Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, January 25, 2013

Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong 4 năm tới



2013-01-24
Tổng thống Barrack Obama là người đề ra và ra lệnh thực hiện chính sách chuyển trục chiến lược sang châu Á, nhưng vào khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2, ông xác định nước Mỹ sẽ theo chính sách hòa hoãn, giao tiếp tích cực, không dính líu vào chiến tranh. Chính sách ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ thực sự diễn tiến ra sao, và Việt Nam đứng vào đâu trong chính sách ấy?
marshable.com photo
Tổng thống Barrack Obama đọc diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 2

Hòa giải, hòa bình, không chiến tranh

Diễn văn nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama chú trọng vào những vấn đề nội bộ nước Mỹ nhiều hơn là chính sách đối ngoại. Tuy nhiên phần nói về đối ngoại cũng cho thấy những mục tiêu của chính phủ Obama trong lãnh vực này trong 4 năm sắp tới. Thêm vào đó, trong thành phần nội các mới của chính phủ Obama, công luận chú ý đến hai ông bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng sắp được phê chuẩn. Nhìn vào quan điểm và thành tích hoạt động của hai nhân vật này, người ta có thể thấy rõ hơn chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama trong các vấn đề quốc tế, vì nhà lãnh đạo luôn luôn phải chọn vào nội các những người cùng chí hướng, cùng quan điểm với mình .
Trước hết, bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Obama có điểm nào đáng chú ý về chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ ?
Điều được chú ý đầu tiên là lúc Tổng thống Obama nói, đại ý là:
inaug
Tổng thống Barrack Obama tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ II- masslive.com photo
“Toàn dân Hoa Kỳ vẫn tin rằng nền an ninh bền vững và nền hoà bình lâu dài không đòi hỏi chiến tranh mãi mãi. Những quân nhân Hoa Kỳ dũng cảm và thiện chiến hàng đầu thế giới, được rèn luyện trong lửa chiến trường, cùng với mọi công dân Mỹ nung nấu vì những sinh mạng bị mất mát, tổn thất, đều hiểu rất rõ cái giá phải trả cho tự do. Vì thế người Mỹ luôn luôn luôn cảnh giác đối với những ai có thể gây hại cho mình; nhưng Hoa Kỳ cũng từng giành được thắng lợi trong hoà bình, không phải chỉ cần chiến thắng trong chiến tranh. Hoa Kỳ đã biến chuyển được những kẻ thù không đội trời chung thành những người bạn đáng tin cậy nhất. Và những bài học đó cần phải được áp dụng vào thời đại ngày nay.”
Như vậy điều mà Tổng thống Obama muốn nhấn mạnh là Hoa Kỳ sẽ theo đuổi những biện pháp hoà bình, hòa giải, với hậu thuẫn của sức mạnh quân sự và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Ông không nhắc trực tiếp đến chiến tranh khủng bố như trong vài ba năm trước đây, chỉ nhắc qua những kẻ có thể gây hại cho nước Mỹ, trong đó có thể bao gồm cả những lực lượng khủng bố lẫn những quốc gia gian manh quỷ quyệt, gồm Iran, Bắc Hàn, theo tên mà Tổng thống George W. Bush từng đặt cho họ trước đây.

Đứng cạnh Tokyo nhưng hòa hoãn với Bắc Kinh?

Một điểm đáng chú ý khác trong bài diễn văn bày tỏ chính sách của hành pháp Mỹ trong 4 năm tới, là chỗ ông Obama nói rằng trong một thế giới hoà bình không ai có được phần lợi ích lớn hơn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Nói cách khác, Hoa Kỳ là nước có lợi nhiều nhất trong một thế giới hoà bình, vì Mỹ là siêu cường hùng mạnh nhất. Điều này đã được nói đến trước đây trên trang báo này. Như vậy Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến ý hướng hoà bình của Hoa Kỳ và chính sách giao tiếp tích cực với các quốc gia chống đối. sau khi Washington vừa khẳng định lập trường đứng về phía Nhật Bản trong cuộc tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông và biển Đông. Điều gì mâu thuẫn ở đây?
Thực ra những lời hoa mỹ về ý hướng hoà bình của Tổng thống Obama cũng không phải được nói ra lần đầu tiên bởi một nguyên thủ Hoa Kỳ, mà đã được giới lãnh đạo ở Washington nói tới nhiều lần trong nhiều năm qua. Đó cũng là chính sách lâu dài của Mỹ từ sau thời chiến tranh lạnh đến nay.
Tuy nhiên không ai quên rằng gần đây Hoa Kỳ đã dính líu vào hai cuộc chiến lớn tại Iraq và Afghanistan, chưa kể trước đó quân đội Mỹ đã đi tiên phong trong các hoạt động quân sự trên khắp thế giới, như ở Kosovo và châu Phi. Vì thế nay Tổng thống Obama nhắc lại những điều đó như một lời xác định rằng Hoa Kỳ sẽ không bước vào một cuộc chiến nào khác, ngụ ý chỉ Bắc Hàn, Iran, có thể cả Trung Quốc nữa, trong bối cảnh Bắc Kinh ráo riết tăng cường quốc phòng và bành trướng lãnh hải, và Mỹ vừa đứng hẳn về phía Nhật để cảnh cáo Trung Quốc đừng có hành động đơn phương trong vấn đề chủ quyền ở Senkakư/ Điếu ngư.

Hai nhân vật đối ngoại “bồ câu”?

Nói đến châu Á thì người châu Á chú ý đến hai nhân vật mới sắp ra trước Thượng Viện để được chấp nhận làm bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng. Trước hết là nghị sĩ John Kerry, người được đề cử thay bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ, sắp ra trước Thượng Viện để được phê chuẩn.
Nghị sĩ John Kerry được nhiều thành phần trong công luận Mỹ tán thưởng là một người giàu kinh nghiệm đối ngoại. Ông từng là thành viên và trở thành chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng Viện Hoa Kỳ trong nhiều năm.
Người Việt Nam chú ý đến ông Kerry vì ông là cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam, chiếm được hai anh dũng bội tinh bạc và đồng, ba chiến thương bội tinh Purple Heart
kerry
Nghị sĩ John Kerry điều trần trước Ủy ban ngoại giao Thượng Viện trong ngày ông được phê chuẩn làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ- wbobradio.com photo
trong vòng 1 năm, được về nước trước khi dứt ba năm nhiệm vụ. Từ đó ông trở thành một nhân vật phản chiến, sau đó nhờ tiếng tăm ấy ông trở thành phó Thống đốc Massachussetts, và đã bước vào Thượng Viện Hoa Kỳ từ năm 1985.
Chính ông cũng là người đem những dự luật nhân quyền cho Việt Nam “bỏ vào ngăn kéo” để Thượng Viện khỏi thảo luận, mỗi khi Hạ viện chuyển lên với đa số gần 100% ủng hộ.
Tuy nhiên công luận Hoa Kỳ khi nói về ông Kerry, và cả ông Chuck Hagel ứng viên bộ trưởng quốc phòng nữa, hình như không ai nhắc đến Việt Nam hay biển Đông, biển Hoa Đông, hay Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, mà họ chú trọng đến lập trường của hai nhân vật này các vấn đề như Bắc Hàn, Iran, Israel, và chính sách giải trừ vũ khí hạt nhân.

Châu Á, Việt Nam mong đợi gì ?

Trong chính sách đối với Trung Quốc, Bắc Hàn, Nhật Bản thì gần đây Mỹ bênh vực nước Nhật trong cuộc tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, kềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn bằng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, hòa hoãn và thương lượng với Trung Quốc song song với việc ngăn chống tham vọng bành trướng của nước này. Với Việt Nam, là nơi mà trước đó hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ từng ghé nhiều lần, và tại Hà Nội Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố Washington nhất quyết bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải và quyền kinh doanh khai thác biển Đông, thì thời gian gần đây các giới chức hành pháp cũng như lập pháp của Hoa Kỳ ít nói tới Việt Nam, nhất là từ khi Hà Nội tỏ chính sách chiều lụy Bắc Kinh, kể lể công ơn của Trung Quốc mà quên đi những nợ máu của chiến sĩ và ngư dân còn đỏ tươi từ những năm 1974, 1979-1986, 1988 và gần đây hơn nữa, đồng thời nhắc lại Hoa Kỳ vẫn là kẻ thù xưa chưa bao giờ tốt với Việt Nam, quên hẳn mối quan hệ đang nồng ấm và tiền bạc đầu tư đang đổ vào. Washington dường như đang lui ra một khoảng để chờ xem thái độ hai mặt của Việt Nam bao giờ sáng tỏ, xem đó là kế sách nhất thời hay chiến lược lâu dài đã được Hà Nội khẳng định.
iran-drone
Chiếc drone đầu tiên của Iran, một sức mạnh quân sự không thể coi thường- wired.com photo
Hành động của ông John Kerry đối với những dự luật nhân quyền từ Hạ viện đưa sang cũng chẳng phải do quan điểm cá nhân, mà còn là quan điểm của không ít nghị sĩ và nhiều nhân vật hành pháp Hoa Kỳ. Nếu khuynh hướng của Thượng Viện khác đi thì nghị sĩ Kerry không thể làm như vậy.
Tuy Tổng thống và Ngoại trưởng Hoa Kỳ mấy năm nay có nói đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, chính phủ Mỹ cũng từng có biện pháp với Việt Nam cách đây nhiều năm vì vấn đề tự do tôn giáo, nhưng hiện nay theo chính sách chung của Hoa Kỳ đối với Việt Nam thì có lẽ những biện pháp trừng phạt Việt Nam theo dự luật nhân quyền đòi hỏi đã bị coi là đi quá xa.
Tổng thống Barrack Obama cần ông John Kerry làm Ngoại trưởng là vì nhiều vấn đề khác mà người Mỹ coi là quan trọng hơn. Nói cách khác Việt Nam chỉ là đề tài thứ yếu trong chính sách của Hoa Kỳ, nhất là sau khi Việt Nam tỏ ra lạnh nhạt với Mỹ và muốn quy phục Trung Quốc.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội hôm thứ năm nơi mà sau đó ông được phê chuẩn làm bộ trưởng ngoại giao, nghị sĩ John Kerry cam kết nước Mỹ sẽ làm mọi điều cần thiết để Iran không thể có vũ khí hạt nhân, và Tehran phải chứng minh chương trình hạt nhân là dành cho mục đích hoà bình. Ông cũng tuyên bố chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ không phải được định hình chỉ bằng phi cơ tự hành viễn khiển và những sự bố trí lực lượng, mà còn là những kế hoạch an toàn thực phẩm, an toàn năng lượng, trợ giúp nhân đạo, cuộc chiến chống bệnh tật và nỗ lực cho phát triển, song song và dồi dào không kém những kế hoạch chống khủng bố. Ông Kerry cũng không nhắc đến Trung Quốc.
chuck
Nghị sĩ Chuck Hagel, ứng viên bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ- breibart.com photo
Ứng viên bộ trưởng quốc phòng đang chờ Thượng Viện phê chuẩn cũng là một cựu chiến binh Việt Nam, ông Chuck Hagel. Ông từng là tiểu đội trưởng bộ binh trên chiến trường Việt Nam, đoạt hai chiến thương bội tinh Purple Hearts. Một thời gian sau khi về nước, ông đã trở thành giám đốc hai công ty kỹ thuật và tài chính lớn. Ông bước vào Thượng Viện năm 1997 và về hưu năm 2009.
Nghị sĩ Chuck Hagel thuộc đảng Cộng hòa, nhưng cũng bị nhiều vị dân cử Cộng Hòa chống đối vì vấn đề Israel và Iran khi ông được đề cử làm bộ trưởng quốc phòng, trong đó có cả nghị sĩ John McCain, người bạn thân mà ông Hagel từng giới thiệu trong cuộc tranh cử Tổng thống với ông Obama cách nay 8 năm. Tuy nhiên một nhân vật quan trọng của đảng Cộng Hòa, tướng Colin Powell, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, nguyên Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã hết lòng ủng hộ ông, gọi đó là vị Bộ trưởng quốc phòng mà quân đội Mỹ có thể tin cậy.
Ông Hagel bị chống đối vì bị coi là người trước đây có lập trường không muốn quân đội Mỹ can dự vào những cuộc khủng hoảng quốc tế, muốn giải trừ vũ khí hạt nhân đến chỉ còn số không, người từng chỉ trích Israel hiếu chiến, không ký nghị quyết ủng hộ Israel, từng phản đối cấm vận Iran, ủng hộ cắt giảm triệt để ngân sách quốc phòng. Ông bị chỉ trích là người sẵn sàng làm yếu đi vị thế cường quốc quân sự của Hoa Kỳ.

Iran và Trung Quốc hoan nghênh

Trước khi tân Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố chính sách về Iran như trên thì hôm 13 tháng 1, 2013, phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran tuyên bố sự bổ nhiệm ông Chuck Hagel vào chức vụ Bộ trưởng quốc phòng là một sự thay đổi thích ứng trong chính sách của Hoa Kỳ.
Đến thứ năm 24 tháng 1, Israel vừa bầu ra một quốc hội với thành phần trung hữu chiếm 19 ghế, so với 31 ghế của liên minh cầm quyền; giới quan sát cho rằng chính phủ sắp tới của Tel Aviv sẽ phải chú trọng vào kinh tế và đời sống người dân hơn là trước đây chỉ chú trọng vào Palestine và Iran.
Trong khi đó, từ Bắc Kinh báo China.org.cn cho rằng hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng mới của chính phủ Obama sẽ giúp tăng tiến mối quan hệ hoà bình với Trung Quốc. Báo này nhắc rằng nghị sĩ Kerry nhiều lần thăm Trung Quốc, từng tiếp xúc với nhiều thế hệ lãnh đạo của Bắc Kinh, năm 2000 đã bỏ phiếu ủng hộ việc thiết lập quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Quốc, từng chỉ trích chính sách của Tổng thống Bush về Đài Loan năm 2001.
Tờ báo cũng nói ông Chuck Hagel được coi là “bồ câu” đối với Trung Quốc, là một người chủ trương không gây chiến với bất cứ nước nào trên thế giới. Báo China.org.cn kết luận rằng bộ trưởng Chuck Hagel có thể giúp Tổng thống Barrack Obama kềm chế những tướng lãnh diều hâu của Ngũ Giác Đài luôn luôn coi Trung Quốc là mối đe dọa to lớn và thi hành những chính sách bất lợi cho Hoa Kỳ trong tình trạng kinh tế hiện nay.

Vị trí của Việt Nam?
japan-china-senkaku
Tàu tuần duyên Nhật kẹp tàu cá Trung Quốc không cho vào hải phận Senkaku/ Điếu Ngư- asianews.it photo

Trung Quốc, châu Á và Việt Nam không hề được nói tới ở Washington trong lúc hai ứng viên bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng bước vào tiến trình điều trần để được Thượng Viện phê chuẩn. Ở biển Hoa Đông hôm thứ năm, tàu chiến Nhật Bản và ba tàu hải giám Trung Quốc đấu súng vòi rồng phun nước với nhau ở Senkakư/Điếu Ngư. Tàu nhỏ của Đài Loan mon men toan đổ bộ nơi đó, phải quay đầu chạy về.
Vậy trong chính sách đối ngoại sắp tới, Hoa Kỳ liệu có tiếp tục bảo vệ biển Hoa Đông cho Nhật Bản như vừa tuyên bố, có nhất quyết dành quyền tự do lưu thông và tự do khai thác nguyên liệu ở biển Đông? Hoa Kỳ đem 60% lực lượng quân sự sang Thái Bình Dương để thi hành chính sách hòa hoãn ấy bằng cách nào? Việt Nam đứng vào đâu trong tình thế ấy?
Mời quý khán giả và độc giả đóng góp ý kiến.

No comments:

Post a Comment