hay trưng bày cho mọi người nghe hoặc thưởng lãm; trong bộ môn âm nhạc, nhạc sĩ sáng tác cần tới nhiều ca sĩ trình diễn để diễn tả các bài ca, các nhạc phẩm, giống như nhà soạn kịch cần tới các diễn viên trên sân khấu. Như vậy công việc trình tấu âm nhạc là sự phối hợp giữa các nghệ sĩ sáng tác và các nghệ sĩ biểu diễn. 

Âm nhạc là một trong các nghệ thuật lâu đời nhất và có lẽ con người bắt đầu biết ca hát khi ngôn ngữ mới phát triển. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy các khúc xương rỗng được dùng làm cây sáo (flute) vào khoảng 10,000 năm trước Tây Lịch (TL) và bản nhạc đầu tiên được viết ra có lẽ từ 2,500 năm trước TL. Các dân tộc với nền văn minh cổ như các người Ai Cập, Trung Hoa và Babylonians đã biết dùng âm nhạc trong các lễ nghi cung đình và tôn giáo. 
Âm nhạc giữ các vai trò quan trọng trong mọi nền văn hóa. Nhiều người dùng âm nhạc trong các buổi lễ hội, trong công việc làm hay trong các sinh hoạt cá nhân và tập thể. Ngày nay, âm nhạc có nhiều hình thức. Loại âm nhạc của châu Âu và châu Mỹ được gọi chung là Âm Nhạc Tây Phương (Western music) trong khi châu Phi và châu Á cũng có loại âm nhạc riêng. Trong nền âm nhạc Tây Phương, có hai loại chính là cổ điển (classical) vàphổ thông (popular). Nhạc Cổ Điển gồm các bản giao hưởng (symphonies), nhạc kịch (operas) và nhạc vũ ba lê (ballets). Nhạc Phổ Thông có các loại chính như nhạc đồng quê (country music), nhạc nhân gian (folk music), nhạc jazz và nhạc rock… 
Trong bộ môn nhạc cổ điển cũng có nhiều hình thức. Nhiều bản nhạc cổ điển rất dài với nhạc phong và nhịp độ biến đổi. Cũng có các bản nhạc ngắn với cùng nhịp độ và nhạc phong được giữ nguyên trong suốt thời gian trình tấu. Vài bản nhạc cổ điển mang chủ đích trình bày một đề tài, diễn tả một ý tưởng, mô tả một cảm xúc hay kể ra một câu chuyện. 
Các nhà nghiên cứu âm nhạc cũng chia nhạc cổ điển ra làm hai loại: nhạc dùng đàn (instrumental music) và thanh nhạc (vocal music). Nhạc dùng đàn thường được trình tấu bằng một nhạc cụ, một nhóm nhỏ nhạc cụ hay một dàn nhạc (orchestra), còn thanh nhạc được viết cho một ca sĩ hát, hay một nhóm ca sĩ, hoặc một ban hợp ca đông người. Ngày nay các nhạc cụ được chia làm 5 loại chính: (1) nhạc cụ dây (stringed), (2) nhạc cụ gió (wind), (3) nhạc cụ gõ (percussion), (4) nhạc cụ phím (keyboard) và (5) nhạc cụ điện tử (electronic instruments). 
Tùy theo số nhạc sĩ trình diễn mà bản nhạc được phân loại ra làm: (1) nhạc độc tấu (solo music): được viết cho một thứ đàn như dương cầm, vĩ cầm, sáo… Các bản sonata dương cầm danh tiếng nhất là của các nhạc sĩ Ludwig van Beethoven người Đức, Wolfgang Amadeus Mozart người Áo… trong khi Johann Sebastian Bach người Đức cũng sáng tác các sonata xuất sắc, dùng cho đàn vĩ cầm (violin) và hồ cầm (cello). (2) nhạc thính phòng (chamber music): dùng cho từ 2 tới 5 nhạc sĩ, với mỗi người trình bày mỗi phần khác nhau. Loại bản nhạc này gồm loại hòa tấu 3 đàn dây (string trio), hòa tấu dương cầm 3 đàn (piano trio), hòa tấu 4 đàn (string quartet), hòa tấu 5 đàn (string quintet)… (3) nhạc đại hòa tấu (orchestra music): được trình diễn trước khán giả đông người. Dàn nhạc của loại này gồm từ 15 tới trên 100 nhạc sĩ, được chia làm 4 nhóm chính: a) loại dây, b) loại gió, c) loại kèn đồng và d) loại gõ. Loại bản nhạc thường được các dàn nhạc đại hòa tấu trình diễn gồm các bản giao hưởng (symphonies), các concerto và các tổ khúc (suites).

Yo-Yo Ma, cello                                        Joshua Bell, violin 
Bản nhạc giao hưởng thường diễn tả các cảm xúc, các ý tưởng. Bản giao hưởng Eroica (1804) của Beethoven lúc đầu có chủ đích ca ngợi danh tướng Napoleon với nhiều đoạn nhạc hùng tráng, và phần hai (2nd movement) là hành khúc tang lễ (funeral march) dành cho bậc anh hùng quá vãng… Bản giao hưởng Mùa Xuân (Spring, 1841) của Robert Schumann diễn tả niềm hạnh phúc khi lập gia đình. 
Các bản concerto được viết ra cho một thứ đàn riêng biệt, chẳng hạn như đàn vĩ cầm hoặc đàn dương cầm. Nhà soạn nhạc danh tiếng người Ý Antonio Vivaldi đã viết ra nhiều concerto xuất sắc, chủ yếu dùng cho các loại đàn dây. 
Từ thế kỷ 18, các tổ khúc (suites) là loại nhạc dành cho vũ điệu (dances), chẳng hạn như hai tổ khúc danh tiếng Peer Gynt Suite (1876) của nhà soạn nhạc Edvard Grieg người Na Uy, và Nutcracker Suite (1892) của nhà soạn nhạc Peter Ilich Tchaikovsky người Nga. 
Âm nhạc là một loại ngôn ngữ quốc tế có sức mạnh truyền thông lớn nhất, đã dùng tới các giai điệu trầm bổng để gợi lên trong tâm hồn người nghe nhiều cảm xúc nội tâm đa dạng. Âm nhạc trực tiếp ảnh hưởng tới các giác quan của thính giả và các nhạc sĩ sáng tác là những nghệ sĩ dùng âm thanh để mô tả những gì không thể nói ra bằng lời, vui cũng như buồn, say mê cũng như hùng tráng… 
Trở về một thí dụ đơn giản là tập Concerto Bốn Mùa (The Four Seasons) của Antonio Vivaldi, phổ biến vào năm 1725. Mở đầu trong concerto thứ nhấtMùa Xuân là tiếng chim hót vui vẻ, chào đón một mùa nắng ấm, sau đó là tiếng nước chảy róc rách của một giòng suối với gió nhẹ thổi qua, với các tiếng sấm, và rồi lại nghe thấy tiếng chim hót diễn tả nhờ cây vĩ cầm độc tấu. 
Mùa Xuân đang tới. Nhạc và Thơ là hai bộ môn nghệ thuật chuyên chở rất nhiều tình cảm. Nếu Antonio Vivaldi sáng tác ra các giòng nhạc bắt chước tiếng chim, giống như giọng hót của con chim Sơn Ca, thì Đại Thi Hào Nguyễn Du cũng mô tả tiếng đàn lả lướt của nàng Thúy Kiều bằng bốn câu thơ sau: 
Trong như tiếng hạc bay qua,Đục như tiếng suối mới sa nửa vời,Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa…
 
Phạm Văn Tuấn

No comments:

Post a Comment