Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-01-24
Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hồi trong năm, kể về hoàn cảnh khó nghèo của đôi vợ chồng tàn tật Nguyễn Văn Cứng và Vũ Thị Thơm ở Xóm Mới, Gò Vấp, nay Thanh Trúc tìm hiểu thêm về cuộc sống nghèo khó ở vùng Xóm Mới và nhà thờ Lạng Sơn.
Tải xuống - download
Tôi là linh mục Nguyễn Văn Luyến, trông coi nhóm khuyết tật cả lương dân và cả những người Ky Tô giáo trong Giáo hạt Xóm Mới. Giáo hạt Xóm Mới gồm mười lăm xứ đạo, những ai là người khuyết tật thì chúng tôi có thể qui tụ trong Hội Khuyết Tật Lạng Sơn Xóm Mới. Tôi được giao trách nhiệm lo giúp cho những anh em khuyết tật gồm những người mù, què, thần kinh… Tức là họ khuyết tật về cả tâm hồn và về cả thể xác.
Thanh Trúc: Thưa Hội Khuyết Tật Lạng Sơn Xóm Mới ra đời từ lúc nào và có phải đăng ký sinh hoạt với phường khóm hay không?
Linh mục Nguyễn Văn Luyến: Chúng tôi qui tụ ở đó để trước hết cho họ có tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, học hỏi lời Chúa. Đó là cái chính để an ủi nâng đỡ đời sống tinh thần của họ.
Sau đó thì chúng tôi cũng xin, hay là những ai biết được chúng tôi làm những công việc này thì họ có thể góp vào giúp anh em khuyết tật của chúng tôi.
Chúng tôi tạo công ăn việc làm, trước đây chúng tôi có ba cửa hàng, nhưng mà khi nhà nước mở cửa chúng tôi chỉ còn một của hàng trong giáo xứ. Tức là dựa vào lòng thương của anh em để họ đến họ mua giúp, còn chúng tôi mở thêm đại lý vé số để cho anh em hàng ngày nhận vé số đi bán lấy lời và trả gốc lại cho chúng tôi. Cứ từ sáng sớm đến quãng một giờ trưa thì anh em trả lại những vé không bán được, rồi lấy tiền đó để sinh sống.
Mỗi gia đình hay mỗi người khuyết tật của chúng tôi mỗi tháng cũng được 10 kg. gạo, hay là nhờ những ân nhân đọc báo và gởi giúp thì chúng tôi có thể cho nhiều hơn, cho thực phẩm, mì gói hay dầu ăn …L.M. Nguyễn Văn Luyến
Giáo Hội Công giáo ước ao xây dựng những cơ sở để nuôi nấng những người khuyết tật hay bệnh viện hay trường học. Nhưng từ sau 75 đến giờ thì chúng tôi không còn cơ sở đó tức không có pháp nhân để làm cái việc gì cả. Thành ra bây giờ các anh em khuyết tật, hầu hết ở vùng Xóm Mới, còn những anh em ở những vùng miền quê khi không sống nỗi thì về thành phố và ở vùng này thì chúng tôi cũng hướng dẫn cho họ thuê nhà. Thí dụ như anh Cứng chị Thơm đó, anh chị cũng thuê nhà để đi bán vé số rồi lấy tiền đó mà
trang trải.
Thanh Trúc:Thưa linh mục, được biết cứ mỗi một tháng nhà thờ Lạng Sơn lại cho mỗi gia đình khuyết tật mười ký gạo, như vậy việc cung cấp gạo có đều đặn không và nguồn gạo từ đâu ra?
L.M. Nguyễn Văn Luyến: Hàng tháng, ban Caritas trong Giáo xứ, tức Ban Bác Ái Xã Hội, đi xin ở trong giáo xứ, được nhiều anh em thiện tâm thiện nguyện đóng góp, chẳng những để giúp cho anh em khuyết tật của chúng tôi là hơn một trăm hai chục người mà ngoài ra trong Giáo xứ có gia đình nào nghèo thì họ cũng giúp cho có khi mười ký gạo hay hơn nếu tùy từng gia đình.
Mỗi gia đình hay mỗi người khuyết tật của chúng tôi mỗi tháng cũng được mười ký gạo, hay là nhờ những ân nhân đọc báo và gởi giúp thì chúng tôi có thể cho nhiều hơn, cho thực phẩm, mì gói hay dầu ăn …để giúp họ có bữa ăn cho nó khá hơn một chút. Tháng nào cũng vậy, Ban Bác Ái Xã Hội chúng tôi cũng đều lo cho người nghèo như vậy hết.
Kẻ ít người nhiều, có khi chúng tôi để một cái thùng ở cuối nhà thờ để những anh em khá giả hơn có thể cho.Qua các bài báo thì một số anh em họ biết và họ giúp chúng tôi.
Ngoài ra tôi còn phải lo một cái An Dưỡng Viện cho các cha già , trong đó thì ông cha trước, cha Hưởng, là vị tiền nhiệm, cũng lo bữa cơm cho những người nghèo. Mỗi một tuần lễ chúng tôi nấu ba bữa, thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy, vào buổi trưa. Hiện thời chúng tôi tạm dừng ở con số anh em nghèo đến ăn khoảng chừng hai trăm người. Đó là những người đến ăn được, còn những ông già bà cả và những người tàn tật thì có những anh em họ đưa cơm đến tận nơi tận gia đình. Nó gồm mười lăm xứ đạo thì hầu hết rải rác trong đó. Cũng nhờ lòng hảo tâm của rất nhiều người chứ không phải chỉ trong giáo xứ không hay ở trong vùng này không.
Thanh Trúc: An Dưỡng Viện dành cho các linh mục cao tuổi ở ngay trong nhà thờ Lạng Sơn hay ở chỗ nào?
L.M. Nguyễn Văn Luyến: Ở cách chúng tôi một cây số, ở bệnh viện Gò Vấp. Trước đấy nó là An Dưỡng Viện của Phát Diệm, nhưng mà sau 1975 thì nhà nước mượn một nửa để làm bệnh viện Gò Vấp bây giờ, và còn một nửa của chúng tôi bây giờ thì chúng tôi nuôi dưỡng các cha già khi các ngài đã tuổi về hưu. Cha nào muốn về đó nghỉ hưu thì chúng tôi cũng lại nuôi sống các ngài.
L.M. Nguyễn Văn Luyến: Đấy là những người khuyết tật không thôi, còn nếu mà tính chồng không khuyết tật, vợ không khuyết tật hay là con cái không khuyết tật thì còn nhiều. Như bữa trước tôi có nói là cũng có thể lên tới một trăm tám mươi người đó. Chẳng hạn khi phát quà thì những con cái của họ hay là những anh em họ đưa đi mà họ phải đẩy xe đến thì chúng tôi cũng cho, tuy không bằng người khuyết tật, thì cũng phải có một chút quà để mà cho họ có tinh thần để họ lại đưa những người khuyết tật đến cho chúng tôi.
Mỗi một tuần lễ chúng tôi nấu ba bữa... Hiện thời chúng tôi tạm dừng ở con số anh em nghèo đến ăn khoảng chừng hai trăm người. Đó là những người đến ăn được, còn những ông già bà cả và những người tàn tật thì có những anh em họ đưa cơm đến tận nơiL.M. Nguyễn Văn Luyến
Nên hay không nên khuyến khích người khuyết tật có con
Thanh Trúc: Thưa có điều này Thanh Trúc muốn thưa với linh mục, như trường hợp của anh Cứng và chị Thơm, chồng tàn tật, vợ cũng tàn tật, và một vài cặp vợ chồng khác trong Hội Khuyết Tật Lạng Sơn Xóm Mới. Thấy người ta khuyết tật thì giúp đỡ là đúng, thấy họ yêu thương nhau thì tác hợp cũng không có gì sai. Tuy nhiên, theo ông, nên hay không nên để cho họ sinh con đẻ cái trong hoàn cảnh tật nguyền và nghèo khổ như vậy?
L.M. Nguyễn Văn Luyến: Thế này, người khuyết tật cũng là con người, vẫn có những nhu cầu của con người, nhu cầu yêu thương gia đình hay được nâng đỡ. Chính vì chúng tôi không khuyến khích nhưng mà họ đến với nhau, họ muốn trở thành vợ chồng.
Chúng tôi thấy nếu họ có nhu cầu trở thành vợ chồng cũng là cái điều đúng thôi. Đó là nhu cầu của con người. Thế thì chúng tôi tác hợp, lo liệu đám cưới cho họ theo phép đạo tức là hợp thức hóa.
Vấn đề sinh con đẻ cái thì qui luật tự nhiên thôi. Sống chung với nhau thì có con cái. Nhà nước, chẳng hạn đến các bệnh viện thì họ la rầy chúng tôi là “ông này liều quá đi”, còn trong giáo lý đạo Công Giáo khi họ có thai và họ đến họ báo. Nếu đến bệnh viện nhà nước thì bệnh viện yêu cầu phá thai, còn chúng tôi thì không được phép bởi vì các em bé cũng là con người, được sinh ra thì phải được nuôi dưỡng, rồi các cha sẽ yểm trợ thêm hoặc kêu những người chung quanh có cái gì hãy yểm trợ thêm chứ không được phép phá thai, chẳng hạn như vậy.
Thanh Trúc: Thưa cha như vậy là bất luận có gì xảy ra, giả dụ mẹ khuyết tật mà còn mang nặng đẻ đau nguy hiểm đến tính mạng, cha khuyết tật không nuôi con đỡ vợ nỗi thì cũng cứ để cho có bầu rồi khuyến khích đẻ con ra?
Người khuyết tật cũng là con người, vẫn có những nhu cầu của con người, nhu cầu yêu thương gia đình hay được nâng đỡ. Chính vì chúng tôi không khuyến khích nhưng mà họ đến với nhau, họ muốn trở thành vợ chồngL.M. Nguyễn Văn Luyến
L.M. Nguyễn Văn Luyến:Hay là sau khi anh Cứng và chị Thơm sinh đứa thứ nhất rồi sinh đứa thứ hai , bác sĩ thấy rằng chị này sinh nữa thì nguy hiểm nên sau khi sanh em thứ hai thì họ cắt buồng trứng. Đấy là quyền của bác sĩ thôi, họ không hỏi ý kiến chúng tôi và họ đã làm. Và nếu mà nguy hiểm tới mạng sống thì Giáo Hội cũng cho đấy, còn không nguy hiểm tới mạng sống thì không được phép. Lần trước sinh mổ, lần thứ nhì cũng sinh mổ rồi lần thứ ba nếu có thể gây nguy hiểm tới bản thân mẹ thì giáo hội cũng cho phép.
Thanh Trúc: Thưa linh mục, đành rằng không chủ trương phá thai, nhưng điều cần nói ở đây là liệu có nên khuyến khích họ có con hay không. Thanh Trúc tin rằng có thể hướng dẫn dạy dỗ các cặp vợ chồng khuyết tật đừng mang thai khi bản thân không đủ sức sanh đẻ và không có khả năng nuôi con lớn. Tránh thai trong những trường hợp này đúng hay không đúng, nếu đúng thì cũng không vượt ra ngoài lề luật tôn giáo?
L.M. Nguyễn Văn Luyến: Đúng, Giáo Hội không khuyến khích những người khuyết tật có con đâu, nhưng về phương pháp để mà tránh thai thì đó không phải chuyện dễ. Đối với Giáo Hội thì cho phép tránh thai tự nhiên, tức là phải học biết, thì tất cả những cái đó chúng tôi dạy hết. Còn những phương pháp gọi là ngược lại với tự nhiên thì Giáo Hội không cho phép và chúng tôi cũng đã trình bày cái giáo lý đó. Còn tùy ý họ hiểu biết tới đâu đó thì thực sự những anh em khuyết tật của chúng tôi, những người tàn tật của chúng tôi, vấn đề tri thức họ yếu họ kém lắm.
Nhưng họ là con người, thực sự họ ước ao, đã không làm gì được để nuôi sống bản thân mà họ vẫn ước ao ví thử có một hai đứa con để sau này nó đỡ cho họ. Thí dụ như anh Cứng chị Thơm hai người khuyết tật mà sanh con rất là khỏe và lớn mạnh. Cháu nó bây giờ cũng có thể là giúp đỡ cha mẹ một chút rồi.
Hiện thời bây giờ chúng tôi cũng có mấy đôi khuyết tật như vậy, thực sự khi ốm đau thì nó vất vả thì họ cũng có nhu cầu có con để sau này lớn lên nó nâng đỡ.
Thanh Trúc: Thưa linh mục, ông đã lo cho một trăm hai mươi ngưới khuyết tật, đúng ra là một trăm tám mươi người, vừa là người khuyết tật và người nghèo ở Xóm Mới này, một Giáng Sinh ấm cúng và bình an. Ông mơ ước gì lúc này khi mà Tết Quí Tị đang từng bước về gần?
L.M. Nguyễn Văn Luyến: Trong năm mới, năm Quí Tị sắp tới thì cũng nhờ các ân nhân hoặc là cho quà bánh hoặc kiếm cách lì xì cho anh em khuyết tật của chúng tôi là cũng mừng lắm rồi đây. Cũng cầu chúc quí vị dồi dào sức khỏe và có một tấm lòng quan tâm tới anh em khiếm thị và khuyết tật của chúng tôi.
Đó là cuộc sống người khuyết tật nghèo khổ ở hạt Xóm Mới mà chừng như mức độ tàn tật của ai nấy xem ra nặng nề nghiêm trọng hơn bình thường.
Đó cũng là tâm tình trao gởi, tấm lòng hiểu biết và thương cảm mà vị linh hướng nhà thờ Lạng Sơn bày tỏ đối với những kẻ không may, những kẻ bất hạnh thường được ông ân cần gọi là những anh em khuyết tật của chúng tôi, nơi một xóm nghèo ở Gò Vấp.
Thanh Trúc tạm chia tay quí vị ở phút này, xin hẹn lại tối thứ Năm tuần tới. Đia chỉ liên lạc: nguyent@rfa.org
No comments:
Post a Comment